Top

Miền Tây chờ đường tốt để bứt phá

Cập nhật 21/11/2018 13:45

Từ TP.HCM đi miền Tây có 3 trục đường chính là quốc lộ N2, quốc lộ 1 và quốc lộ 60 hiện nay đều bị quá tải hoặc xuống cấp, trong khi các dự án mới đang bị chậm tiến độ. Khu vực này vẫn đang cần hạ tầng tốt hơn.

Trong dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018, trạm thu phí BOT cầu Rạch Miễu đã tạm ngưng thu phí 5 lần do kẹt xe - Ảnh: MẬU TRƯỜNG

Đối với quốc lộ N2, do nhiều đoạn đã đưa vào sử dụng khoảng 10 năm nay nên hư hỏng. Mới đây, Bộ GTVT đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ về việc nâng cấp đoạn từ Đức Hòa (Long An) đến thị trấn Mỹ An, Cao Lãnh (Đồng Tháp).

Còn quốc lộ 1 nối miền Tây với TP.HCM cũng quá tải từ nhiều năm nay, vào dịp cuối tuần, lễ tết đều xảy ra ùn ứ.

Do đó, mục tiêu phải hoàn thành và đưa vào sử dụng tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận càng trở nên cấp bách. Tuy nhiên, dự án này cũng đang gặp khó khăn về vốn vay nên vẫn thi công cầm chừng.

Trong khi đó, các tỉnh duyên hải Tây Nam Bộ như Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh lại đang mắc phải điểm nghẽn lớn là cầu Rạch Miễu.

Năm 2016, việc xây dựng cầu Rạch Miễu 2 được chính thức khởi động. Đến nay đã sau nhiều lần thay đổi phương án đầu tư nhưng vẫn chưa biết khi nào khởi công.

Tuyến kênh Chợ Gạo (tỉnh Tiền Giang) vẫn là tuyến đường thủy huyết mạch nối TP.HCM với các tỉnh miền Tây.

Mỗi ngày tuyến kênh này đang gánh 1.500 phương tiện nên chuyện tàu mắc cạn, ùn ứ xảy ra thường xuyên.

Dù được đầu tư giai đoạn 1 nhưng do chậm triển khai giai đoạn 2 với tổng vốn dự tính khoảng 1.337 tỉ đồng nên tình trạng sạt lở, bồi lắng trên tuyến kênh này đang trở thành vấn đề nhức nhối.

Nhiều quyết sách sau "hội nghị Diên Hồng"

Trước thực trạng ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu, ngày 27-9-2017 tại TP Cần Thơ, 500 đại biểu trong và ngoài nước đã dự hội nghị về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng biến đổi khí hậu.

Tại hội nghị được ví như "hội nghị Diên Hồng" với ĐBSCL này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có một số kết luận quan trọng.

Đáng chú ý là đến năm 2020 sẽ giải ngân có hiệu quả 1 tỉ USD làm một số công trình ứng phó biến đổi khí hậu cho ĐBSCL.

Ngoài ra phải thay đổi tư duy phát triển truyền thống sang tư duy kinh tế nông nghiệp hữu cơ và công nghệ cao...

Trên cơ sở những đóng góp, hiến kế từ hội nghị trên, ngày 17-11-2017, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ký ban hành nghị quyết 120.

Hiện Bộ Kế hoạch - đầu tư đang chủ trì làm một bản quy hoạch tích hợp cho toàn vùng ĐBSCL, là cơ sở để phát triển vùng này trong thời gian tới.


DiaOcOnline.vn - Theo TTO