Top

Nguồn thu bất động sản giảm, kéo nợ đọng tăng

Cập nhật 17/04/2019 17:00

Trong khi số thu từ các khu vực kinh tế của TP.HCM đều tăng trong quý 1, nợ đọng thuế cũng tăng theo tỷ lệ thuận.

Bất động sản là ngành giảm nguồn thu thuế mạnh nhất trong quý đầu năm nay - ẢNH: NGỌC DƯƠNG

Nợ đọng tăng thêm 2.000 tỉ đồng

Số liệu từ Cục Thuế TP.HCM cho thấy, trong quý 1/2019, tổng số thu ngân sách nhà nước do đơn vị này thực hiện được 70.406 tỉ đồng, đạt 24,25% dự toán năm và tăng 2,22% so với cùng kỳ năm 2018. Tuy tổng nguồn thu tăng, song một số khoản thu giảm - cụ thể trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản giảm sút thê thảm. Chẳng hạn, thu tiền sử dụng đất giảm hơn 69%, thu tiền cho thuê mặt đất, mặt nước giảm gần 52%, thu lợi nhuận sau thuế giảm gần 59%...

Nguy cơ từ dịch chuyển địa bàn

Theo ông Lê Duy Minh, một nguy cơ giảm thu khác cần nghiên cứu là nguồn thu thuế của một số quận có xu hướng sụt giảm mạnh do cơ sở hạ tầng giao thông liên tục kẹt xe, triều cường nước cao… khiến DN có xu hướng chuyển dịch trụ sở sản xuất kinh doanh ra các tỉnh thành lân cận có vị trí cơ sở hạ tầng tốt hơn. Dẫn đến nguồn thu thuế cũng chuyển dịch sang các tỉnh thành khác.

 
Nguồn thu từ bất động sản giảm mạnh, kéo theo nợ đọng thuế tăng mạnh. Ông Lê Duy Minh, Phó cục trưởng Cục thuế TP.HCM, cho biết nợ đọng thuế từ đầu năm đến nay tăng thêm khoảng 2.000 tỉ đồng, tính từ trước đến nay khối nợ đọng tăng lên gần 12.000 tỉ đồng. “Nợ đọng tăng chủ yếu do một số dự án bất động sản trên địa bàn thành phố chưa triển khai được, kể cả các dự án mới tư nhân”, ông Minh cho biết và nhấn mạnh, tình hình số thu ngân sách trong quý 1 đã gặp không ít khó khăn khi một số nguồn thu giảm mạnh, chẳng hạn thu tiền sử dụng đất giảm 69%, thu tiền cho thuê mặt đất, mặt nước giảm 51,7%, thu lợi nhuận sau thuế giảm gần 59%... Nếu cùng kỳ năm ngoái, thu tiền sử dụng đất đạt khoảng 5.000 tỉ đồng thì từ đầu năm đến nay số thu chỉ còn 1.600 tỉ đồng.

Nợ đọng thực chất là chiếm dụng vốn của nhà nước và tạo sự bất bình đẳng trong cộng đồng doanh nghiệp (DN). Tuy nhiên, theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, nguồn thu từ bất động sản giảm sâu chứng tỏ TP.HCM từng có một thị trường bất động sản “nóng” trong năm qua. Đâu đó có sự phát triển gần chạm bong bóng, xa giá trị thực và thuần mua bán chuyển nhượng, nhu cầu thực không thấy. Trong khi đó, ông Lê Duy Minh bày tỏ sự lo ngại bởi thị trường bất động sản gặp khó khăn sẽ tác động đến các hoạt động sản xuất kinh doanh của những lĩnh vực, ngành nghề liên quan khác như thị trường vật liệu xây dựng, tư vấn thiết kế, lao động... ảnh hưởng mạnh đến nguồn thu ngân sách từ nhiều lĩnh vực, ngành nghề chứ không riêng gì bất động sản.

"Ông lớn" bia, xe hơi, điện thoại... đóng thuế giảm

Ngoài nguồn thu từ bất động sản giảm, số liệu của Cục Thuế TP.HCM cũng cho thấy, trong quý đầu năm, trong khi số thu từ các khu vực kinh tế khác đều tăng thì số thu từ DN FDI đạt được 16.601 tỉ đồng, chỉ đạt 21,71% dự toán năm. “Đây là khu vực duy nhất trong 4 khu vực kinh tế có số thu thuế giá trị gia tăng giảm so với cùng kỳ”, đại diện Cục Thuế TP.HCM cho biết.

Đặc biệt, có một số DN lớn lại có số thu giảm trong quý 1 đáng chú ý. Chẳng hạn, Công ty TNHH Mercedes-Benz VN nộp thuế giảm gần 58% so cùng kỳ năm trước, Công ty Samsung Electronics VN Thái Nguyên - chi nhánh TP.HCM không phát sinh số nộp thuế so với quý 1/2018 (149 tỉ đồng), Công ty TNHH Nhà máy bia Heineken VN nộp thuế giảm 2,52%... Ngoài ra, một vài số liệu của Cục Thuế TP.HCM đáng lưu ý là trong quý 1, đơn vị này đã thực hiện thanh tra, kiểm tra đối với 4.138 DN, truy thu thuế và phạt là hơn 670 tỉ đồng. Qua thanh kiểm tra, cơ quan thuế cũng điều chỉnh giảm khấu trừ thuế giá trị gia tăng 98,4 tỉ đồng, giảm lỗ lên đến 3.123 tỉ đồng.

Với một số DN FDI lớn gần như dẫn đầu các ngành điện thoại, bia, xe hơi… giảm nộp thuế hoặc thuế thu không tăng, theo ông Ngô Trí Long, cần xem xét họ đang tái đầu tư thế nào, giao dịch liên kết ra làm sao, không loại trừ “bóng ma” chuyển giá đã ăn vào thâm căn cố đế vào hoạt động của các DN FDI lâu nay mà ngành thuế từng “bó tay” không tìm được giải pháp.

“Không nên có cái nhìn tiêu cực là anh giảm đóng thuế, chắc anh đang chuyển giá, nhưng hiện tượng chuyển giá của các DN FDI đến nay chưa được giải quyết triệt để thì các nhà quản lý có quyền nghi vấn và phân tích theo khía cạnh thực tế lẫn chuyên môn thế nào”, ông Long khuyến cáo. Số liệu của Tổng cục Thuế tính hết quý 1 cũng cho thấy, ngành thuế đã thực hiện thanh tra giá chuyển nhượng với 26 DN có hoạt động giao dịch liên kết, truy thu và truy hoàn được 115 tỉ đồng, giảm lỗ 113 tỉ đồng. “Con số này chỉ là những hạt muối trong bể muối đang diễn ra tình trạng thất thu chuyển giá”, ông Long nhận xét.

DiaOcOnline.vn – Theo Thanh niên