Top

Nhà thầu đường Láng - Hoà Lạc "kêu trời" vì giá vật tư

Cập nhật 02/11/2009 16:15

Vướng mắc lớn nhất tác động tới tiến độ và tâm lý các nhà thi công tuyến đường Láng - Hoà Lạc, theo ông Giám đốc Ban quản lý dự án, là giá cả vật tư biến động, nhiều loại vật tư không còn phù hợp nhưng lại chậm điều chỉnh do cơ chế quản lý hiện hành của ta còn nhiều bất cập. Hiện phần lớn trong số 41 đơn vị thi công cầu đường trên công trình đều đề xuất điều chỉnh giá vật tư.

Sau chuyến kiểm tra của đồng chí Phạm Quang Nghị, UVBCT, Bí thư Thành ủy Hà Nội, tuyến huyết mạch Láng - Hoà Lạc đã bắt đầu chuyển biến tích cực về tiến độ trên đường hướng tới kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội.

Nhưng để cán đích đúng hẹn thì trước mắt các Bộ, ngành chức năng cần khẩn trương tháo gỡ ít nhất hai yếu tố: Hoàn trả phần mặt bằng còn lại và điều chỉnh giá các loại vật tư đã làm các đơn vị thi công lúng túng trong thời gian qua.

Thông tin mới nhất là tuyến cao tốc trái thuộc tuyến đường Láng - Hoà Lạc đã thông xe sáng 31/10, bao gồm phần đường, các cầu và công trình hạ tầng trên tuyến.

Được xác định là đường cao tốc nối liền chuỗi đô thị Xuân Mai - Miếu Môn - Hoà Lạc - Sơn Tây, gắn kết các tuyến vành đai lớn của Hà Nội và khu công nghệ cao, nên cấu trúc cũng như yêu cầu thi công tuyến đường này có nhiều điểm khác biệt.

Ông Lê Minh Huyền - Giám đốc Ban quản lý dự án đường Láng - Hoà Lạc cho biết: Nếu như trước đây các đơn vị thi công phải chờ đợi mặt bằng, thì từ tháng 6/2008 đến nay, công tác giải phóng mặt bằng đã có chuyển biến rõ nét.

Trên cơ sở đó, Tổng công ty CP Vinaconex đã hoàn thành 95% tổng diện tích trên toàn tuyến, chi trả bồi thường và hỗ trợ tái định cư gần 950 tỷ đồng.

Phần diện tích còn lại chưa được bàn giao chủ yếu tập trung ở khu vực nút giao Hoà Lạc, với các lý do: Việc quản lý đất đai trước đây tại địa phương thiếu chặt chẽ, nên nay khó xác định tính chất, nguồn gốc đất làm cơ sở lập phương án bồi thường; nhiều doanh nghiệp có tài sản lớn (như đơn vị lắp ráp xe máy…) nằm trong diện giải toả thủ tục kiểm đếm, thẩm định đánh giá tài sản liên quan đến nhiều Bộ, ngành nên lâu hoàn thành; bên cạnh đó, nguyên nhân chủ quan do công tác chuẩn bị đất tái định cư cho các hộ dân phải di dời chậm, không đáp ứng được yêu cầu để giải phóng mặt bằng cho dự án.
 

Nhiều đoạn nền đường Láng - Hòa Lạc phải thi công cọc nhồi phức tạp, ảnh hưởng tới tiến độ công trình.


Tuy nhiên, xác định mục tiêu không thể chậm hoàn thành tuyến đường đúng dịp Đại lễ 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội, nên các hạng mục nằm trong đường găng tiến độ đều được các đơn vị đẩy nhanh, như: Cầu sông Nhuệ (km5+004); hầm chui đường sắt (km7+358); đoạn tuyến km 20+300 đến km 21+502; nút giao Hoà Lạc nối quốc lộ 21…

Tổng giá trị sản lượng đã thực hiện 1.986,07 tỷ đồng, đạt 42,32% giá trị xây lắp. Nghĩa là đã hoàn thành trên 65% khối lượng xây lắp toàn công trình.

Khó khăn vấp phải trong quá trình thi công, là chất lượng hồ sơ khảo sát địa chất một số vị trí cầu (như cầu vượt, hầm chui đường sắt…) không sát với thực tế nên phải thay đổi giải pháp thi công mới đáp ứng yêu cầu.

Các nút giao dọc tuyến nơi có giá trị dự toán lớn, thời gian thi công kéo dài như nút Hoà Lạc lại chưa có đủ mặt bằng thi công nên khó hoàn thành như dự kiến 20 đến 24 tháng.

Vướng mắc lớn nhất tác động tới tiến độ và tâm lý các nhà thi công, theo ông Giám đốc Ban quản lý dự án, là giá cả vật tư biến động, nhiều loại vật tư không còn phù hợp nhưng lại chậm điều chỉnh do cơ chế quản lý hiện hành của ta còn nhiều bất cập.

Cụ thể như cát san nền đã điều chỉnh mức giá trên 30.000 đồng/m3, nhưng vẫn thấp hơn nhiều so với giá mua hiện là 55.000 đến 60.000 đồng/m3; hay giá cát vàng là 81.000 đồng/m3 (đã điều chỉnh), thực tế mua tới 110.000 đồng/m3…

Hiện phần lớn trong số 41 đơn vị thi công cầu đường trên công trình đều đề xuất điều chỉnh giá vật tư để đảm bảo lợi ích của đơn vị thi công.

Vẫn theo ông Lê Minh Huyền, vì là tuyến đường vừa thi công vừa khai thác, nên hằng ngày rất nhiều xe tải đổ rác, đất phế thải gây ô nhiễm môi trường và cản trở hoạt động thi công trên tuyến Láng - Hoà Lạc.

Các đơn vị thi công chỉ còn cách xả sức người sức máy ra dọn để lấy mặt bằng thi công vừa tốn kém tiền của, vừa mất thời gian.

Trước tình hình trên, các cán bộ Ban quản lý đường Láng - Hoà Lạc đề nghị thành phố chỉ đạo các huyện, Sở ngành chức năng sớm trả nốt phần mặt bằng thi công công trình; đề nghị Bộ Giao thông vận tải có biện pháp chỉ đạo xử lý kỹ thuật dứt điểm hạng mục gia cố cọc đất nền đường và gia cố nền xi măng hầm chui đường sắt…

Để giải quyết các vướng mắc trên, ông Nguyễn Văn Tuân - Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty CP Vinaconex - đơn vị được Chính phủ giao nhiệm vụ tổng thầu tuyến Láng-Hoà Lạc khẳng định:Chúng tôi luôn cố gắng tạo thuận lợi để tất cả các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ công trình.

Hiện những vướng mắc về mặt bằng, về giá vật tư trượt lên… thì cần sự chung tay của thành phố Hà Nội, các Bô, ngành chức năng mới giải quyết được.

Điều cần ưu tiên xử lý, là đề nghị Bộ Giao thông vận tải, Ban quản lý dự án Thăng Long điều chỉnh đơn giá vật liệu xây dựng phù hợp với tình hình giá cả hiện nay, tạo cú hích thúc đẩy tiến độ công trình về đích đúng hẹn.
 

DiaOcOnline.vn - Theo Công An Nhân Dân