Top

Một bài học rất đắt

Cập nhật 06/11/2018 13:51

Do tranh chấp với các tổng thầu Trung Quốc, 4 trong 12 đại dự án thua lỗ phải dùng tới biện pháp là đưa ra trọng tài quốc tế. Có nghĩa, chưa biết chừng nào những lằng nhằng khúc mắc mới có thể chấm dứt.

Dự án Cát Linh- Hà Đông liên tục lùi tiến độ.

Tháng 6 năm ngoái, cơ quan điều tra đã khởi tố 5 bị can do liên quan đến hành vi cố ý làm trái tại dự án Nhà máy xơ sợi polyester Đình Vũ (PVTex Đình Vũ) . Ngoài hậu quả đội vốn “thành hơn 359 triệu USD, nhà máy này liên tục báo lỗ. Và cho đến giờ, những tranh chấp căng thẳng với nhà thầu Trung Quốc khúc mắc đến nỗi vụ việc phải đưa ra trọng tài quốc tế vào tháng 11 tới.

Nhưng PVTex Đình Vũ chỉ là 1 trong 4 đại dự án thua lỗ phải đưa ra trọng tài quốc tế do những tranh chấp với nhà thầu Trung Quốc.

Luôn bỏ rất thấp để trúng thầu bằng được dự án, sau đó thi công ì ạch và liên tục tăng vốn. Câu chuyện đội vốn tại các dự án do nhà thầu Trung Quốc đã trở thành một tình trạng triền miên không chỉ trong 12 đại dự án thua lỗ của ngành Công thương.

Dự án Đạm Ninh Bình chẳng hạn. Với 12.000 tỉ đầu tư do nhà thầu Trung Quốc, từ khi vận hành Đạm Ninh Bình liên tục lỗ, và lỗ đến 2.000 tỉ. Cho đến giờ, vẫn chưa thể quyết toán với tổng thầu Trung Quốc do còn tới 15 điểm tồn tại trong hợp đồng EPC mà 17 lần đàm phán vẫn không dứt điểm được.

Hay như Dự án gang thép Thái Nguyên mở rộng giai đoạn 2 dù đã giải ngân hơn 4.500 tỷ nhưng giờ đây không khác một đống sắt vụn khi tổng thầu Trung Quốc phụ trách từ hợp đồng thiết kế, cung cấp thiết bị công nghệ đến thi công xây dựng công trình, đã “bỏ về nước”.

Gần hơn, và cũng bức xúc hơn, Dự án Cát Linh- Hà Đông với số vốn tăng kỷ lục và thời gian thi công kéo dài vô hạn. Và nguyên nhân cũng là vấn đề với tổng thầu Trung Quốc.

Đại biểu Quốc hội Bùi Văn Xuyền có lần cho biết: "Ủy ban KH, CN và MT của Quốc hội đã tiến hành giám sát dự án nhưng không thể có được số liệu, thông tin cụ thể về dự án. Từ việc hợp đồng giữa chủ đầu tư với nhà thầu thực hiện thỏa thuận, ký kết thế nào? Việc cam kết trách nhiệm của các bên với dự án ra sao? Rồi ai phải chịu trách nhiệm về việc lùi, hoãn, đội vốn của dự án...? Tất cả đều không có được một thông tin đầy đủ, rõ ràng".

4 trong 8 đại dự án thua lỗ phải đưa ra trọng tài quốc tế có lẽ cũng là bất đắc dĩ khi mà Chủ đầu tư thực sự đang cầm dao đằng lưỡi.

Một bài học quá đắt, quá đắng nhưng vẫn sẽ là rẻ nếu như sau đây nó trở thành một kinh nghiệm, một điều kiện trong việc làm ăn với các đối tác nước ngoài.

DiaOcOnline.vn - Theo Lao động