Top

Mua đất nền thổ cư: Cảnh báo "mang con bỏ chợ"

Cập nhật 21/08/2016 09:26

So với chung cư, đất nền thổ cư dường như có ưu thế hơn trong lựa chọn “mua để ở” của người dân. Thế nhưng, hành trình trở thành chủ nhân của đất nền, chỉ người trong cuộc mới “thấu” những “gian nan”.


Hạ tầng kiểu “đem con bỏ chợ”

Mua đất xây nhà gần năm nay nhưng người dân tại khu dân cư Phúc Long thuộc Khu phố Trường Lưu (P. Long Trường, Q.9, Tp.HCM) vẫn phải sống trong cảnh đường chưa trải nhựa. Vào mùa mưa, nước ngập ứ khiến việc đi lại của người dân gặp nhiều khó khăn. Điều đáng nói, khi cư dân phản ánh, doanh nghiệp chọn cách im lặng hoặc phản hồi qua loa với lý do khi nào nhà cửa thuộc dự án xây gần xong sẽ cho trải nhựa.

Theo phản ánh của người dân, trước khi tiến hành ký hợp đồng mua bán, hai bên đều thỏa thuận rõ ràng về việc sẽ có đường nhựa 6m. Thậm chí đường nhựa này phải được xây dựng trước khi tiến hành bán đất cho khách hàng. Thế nhưng, đến nay đã gần 1 năm, đường nhựa vẫn không hề xuất hiện.Trước đó, cũng tại khu dân cư này, người mua đất từng bức xúc về việc doanh nghiệp giao đất không đúng vị trí cho khách hàng. Cụ thể, trong ngày mở bán, khách hàng đặt chỗ và giao dịch mua bán lô A nhưng khi nhận biên bản bàn giao đất để xây nhà thì doanh nghiệp lại giao lô B. Sự cãi  vã, xô xát  giữa người mua và đại diện doanh nghiệp đã xảy ra. Tuy nhiên, thay vì đưa ra lời giải thích “thấu tình đạt  lý”, đại diện doanh nghiệp lại tỏ ra bất cần: “Giao đất như vậy, không nhận thì thôi!” hoặc “Không lấy thì bán lại cho người khác!” hay “ Lên mà hỏi ông nhà nước”….

Một người dân sống tại đây tỏ ra bất lực: “Lúc đó tiền mình đã đặt hết cho công ty, đến ngày giao đất mới vỡ lẽ. Như vậy có khác nào doanh nghiệp đặt khách hàng vào thế “đã rồi”. Mà tính trước tính sau, thế nào mình cũng thiệt thòi. Nếu mình không nhận, họ vin vào cớ đất lên, bán lại cho người khác kiếm  lời”.

Người dân này cho biết thêm: “Tưởng chỉ trục trặc mỗi vụ đó, ai ngờ khi tiến hành xây nhà ở, gần cả năm công ty vẫn chưa chịu làm đường xá để dân tiện đi lại”. Bị đặt trong tình thế “tiến thoái lưỡng nan”, nhiều người dân đành “tặc lưỡi” cho qua chuyện. Bên cạnh những dự án phân lô bán nền có sự hoàn chỉnh về đường xá được chào bán, không ít dự án mới chỉ đổ đất, thậm chí chưa phân chia lô đã treo bảng bán đất và giao dịch với khách hàng. Hoặc có những dự án, khi cư dân vào ở, các dịch vụ như tuyến cấp điện, cấp thoát nước chưa hoàn thiện như cam kết ban đầu của chủ đầu tư.

Khi chính quyền làm khó…

Một vấn đề khác mà người mua đất nền phải “chịu trận”, đó là bị chính quyền địa phương “hành” đủ kiểu.Theo chia sẻ của người dân khu Phúc Long và cư dân nhiều khu dân cư khác, khi tiến hành xây nhà trên đất đã mua, để có được giấy phép xây dựng, người dân vô cùng trầy trật. Những trường hợp tự xin giấy phép xây dựng hầu như không thành công. Người dân gặp phải đủ kiểu bắt bẻ như thiếu giấy nọ, bổ sung giấy kia… Năm lần bảy lượt bổ sung nhưng thay vì nhận được giấy phép, người  dân vẫn phải “chờ” cả nửa năm trời.

Theo nhiều người, cách nhanh nhất để sở hữu giấy phép xây dựng là nhờ đến “cò”. Chi phí “nhờ ” qua cò dao động từ 5- 10 triệu đồng/giấy phép (chưa kể chi phí hoàn công ngôi nhà sau khi xây xong, dự tính phải gấp đôi, gấp ba chi phí giấy phép xây dựng).

Ngoài ra, các chi phí về kéo điện - nước để xây nhà, người dân đều phải thông qua “dịch vụ” thì mọi khâu mới được tiến hành nhanh, thuận lợi. Nếu người dân tự nộp hồ sơ ra phường xin cấp điện – nước thì vài tháng vẫn chưa nhận được hồi âm.

Cũng theo người dân, khi ngôi nhà đang dần hiện hữu trên mảnh đất thì chỉ cần một đội quản lý của phường “ghé thăm” là chủ nhà phải “lót tay” 1 – 2 triệu đồng. Điều đặc biệt, tất cả các ngôi nhà mới bắt đầu xây dựng luôn có đại diện của phường đến “thăm”. Theo trần tình của một chủ nhà, nếu không "lót tay" sẽ gặp khó dễ trong quá trình xây dựng, dù nhà mình có đúng hay không đúng phép. Chưa hết, sau khi hoàn thành ngôi nhà, để trở thành cư dân chính thức của quận, muốn có sổ tạm trú tạm vắng, phần lớn người dân phải tiếp tục đi “cửa sau” cho nhanh, cho dễ.

Khi đi mua đất, rất nhiều người dân là “thượng đế” của các doanh nghiệp bất động sản. Thế nhưng, khi đã sở hữu mảnh đất, những “thượng đế” này lại rơi vào muôn vàn cảnh khó khăn, oái ăm để được thực sự là chủ mảnh đất của chính mình.


DiaOcOnline.vn - Theo Nhịp sống thời đại