Top

Môi giới bất động sản chưa chuyên nghiệp

Cập nhật 28/03/2015 08:36

Thị trường địa ốc ấm lên cũng là lúc các sàn giao dịch bất động sản sôi động trở lại. Đội ngũ những người môi giới bất động sản cũng có đất sống trở lại. Tuy nhiên, nhìn kỹ lại mới thấy, đội ngũ này làm việc chủ yếu theo phong trào mà thiếu sự chuyên nghiệp.

Nghề môi giới BĐS cần sự chuyên nghiệp. Ảnh: TTXVN

Môi giới “sống khỏe”

Do thị trường ấm lên, nhu cầu mua nhà của người dân tăng nên các sàn giao dịch phải tăng thêm nhân viên để tư vấn cho khách. Tại sàn giao dịch Cengroup, mấy năm trước, khi thị trường “đóng băng”, chỉ có 200 nhân viên môi giới, nhưng hiện nay có khoảng 1.500 môi giới và cộng tác viên.

Năm nay, hệ thống siêu thị dự án (STDA) đặt mục tiêu giao dịch thành công 10.000 đơn vị sản phẩm. Do vậy, STDA tuyển dụng thêm khoảng 1.500 môi giới, dù hiện tại đội ngũ nhân lực đã gần 2.000 người. Còn tại sàn giao dịch BĐS MaxLand, kế hoạch tuyển dụng 120 nhân viên môi giới kéo dài cho đến hết tháng 6. Ông Trần Đức Diễn, giám đốc Maxland cho biết, trong quý II, phân khúc BĐS hạng trung, giá rẻ có nhiều dự án triển khai. “Kế hoạch doanh thu tăng 150% nên buộc chúng tôi phải tăng đội ngũ bán hàng”, vị này nói.

Môi giới bất động sản được xem là một nghề khá hấp dẫn với rất nhiều người. Trái ngược với tình cảnh đìu hiu của các sàn giao dịch, văn phòng môi giới nhà đất khi thị trường đóng băng, một năm trở lại đây, những người làm môi giới BĐS có thể sống tốt, thậm chí “sống khỏe” với nghề.

Tiết lộ với phóng viên, anh Nguyễn Văn T. (28 tuổi, môi giới dự án Chung cư Goldmark City, Từ Liêm, Hà Nội), người đã bán được 16 căn hộ trong một năm nay cho biết: “Bây giờ làm môi giới BĐS dễ hơn xưa vì việc bán căn hộ đã dễ hơn chứ không khó như mấy năm trước”. Anh T. thẳng thắn thừa nhận có việc các sàn đẩy giá lên cao hơn 2 - 3 triệu/m2 so với giá của chủ đầu tư. Môi giới viên bán thành công sẽ được hưởng hoa hồng khá hậu hĩnh.

Chị Nguyễn Thị Lan (25 tuổi, cộng tác viên BĐS các dự án chung cư khu vực Hoài Đức, Hà Nội) chia sẻ, sau Tết, chị đã bán được 2 căn, giấy tờ xong xuôi, chị được khoảng 20 - 30 triệu đồng. Thông thường, những người làm môi giới sẽ được hưởng 1 - 1,5% giá trị căn hộ.

Cần chuyên nghiệp hóa

Mặc dù bùng nổ về số lượng nhưng chất lượng của những người làm môi giới BĐS vẫn khó kiểm soát. Theo tìm hiểu của phóng viên Tin Tức, những người làm môi giới BĐS chủ yếu từ 20 - 35 tuổi. Do nghề môi giới không bị bó buộc về thời gian nên nhiều người vẫn làm song song hai công việc một lúc. Môi giới BĐS được xem là việc làm thêm và lại thu nhập ổn định cho họ. “Mình vừa ở nhà chăm con, vừa làm môi giới. Do đó, mình chỉ được hưởng 30% mức doanh thu của sàn trên mỗi giao dịch thành công chứ không có thêm lương cứng như nhân viên môi giới tại sàn”, chị Nguyễn Thị Lan chia sẻ.

Khi hỏi những người làm môi giới BĐS tại các sàn về vấn đề chuyên môn thì được biết, hầu hết đều học các ngành nghề khác, rất ít người làm việc đúng chuyên môn. Những người mới vào nghề sẽ được sàn đào tạo trong vòng hai tuần về kỹ năng tìm kiếm, thuyết phục khách hàng mua nhà.

Anh Nguyễn Mạnh Cường (27 tuổi, nhân viên kinh doanh tại công ty BĐS Vietland) chia sẻ: “Mình học ngành đường sắt nhưng ra trường không xin được việc đúng ngành. Có người bạn thành lập công ty BĐS nên mình quyết định về làm cùng. Ban đầu cũng thấy khó nhưng mình học dần kĩ năng và kiến thức về BĐS cũng như maketting nên giờ làm việc thành thạo rồi”. Tại đơn vị của anh Cường, có chưa đến 10% là được học về BĐS quy củ, còn lại chỉ được đào tạo sơ qua trong một vài dự án.

Ông Trần Ngọc Quang, Tổng Thư kí Hiệp hội BĐS Việt Nam cho biết, nguồn nhân lực làm BĐS hiện nay còn khá nghiệp dư. Ông Quang dẫn chứng, trường Đại học Kinh tế quốc dân mỗi năm chỉ có 50 sinh viên được đào tạo đúng chuyên ngành BĐS. So với con số 30.000 doanh nghiệp kinh doanh BĐS trên cả nước thì con số trên quả là ít ỏi. “Thị trường không thể tránh những người môi giới làm việc không chuyên nghiệp. Do đó, cũng như các hàng hóa khác, người tiêu dùng cần có sự thông thái khi lựa chọn”, ông Quang khuyến cáo.

Thực tế, do một số chủ đầu tư kỳ vọng lợi nhuận cao hết mức nên đã có sự “bắt tay” với sàn giao dịch để đẩy giá lên cao. Khách hàng tiếp cận nhân viên môi giới của sàn với mức giá chào bán chênh cả trăm triệu đồng so với giá gốc. TS Phạm Sỹ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam nhận xét: Quy định về chứng chỉ môi giới BĐS đã có từ lâu xong chưa phát huy hiệu quả, vẫn có tình trạng chạy chọt để xin cấp chứng chỉ. Do vậy, cần có sự giám sát chặt chẽ để tránh hình thức.

DiaOcOnline.vn - Theo Báo Tin Tức