Top

Nhiều dự án kinh doanh bất động sản ở Đồng Nai chậm triển khai

Cập nhật 27/05/2009 15:25

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đồng Nai, trong 2 năm qua, đã có 150 dự án (DA) được tỉnh giới thiệu địa điểm với tổng diện tích hơn 9.372 ha, nhưng đến nay mới có 15 DA đi vào hoạt động và 9 DA đang xây dựng có qui mô nhỏ hoặc chủ DA cũng là chủ sử dụng đất. Còn các DA lớn đều vướng phải thời gian lập hồ sơ qui hoạch và thủ tục bồi thường giải phóng mặt bằng khá dài, dẫn đến phải gia hạn nhiều lần.

Đáng lưu ý là có tới 68 DA kinh doanh bất động sản với trên 5.542 ha, chiếm hơn 60% tổng diện tích đã thỏa thuận địa điểm, nhưng do gặp thị trường kinh doanh bất động sản, thị trường vốn và các điều kiện hạ tầng không thuận lợi như dự kiến ban đầu và do còn nhiều vướng mắc về quy trình thủ tục nên triển khai rất chậm và phải gia hạn thêm thời gian.

Điển hình cho sự chậm trễ nói trên là các DA khu dân cư đô thị, khu khách sạn văn phòng cao tầng hay khu nhà biệt thự liên kế lớn hoặc vừa đều gần như "án binh bất động". Ông Nguyễn Xuân Đình, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần D2D của Đồng Nai cho biết: DA liên doanh của Công ty D2D với Berjaya (Malaysia) xây dựng khu phức hợp, bao gồm: khách sạn 5 sao, văn phòng cho thuê và nhà cao tầng trên đường Võ Thị Sáu ở thành phố Biên Hòa có vốn đầu tư 100 triệu USD đã động thổ từ tháng 9/2008, nhưng phải kéo giãn tiến độ thực hiện so với kế hoạch đề ra. Dự kiến quý 3 năm nay, liên doanh sẽ khởi công xây dựng trước 2 khối nhà 17 tầng và 20 tầng.

Cũng ở thành phố Biên Hòa, DA khu nhà ở của Công ty cổ phần đầu tư phát triển nhà đô thị (UDICO) đã khởi công mấy năm nay nhưng cũng chỉ xây được 2 chung cư nhà ở nằm ngay mặt tiền, còn lại nhiều lô đất cho xây nhà liên kế nằm phía sau vẫn chưa khởi động. Không chỉ với các DA lớn, Công ty cổ phần Kinh doanh nhà Đồng Nai chỉ làm các DA quy mô nhỏ, trên dưới 10 ha nằm trên địa bàn TP.Biên Hòa cũng đang thận trọng trong việc đầu tư xây dựng và giãn tiến độ để chờ thị trường "nóng" lên. Đứng trước tình hình kinh doanh bất động sản còn khó khăn nhiều, dự kiến cổ tức năm nay của Công ty cổ phần D2D giảm 5% và Công ty cổ phần Kinh doanh nhà Đồng Nai giảm 2% so với năm 2008.

Ông Trương Cường, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần đầu tư xây dựng và vật liệu Đồng Nai - đơn vị có một số dự án bất động sản trong tỉnh, cũng cho biết: Từ đầu quý I đến nay, công ty chỉ có 2 giao dịch cho DA khu dân cư ở TP. Biên Hòa, đạt rất thấp so với cùng kỳ năm trước. Tuy vậy, công ty vẫn tin tưởng, thời điểm này khá thích hợp để tích lũy và chuẩn bị đầu tư cho các dự án mới để kinh doanh khi kinh tế phục hồi... Ngoài ra, do bị tác động bởi cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu nên các nhà đầu tư nước ngoài vào Đồng Nai giảm đã làm lượng khách thuê đất tại khu công nghiệp giảm, dẫn đến khả năng một số khách hàng hiện đang đầu tư tại khu công nghiệp Long Thành không thể tiếp tục triển khai thực hiện dự án...

Tuy nhiên, thời gian qua, nhà đất giá thấp ở Đồng Nai vẫn có người mua. Bà Nguyễn Thị Thanh Hương, Giám đốc Sàn giao dịch bất động sản Công ty Tín Nghĩa Đồng Nai cho biết, hiện nhiều người có nhu cầu về sản phẩm nhà đất với giá dao động chỉ vài trăm triệu đồng. Cụ thể, sàn đã chào bán DA Khu dân cư Thạnh Phú, thuộc huyện Vĩnh Cửu với giá trị một nền đất chỉ vào khoảng 110-185 triệu đồng/nền đất 90m2 và DA Khu dân cư Tín Nghĩa ở phường Tân Biên - Biên Hòa với mức giá từ 4,5 - 5,3 triệu đồng/m2 đã được khách hàng đặt mua toàn bộ các căn nhà phố liên kế 1 trệt 1 lầu ngay trong tuần chào bán đầu tiên. Trong 4 tháng đầu năm nay, Sàn giao dịch BĐS Tín Nghĩa đã phục vụ gần 1.000 lượt khách hàng đến giao dịch. Ngoài sản phẩm dự án, nhu cầu ký gởi mua bán sản phẩm nhà đất nhỏ lẻ cũng gia tăng nhanh chóng, trong đó hơn 1/3 số khách hàng có nhu cầu tìm mua sản phẩm nhà, đất.

Theo bà Hương, thị trường bất động sản Đồng Nai trong ngắn hạn sẽ vẫn là những sản phẩm có giá trị thấp, phù hợp với khả năng thanh toán của nhiều người.

Thống kê của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Đồng Nai cho thấy, đến hết quý I năm 2009, lượng vốn giải ngân từ các ngân hàng thương mại trong tỉnh về cho vay mua nhà, xây nhà, mua BĐS... bằng các hình thức thế chấp lẫn tín chấp đều đạt thấp. Trong những tháng đầu năm, chi nhánh chỉ cho vay được khoảng hơn 600 tỷ đồng, chiếm 30% tổng dư nợ cho vay phục vụ các nhu cầu đời sống. Nhiều ngân hàng cho hay, do thị trường bất động sản đóng băng suốt thời gian dài vừa qua nên lượng khách đến vay tiền đầu tư cho lĩnh vực này đã giảm mạnh. Còn tại Ngân hàng Công thương Việt Nam (ViettinBank) chi nhánh Đồng Nai, nhiều người dân ngần ngại khi quyết định vay tiền mua đất, mua nhà dù có nhu cầu ở thực sự nên lượng giao dịch trong những tháng đầu năm giảm đến 50%.

DiaOcOnline.vn - Theo Bộ TN - MT