Top

Muôn nẻo mặt bằng cho thuê

Cập nhật 26/05/2016 14:37

Quỹ đất dần eo hẹp, giá trị đất theo đó càng được “đội lên”. Ở Thủ đô, bên cạnh việc tìm mua, sở hữu nhà ở phù hợp vốn đã khó, “săn” được mặt bằng thuê để trực tiếp kinh doanh/chia nhỏ cho thuê lại càng gian nan hơn.

Không bàn tới các mặt bằng thương mại hàng nghìn m2 sàn đang nằm chờ “lấp kín”, những nhà phố, thậm chí nhà ngõ thổ cư luôn được dân kinh doanh để mắt tới. Mô hình thì có nhiều, nhưng không phải cứ thuê được mặt bằng đẹp, vị trí trung tâm là đảm bảo dòng tiền đầu tư.

Ngõ nhỏ, thắng lớn…

Phong trào đầu tư mở quán cà phê, phát triển thành hệ thống (nếu thành công sau thời gian đầu) vốn không còn xa lạ với bất cứ cá nhân nào có tham vọng khai thác lợi thế của các mặt bằng cho thuê tại nội thị.

Từ trước, địa bàn trung tâm Hà Nội từng chứng kiến hàng loạt các khu phố, quần thể được coi là “tụ điểm” về giải khát – cà phê – ăn nhanh như Triệu Việt Vương, Trung Hòa – Nhân Chính, Quang Trung – Hồ Xuân Hương – Thiền Quang, Tô Hiệu – Trần Quốc Hoàn…

Điểm chung, tất cả đều rất đông khách (doanh số khó đong đếm) dựa trên yếu tố vị trí tiệm cận các cơ quan hành chính, trụ sở DN lớn hoặc rất gần nhiều cơ sở đào tạo bậc đại học, cao đẳng. Đồng thời, hầu hết mặt bằng cho thuê nêu trên hiếm khi được rao sang nhượng.

“Nếu có, thì giá thuê lại rất đắt. Đơn cử, chủ mặt bằng rộng 70m2 tại tầng một của tòa nhà cao tầng tại khu Trung Hòa – Nhân Chính mới đây rao thuê với giá tới… 50 triệu đồng/tháng – cao gần gấp hai lần so với thuê mặt bằng tại KĐTM Văn Quán, Hà Đông” – nhà đầu tư Hồng Minh tỏ ra tiếc nuối vì không đủ tài chính để khớp nối giao dịch.

Không giống như chiến lược “tìm về trung tâm đã định hình”, bà Thanh Huyền, chủ một cửa hàng kinh doanh điện tử viễn thông ở quận Thanh Xuân, lại ưa khai thác các địa bàn còn “hoang sơ”.

Xuất phát từ lý do chủ quan (tài chính chủ động dưới mức 200 triệu đồng), cộng thêm việc thường xuyên có mặt tại khu vực gần cầu Khương Đình, người này đã quyết định thuê lại 80m2 mặt ngõ rộng tại đây để kinh doanh giải khát.

Căn nhà mặt ngõ từng được cho thuê làm quán cà phê với giá 8 triệu đồng/tháng. “Nhưng do người thuê trước không biết cách thu hút khách hàng nên ế ẩm lắm. Không phải ngẫu nhiên, tôi lựa chọn thuê ở ngõ. Bởi con ngõ là tuyến lưu thông huyết mạch để tránh tắc đường ở khu Bùi Xương Trạch nên rất sầm uất. Ngoài ra, địa điểm này gần trường trung học và hai trường cao đẳng, trung cấp – xây dựng, phát triển kinh doanh theo đúng đối tượng khách hàng trẻ là chủ yếu” – bà Huyền cho biết thêm.

