"Nên thành lập Ban quản lý dự án khu vực phát triển đô thị"

Cập nhật 17/06/2018 10:10

Ông Đỗ Viết Chiến - nguyên Cục trưởng Cục Phát triển đô thị - Bộ Xây dựng,Tổng thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho rằng các khó khăn thách thức hiện nay là đầu vào, tức thông tin về thị trường bất động sản, rất mù mịt. Việc quản lý đầu tư phát triển đô thị theo quy hoạch và có kế hoạch chưa thật tốt. Quy hoạch vùng và quy hoạch chung khá đầy đủ nhưng quy hoạch phân khu và quy hoạch chi tiết lại thiếu. Tỷ lệ đô thị hóa của tỉnh chưa tới 29%, thấp so với mức trung bình 35% của cả nước.

Ông Đỗ Viết Chiến - nguyên Cục trưởng Cục Phát triển đô thị - Bộ Xây dựng,Tổng thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam

Việc gia tăng dân số cơ học nhanh chóng trong điều kiện hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội khung mang tính chất liên vùng còn hạn chế. Cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ, các công trình đầu mối xử lý rác thải, nước thải, bảo vệ rừng sinh thái, môi trường biển chưa được đầu tư kết nối.

Quỹ đất dành cho phát triển đô thị - du lịch nghỉ dưỡng – cùng với giải pháp ứng phó biến đổi khí hậu, phát triển đô thị tăng trưởng xanh thông minh cũng như cơ chế chính sách thu hút đầu tư, nguồn lực thực hiện và trình độ cán bộ quản lý phát triển đô thị đang là những khó khăn, thách thức lớn mà Kiên Giang phải đối mặt trong thời gian tới.

Đề xuất và giải pháp

1. Cần sớm xây dựng chương trình phát triển đô thị: nhằm xác định lộ trình từng bước thực hiện quy hoạch vùng tỉnh Kiên Giang trong đó xác định chương trình ưu tiên và nguồn lực thực hiện cho từng kế hoạch: Ngắn hạn, trung hạn và dài hạn.

2. Sau quy hoạch chung: Việc tổ chức thực hiện quy hoạch phải theo nguyên tắc: Phát triển đô thị theo đúng quy hoạch và có kế hoạch.  Xác định muc tiêu và lộ trình dài hạn, đầu tư vào 4 địa phương trọng điểm của tỉnh (Rạch Giá, Kiên Lương, Hà Tiên, Phú Quốc).

Cần xác định các khu vực phát triển đô thị cho giai đoạn 5 năm và hằng năm nhằm phát triển đô thị có trọng tâm, trọng điểm không dàn trải, tiết kiệm nguồn lực đất đai. Từ đó để lập quy hoạch phân khu làm cơ sở hình thành các dự án đầu tư phát triển đô thị theo quy định. Trên cơ sở đó lập kế hoạch thực hiện khu vực phát triển đô thị. Trong đó: lập danh mục các dự án đầu tư phát triển đô thị theo 3 hướng sau:

- Nhóm dự án có khả năng thu hồi vốn và sinh lời: Cần công khai trên các phương tiện thông tin để thu hút đầu tư và tiến hành đấu thầu chọn Chủ đầu tư hoặc đấu giá quyền sử dụng đất.

- Nhóm dự án không có khả năng thu hồi vốn và sinh lời: Cần có sự đầu tư của Nhà nước. Nhóm này cần làm rõ để xây dựng kế hoạch trung hạn và ngắn hạn theo luật đầu tư công.

- Nhóm dự án: Nhà nước và dân cùng làm: áp dụng cho các khu vực dân cư, làng xóm đô thị hóa, làng nghề. Nhà nước hỗ trợ quy hoạch chi tiết – Hạ tầng kỹ thuật khung, và các công trình xử lý người dân bỏ vốn xây dựng cải tạo nhà ở của mình theo quy hoạch. Đây là kênh thông tin đầu vào quan trọng của thị trường bất động sản của Kiên Giang để các nhà Đầu tư, người dân lựa chọn

- Đối với nhóm dự án sinh lời: Nhà nước cần áp dụng thí điểm mô hình đầu tư dự án theo quy hoạch hoặc theo mô hình PPP – để giải phóng mặt bằng – đầu tư hạ tầng kỹ thuật (đất đã có hạ tầng kỹ thuật) cần đấu giá quyền sử dụng đất nhằm thu lợi nhuận tối đa về giá trị kinh tế đất để có nguồn lực tiếp tục đầu tư hạ tầng kỹ thuật cho các dự án đô thị và nhà ở khác trên đảo.

3. Các sản phẩm bất động sản mới như officetel, hometel, condotel đã phát triển ồ ạt tại nhiều địa phương, kể cả tại Phú Quốc và đang được giao dịch tràn lan. Cần xây dựng khung pháp lý và quy định cụ thể cho sự phát triển của loại hình này.

3. Đầu tư hệ thống hạ tầng khung, kết nối dự án với các khu vực khác, đảm bảo đồng bộ hạ tầng xã hội – hạ tầng kỹ thuật.

4. Thành lập Ban quản lý dự án khu vực phát triển đô thị (theo Luật Xây dựng 2014 và Nghị định 11/NĐ-CP/2013) nhằm:
- Hình thành một đầu mối kiểm soát phát triển theo quy hoạch và có kế hoạch.
- Kết nối hạ tầng kỹ thuật ngoài hàng rào các dự án bằng vốn Nhà nước.
- Thực hiện chế độ tiền kiểm thay cho hậu kiểm.
- Thực hiện dịch vụ công một cửa cho các dự án nằm trong khu vực phát triển đô thị đã xác định

5. Khai thác triệt để lợi thế đô thị Phú Quốc là khu hành chính - kinh tế   đặc biệt của quốc gia về cơ chế, chính sách để thu hút đầu tư. Nguồn vốn nhà nước ưu tiên cho các công trình hạ tầng kỹ thuật khung và các công trình đầu mối trọng điểm về xử lý rác thải, nước thải, bảo vệ môi trường ... nhằm nâng cao chất lượng sống và tạo môi trường cạnh tranh phát triển.

6. Kiểm soát phát triển đô thị từ khâu quy hoạch lồng ghép các giải pháp ứng phó biến đổi khí hậu. Trước mắt, hình thành bản đồ ngập lụt nước biển dâng để công khai cho người dân, doanh nghiệp và các nhà quản lý biết các khu vực cấm và hạn chế xây dựng.

7. Phát triển đô thị theo mô hình tăng trưởng xanh, sinh thái, thông minh nhằm kiểm soát nguồn chất thải vào môi trường, khuyến khích sử dụng năng lượng sạch, tái sử dụng nguồn chất thải, sử dụng vật liệu thân thiện môi trường. Từng bước tạo ra thị trường bất động sản công khai, minh bạch, ổn định và phát triển bền vững.

8. Tập trung đào tạo nguồn nhân lực và nâng cao chất lượng cán bộ quản lý về quy hoạch, xây dựng và phát triển đô thị để đáp ứng với yêu cầu mới ngày một cao hơn trên địa bàn tỉnh Kiên Giang.


DiaOcOnline.vn - Theo TBKTSG