Top

Luật Nhà ở có hiệu lực: Bước chuyển mình cho BĐS tại Việt Nam

Cập nhật 21/07/2015 10:02

Theo nhận định của ông Marc Townsend - Tổng Giám Đốc điều hành CBRE Việt Nam, các điều chỉnh về Luật Nhà ở đang tạo điều kiện thuận lợi và minh bạch hơn cho đầu tư trực tiếp nước ngoài.

Theo nhận định của ông Marc Townsend, Luật Nhà ở sửa đổi có hiệu lực từ ngày 1/7/2015 tại Việt Nam cho phép người nước ngoài có quyền sở hữu đa dạng đối với bất động sản cho nhiều mục đích khác nhau như cho thuê lại, thế chấp và thừa kế. Điều luật này áp dụng cho cả cá nhân và tổ chức nước ngoài như quỹ đầu tư, ngân hàng và công ty, và được xem là động lực phát triển cho lĩnh vực nhà ở – nhất là tại phân khúc cao cấp – với mức đầu tư nước ngoài ước tính lên đến 10%.

Ông Marc Townsend - Tổng Giám đốc điều hành CBRE Việt Nam.

Cũng theo ông này, việc sở hữu nhà ở đang nhận được nhiều sự quan tâm nhưng điều luật mới này có những tác động gì đến đầu tư thương mại nước ngoài? Ít được nhắc đến nhưng đóng vai trò quan trọng không kém so với Luật Nhà ở là Luật Kinh doanh Bất động sản mới cùng có hiệu lực từ ngày 1/7 cho phép các tổ chức nước ngoài được mua lại văn phòng, cơ sở sản xuất và các tài sản khác phục vụ mục đích kinh doanh và cũng cho phép chuyển nhượng dự án bất động sản chưa hoàn thiện cho nhà đầu tư để tiếp tục phát triển.

Trên thực tế, điều luật mới mở rộng cửa cho những nhà kinh doanh nước ngoài có quyền sở hữu đầy đủ với các cơ sở sản xuất tại Việt Nam, nơi có chi phí vốn thấp hơn và chi phí nhân công rẻ hơn so với các nước láng giềng trong khu vực, và sẽ đẩy mạnh hoạt động giao dịch của các nhà máy, kho vận, cơ sở hậu cần và khu công nghiệp.

"Những công ty quốc tế đang muốn tận dụng mức độ đô thị hóa nhanh và tầng lớp trung lưu ngày càng tăng tại Việt Nam để có thể thu mua toàn bộ các tài sản thương mại và phức hợp ở các thành phố lớn như Hồ Chí Minh và Hà Nội nhằm thiết lập cơ sở kinh doanh trong nước và khu vực, đồng thời tiến hành các hoạt động thương mại, bán lẻ", ông Marc Townsend nhận định.

Keangnam Landmark ở Hà Nội, tòa tháp 72 tầng cao nhất Việt Nam đang được Ngân hàng Goldman Sachs và Quỹ đầu tư Qatar Investment Authority nhăm nhe mua lại. Keangnam Landmark ở Hà Nội, tòa tháp 72 tầng cao nhất Việt Nam đang được Ngân hàng Goldman Sachs và Quỹ đầu tư Qatar Investment Authority nhăm nhe mua lại.

Theo vị Giám đốc điều hành CBRE Việt Nam, người nước ngoài có tâm lý lạc quan vào thị trường bất động sản thương mại. Tập đoàn Lotte của Hàn Quốc mới đây đã mua lại cổ phần kiểm soát của khu phức hợp bậc nhất Diamond Plaza tại trung tâm TP. Hồ Chí Minh.

Trong khi đó, Keangnam Landmark ở Hà Nội, tòa tháp 72 tầng cao nhất Việt Nam được định giá 770 triệu đô la Mỹ, đang được Ngân hàng Goldman Sachs và Quỹ đầu tư Qatar Investment Authority nhăm nhe mua lại. Hơn nữa, các công ty niêm yết có vốn sở hữu 100% của nước ngoài không thuộc lĩnh vực nhạy cảm sẽ được phép hoạt động từ ngày 1/9/2015.

"Điều này sẽ chỉ giúp đẩy mạnh hoạt động thu mua bất động sản của nhà đầu tư nước ngoài nhằm đáp ứng nhu cầu chiến lược kinh doanh. Vốn đầu tư từ Nhật Bản, Singapore, Hàn Quốc và Hồng Kông hiện là nguồn vốn tích cực nhất trong lĩnh vực bất động sản, và tâm lý đầu tư sẽ chỉ tăng lên khi cân nhắc các điều luật mới trên", vị Giám đốc điều hành CBRE Việt Nam chia sẻ.

Cuối cùng, ông Marc Townsend cho rằng trong bối cảnh đô thị hóa nhanh, tầng lớp trung ngày càng gia tăng cùng với các điều chỉnh về luật đã và đang tạo điều kiện thuận lợi và minh bạch hơn cho đầu tư trực tiếp nước ngoài, rõ ràng không thể phủ nhận tiềm năng kinh tế lâu dài của Việt Nam. Những yếu tố cơ bản này, cùng với chi phí bất động sản tương đối thấp và lợi nhuận cho thuê cao hiện là bước chuyển mình của Việt Nam thu hút các nhà đầu tư bất động sản quốc tế.

DiaOcOnline.vn - Theo Doanh nghiệp VN