Tương tự, trong phố Trung Văn – Phùng Khoang, nhiều nhà đầu tư trẻ tuổi đang tỏ ra khá thành công với mô hình mặt bằng thuê nhỏ gọn trong các con ngõ. Cách chợ Phùng Khoang không xa, cửa hàng ăn nhanh kèm giải khát (rộng vỏn vẹn 30m2) ra đời sau khi chủ nhà cho thuê với giá 5 triệu đồng/tháng.

Đầu tư quán cà phê để hình thành chuỗi là xu hướng không còn xa lạ

Đắc địa, chưa đủ

30 tuổi, đam mê với mô hình phục vụ ăn, Quốc Minh, nhân viên của một công ty truyền thông, đang cùng lúc sở hữu ba cửa hàng “mini” ở Triều Khúc, Hà Đông. “Lãi hàng tháng tổng cộng chưa tới 15 triệu đồng, nhưng đó là cơ sở ban đầu để phát triển nhân rộng anh ạ” – Minh hồ hởi nói.

Sau khi nút giao 4 tầng tại ngã tư Khuất Duy Tiến – Nguyễn Trãi được đưa vào khai thác vận hành, mặt bằng cho thuê tại khu vực này lập tức trở nên đắt giá so với thời gian trước đó.

Năm 2015, những nhà mặt phố tiệm cận ngã tư nơi đây có giá thuê trung bình 15-25 triệu đồng/tháng tùy diện tích, mặt tiền đỗ xe lẫn mục đích kinh doanh. Tới nay, đơn giá phổ biến tối thiểu ở mức 30 triệu đồng/tháng.

Nuôi ý định “thầu” lại cửa hàng bán đồ gỗ nội thất tại mặt đường Nguyễn Trãi, ông Huy đã chuẩn bị tài chính gần nửa tỷ đồng và liên tục “đánh tiếng” với nhiều chủ nhà (cũng đang kinh doanh đồ gỗ) sở tại.

“Chỉ cách một tuần là tới thời điểm ký hợp đồng thì nút giao thông khai trương. Chủ nhà đánh tháo, chấp nhận phạt cọc 20 triệu đồng và chỉ đồng ý cho thuê với giá 35 triệu đồng/tháng, tăng 8 triệu so với thỏa thuận ban đầu. Họ lấy lý do giao thông thuận tiện và hạ tầng đã… hoàn hảo không kém khu nội đô để hủy giao dịch” – nhà đầu tư chia sẻ.

Suôn sẻ hơn, vợ chồng anh Đức thuê được nhà mặt phố gần 80m2 (xây 3 tầng) ở mặt đường Nguyễn Trãi chếch về hướng Hà Đông. Căn nhà đã được thiết kế thông phòng, sẵn sàng thiết kế thành siêu thị mini, văn phòng hoặc showroom.

Với mức tiền 33 triệu đồng/tháng, ký hợp đồng 6 tháng, chủ nhân mới quyết định mở siêu thị bán hàng thực phẩm trong tâm lý chắc mẩm “thu lãi nhanh” nhờ vị trí quá đẹp, gần nhiều trường đại học lẫn giao thông thông suốt.

Tuy nhiên, thời gian trôi qua, lượng khách chỉ lèo tèo, hàng hóa chất chồng, tiền thuê “đến hẹn lại lên” phải thanh toán, anh Đức mới nhận ra mặt bằng thuê tại khu đất “vàng” mặt đường Nguyễn Trãi chỉ là điều kiện cần để giải bài toán đầu tư.

Cách địa điểm kinh doanh của nhà đầu tư này, là cửa hàng gắn thương hiệu Vinmart+, hàng loạt cửa hàng bánh kẹo kiêm tạp hóa tại khu tập thể Thanh Xuân Bắc đã hút toàn bộ khách hàng tiêu dùng.

Được biết, căn nhà 3 tầng nêu trên đang tiếp tục được rao cho thuê lại với mong muốn “cắt lỗ” càng sớm càng tốt của chủ sở hữu.


DiaOcOnline.vn - Theo Thời báo Kinh doanh