Top

Mua nhà, đất trên giấy, rước phiền toái vào thân

Cập nhật 28/07/2007 11:00

Chỉ đạo của UBND TPHCM về việc thu hồi đất đối với những trường hợp mua không đúng đối tượng trong dự án khu nhà ở cán bộ, giảng viên ĐH Quốc gia TPHCM, đang làm nhiều người khốn khổ.

Việc mua bán nhà, đất khi tình trạng pháp lý chưa rõ ràng được nhiều người ví như mua “lúa non”. Tình trạng này đang diễn ra khá phổ biến tại TPHCM do những diễn tiến bất lợi của thị trường bất động sản hiện nay.

Lo vì đất trên... giấy!

Cuối tháng 7, thông tin về việc UBND TPHCM chỉ đạo rà soát, xem xét việc thu hồi các lô đất đã “có chủ” nhưng cấp, chuyển nhượng sai đối tượng trong dự án khu nhà ở cán bộ, giảng viên ĐH Quốc gia TPHCM (tại phường Phú Hữu, quận 9 - TPHCM) khiến nhiều người lo lắng. Anh Nguyễn Ngọc Tiến (cựu giảng viên của ĐH Quốc gia TPHCM) được đăng ký mua 3 nền đất trong dự án này, bức xúc: “Năm 2005, khi dự án chưa san lấp, chủ đầu tư cho đăng ký mua thoải mái dưới dạng góp vốn, tôi và anh em trong nhà hùn tiền lại mua đất để dưỡng già. Đến nay, tiền đất đã đóng gần đủ, nhưng thời gian giao đất cứ kéo dài mãi. Bây giờ lại được tin sắp bị thu hồi, đúng là không hiểu nổi!”.

Còn chị Nguyễn Thị Xinh, người mua lại một nền đất từ dự án trên, cho biết: Tháng 10-2005, thấy Công ty Kinh doanh Địa ốc P.Đ rao bán với giá “mềm” và làm thủ tục sang tên trên hợp đồng đàng hoàng. Công ty P.Đ còn rao bán công khai trên nhiều tờ báo, website về một số nền đất nhà phố, biệt thự có diện tích từ 150 m2 đến 400 m2 trong dự án với giá từ 1,7 triệu đồng/m2 đến 2,3 triệu đồng/m2. Ngoài ra, các công ty này còn cam kết nền nhà được giao ngay trong năm 2005... Chị Xinh đã bỏ ra hơn 600 triệu đồng nhưng đến nay nền biệt thự vẫn bặt tăm.

Sự lo lắng của các khách hàng mua nhà còn trên giấy dạng này rất dễ hiểu, vì sau khi có kết luận thanh tra dự án này, UBND TP đã chỉ đạo các cơ quan chức năng, đối với 516 lô đất đã có chủ, phải tiến hành kiểm tra, rà soát để thu hồi những trường hợp như: đối tượng đứng tên trên hợp đồng không phải cán bộ, giảng viên ĐH Quốc gia TPHCM; người mua không có nhu cầu thực sự và đã có nhà ở ổn định; mua nhiều lô đất...

Hồi hộp cùng nhà... tái định cư

Nếu những năm trước đây, việc mua lại nhà tái định cư sẽ giúp cho khách hàng có chỗ ở ổn định, giá lại rẻ do đây là loại nhà được Nhà nước trợ vốn nhằm ổn định cuộc sống của người bị giải tỏa. Thế nhưng, hiện một số người đang lâm vào cảnh “dở khóc, dở cười” vì những tranh chấp trong mua bán, chủ trương chính sách, thủ tục cấp chủ quyền...

Còn nhớ, năm 2002 - 2003, nhiều người đổ xô mua lại căn hộ tái định cư tại chung cư Phạm Viết Chánh (quận Bình Thạnh - TPHCM). Điều đáng nói, hầu như không ai mua được từ chính chủ căn hộ mà đều phải thông qua các “cò” thu gom quyền mua nhà. Nếu các “cò” chỉ trả cho người tái định cư trung bình từ 50 triệu - 120 triệu đồng/căn hộ, thì khi sang tay cho chủ nhân mới, giá được đẩy lên đến 500 triệu - 600 triệu đồng/căn hộ.

Do giá trên vẫn còn khá rẻ và vị trí chung cư đắc địa nên nhiều người vẫn mua dù giấy tờ nhà, đất chỉ là giấy tay hoặc hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng. Chính vì mua, bán theo kiểu đó nên hiện nhiều người phải ngậm đắng, nuốt cay nếu như chủ tái định cư quay lại đòi nhà. “Bỏ ra hơn nửa tỉ đồng để mua căn hộ mà hiện tôi không có mảnh giấy lận lưng, đem thế chấp không được vì không có chủ quyền, mỗi lần chủ cũ gọi lại thì hồi hộp vì không biết có đòi thêm tiền hoặc đòi lại nhà không?” - anh Nguyễn Văn Vũ, nhà ở chung cư Phạm Viết Chánh - tâm sự.

Theo chúng tôi được biết, hiện khá nhiều trường hợp phát sinh tranh chấp không thể hòa giải và buộc phải kéo nhau ra tòa do mua bán nhà tái định cư. Tại quận 2 - TPHCM, hiện có 50 vụ khiếu nại liên quan đến việc mua bán suất nhà tái định cư. Tuy nhiên, kinh nghiệm từ nhiều vụ việc cho thấy phần thiệt thòi luôn thuộc về phía người mua sau cùng.

LUẬT SƯ NGUYỄN VĂN HẬU, TRƯỞNG BAN TUYÊN TRUYỀN HỘI LUẬT GIA TPHCM:

Giống như mua cổ phiếu “mầm”

Việc mua nhà, đất dạng “lúa non” thực tế cũng như mua cổ phiếu “mầm”, do giá rẻ nên nhiều người nghĩ rằng mức sinh lợi sẽ cao. Thực tế không phải vậy, bởi loại nhà, đất này có mức rủi ro rất cao. Trường hợp những người mua đất trên giấy tại dự án nhà ở của ĐH Quốc gia TP không khác bao nhiêu so với người mua lại quyền mua cổ phiếu tại Bệnh viện Bình Dân.

Đối với khách hàng mua nhà tái định cư, về mặt pháp lý nhiều căn nhà này thuộc dạng trả góp dài hạn hoặc có quy định hạn chế sang nhượng, do đó khi có tranh chấp phần thiệt thuộc về người mua bởi nhìn về khía cạnh nào đó tài sản này vẫn còn thuộc quyền quản lý và sự chi phối của Nhà nước.


Theo Hoàng Lan- Người Lao Động