Top

Nhà chung cư, cốt yếu vẫn là dòng tiền

Cập nhật 30/05/2017 11:18

Câu chuyện về "nhà chung cư 25m2" đang tạo ra nhiều ý kiến trái chiều. Tuy nhiên, việc xây dựng diện tích căn hộ hiện nay như thế nào không quá quan trọng, mà vấn đề là làm sao để người có nhu cầu thật có thể tiếp cận được sản phẩm.
Với quan niệm “an cư rồi mới lạc nghiệp” của người Việt, thì việc mua nhà luôn là mơ ước của nhiều người, nhất là với những nhập cư ở các đô thị lớn.



Đa số người mua nhà hiện nay đều vay vốn ngân hàng. Ảnh: Lê Toàn

Để đáp ứng nhu cầu về nhà ở của người dân, thời gian vừa qua, Chính phủ đã ban hành nhiều giải pháp, chính sách hỗ trợ. Tuy nhiên, kể từ sau khi gói 30.000 tỷ đồng kết thúc, hiện vẫn chưa có chính sách mới thay thế, khiến giấc mơ có nhà của nhiều người có thu nhập thấp tan dần.

Anh Quốc Phong, một lao động ngoại tỉnh tại Hà Nội cho biết, anh cùng vợ lên Thủ đô lập nghiệp đã mấy năm, tích cóp được một ít vốn, dự định vay gói 30.000 tỷ đồng để mua nhà. Tuy nhiên, đúng lúc chuẩn bị được khoảng 30%, thì gói này chấm dứt.

Đến nay, gia đình anh vẫn đang ở trọ tại khu nhà trọ trên đường Đê La Thành, vì không thể tìm được dự án nào phù hợp. Dự án đủ tiền để mua thì ở quá xa, không tiện đi lại, còn dự án cũng coi là gần, thì không đủ khả năng mua. Vì thế, gia đình anh Phong đang mong đợi gói hỗ trợ tiếp theo.

"Vừa qua, tôi cũng nghe về việc có thể làm nhà diện tích nhỏ, để giảm tổng giá trị căn hộ xuống. Thế nhưng, giá lại có xu hướng tăng, nên tôi tính, chắc tổng giá cũng chẳng giảm hơn được là bao nhiêu. Vấn đề mấu chốt vẫn phải là vay được vốn giá rẻ, thì diện tích căn hộ to hay nhỏ không quan trọng", anh Phong nói.

Một tin vui với người có nhu cầu mua nhà ở xã hội là Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định 630/QĐ-TTg về lãi suất cho vay ưu đãi nhà ở xã hội tại Ngân hàng Chính sách xã hội theo quy định tại Nghị định 100/2015/NĐ-CP của Chính phủ.

Cụ thể, lãi suất cho vay ưu đãi tại Ngân hàng Chính sách xã hội đối với các đối tượng quy định tại Nghị định 100/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 của Chính phủ về phát triển và quản lý nhà ở xã hội trong năm 2017 là 4,8%/năm (0,4%/tháng).

Định kỳ hàng năm, Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện sơ kết, đánh giá; đề xuất, kiến nghị điều chỉnh lãi suất cho phù hợp.

Tuy nhiên, bao giờ gói tín dụng hỗ trợ này được triển khai vẫn đang là câu hỏi và mong đợi của cả thị trường.

Ông Đinh Thế Quỳnh, Phó giám đốc điều hành Sàn giao dịch Bất động sản Hải Phát, một trong những mối quan tâm hàng đầu của người mua nhà hiện nay là việc gói tín dụng chuyển tiếp sau gói 30.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, thông tin hiện tại cho thấy, vẫn chưa có gói tín dụng mới được ban hành. Điều này đã ảnh hưởng không nhỏ tới quá trình triển khai bán hàng đối với các sản phẩm thuộc phân khúc nhà ở xã hội.

Trong khi đó, với những người có nhu cầu mu nhà ở thương mại, thì việc tiếp cận nguồn vốn hiện nay cũng không phải dễ dàng.

TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính cho biết, ở Mỹ, ông có thể dễ dàng vay được khoản tiền mua nhà trong 30 năm với lãi suất thấp và ổn định, trong khi Việt Nam, lãi suất cho vay khá cao do thị trường vốn hạn chế. Việc một số ngân hàng đưa ra mức lãi suất rất thấp để chào mời khách hàng, nhưng sau đó lại thả nổi theo thị trường, nếu người vay không tính toán kỹ, sẽ rất dễ mất cân đối tài chính.

Trao đổi với Đầu tư Bất động sản, ông Phạm Thanh Hưng, Phó chủ tịch CEN Group cho biết, đa số người mua nhà ở phân khúc căn hộ trung và cao cấp hiện nay đều vay vốn ngân hàng. Hiện nguồn cung của phân khúc này vẫn đang khá lớn, nhưng thời gian qua, tín dụng đã bị kiểm soát chặt lại dần, khiến người mua gặp khó khă, từ đó ảnh hưởng đến thị trường.

“Với việc tín dụng mua nhà bị siết dần, để tiếp cận được nguồn vốn, hoặc khách hàng phải chấp nhận lãi suất cao, hoặc một hình thức nữa, tôi nghĩ sẽ phổ biến hơn, là chủ đầu tư sẽ tăng giá bán để dùng phần đó, “hỗ trợ” lại lãi suất cho khách hàng”, ông Hưng nói.

DiaOcOnline.vn - Theo Đầu tư Bất động sản