Top

Lỗi từ nhiều phía

Cập nhật 28/03/2017 10:02

Phản đối chủ đầu tư có nhiều sai phạm trong xây dựng, quản lý, vận hành tòa nhà; bức xúc khi chủ đầu tư "nói một đằng", nhưng "làm một nẻo"... là những vấn đề khiến tranh chấp tại nhiều khu chung cư liên tục xảy ra gần đây. Theo các chuyên gia bất động sản, tình trạng này có lỗi từ nhiều phía...

Căng thẳng "kẻ bán - người mua"

Bức xúc vì chủ đầu tư không thực hiện đúng cam kết và để xảy ra nhiều vi phạm ảnh hưởng đến đời sống của cư dân, hàng trăm hộ dân tại chung cư Hồ Gươm Plaza (phường Mộ Lao, quận Hà Đông) liên tiếp căng băng rôn phản đối chủ đầu tư trong nhiều ngày gần đây. Ông Đỗ Xuân Tùng, Phó Ban quản trị chung cư Hồ Gươm Plaza cho biết, chủ đầu tư - Công ty cổ phần May Hồ Gươm đã liên tiếp bộc lộ nhiều sai phạm trong xây dựng, quản lý và vận hành tòa nhà. Chủ đầu tư tự ý xây dựng những bể lớn bằng inox bên cạnh chỗ để xe tại tầng hầm. Khi các vị trí này có mùi hôi thối, chất thải trào ra, người dân mới biết đây là những bể phốt, bể chứa dầu mỡ của các nhà hàng tại tầng một thải xuống.

Cư dân khu đô thị Gamuda Gardens (quận Hoàng Mai) đỗ xe ô tô, treo băng rôn phản đối chủ đầu tư vào chiều 1-3.

Cư dân tại đây cũng "tố" chủ đầu tư không chịu bàn giao quỹ bảo trì (gần 14 tỷ đồng) cho đại diện ban quản trị tòa nhà; tự ý chuyển đổi tháp C từ khu vực văn phòng thành 208 căn hộ không hợp pháp (từ tầng 14 đến 29), gây nên áp lực cho hệ thống hạ tầng kỹ thuật điện nước, chất thải và chỗ để xe... Phí gửi xe máy ở đây là 8.000 đồng/ngày-đêm; gửi ô tô 90.000 đồng/ngày-đêm và 30.000 đồng cho 2 tiếng đầu tiên và 5.000 đồng các tiếng tiếp theo, quá cao so với quy định chung của TP Hà Nội. Sau nhiều lần trao đổi với chủ đầu tư bất thành, 11 ngày liên tiếp vừa qua, cư dân Hồ Gươm Plaza đã tập trung căng băng rôn phản đối, yêu cầu chủ đầu tư tháo dỡ các bể phốt, trả lại quỹ bảo trì, thống nhất lại phần tài sản chung và riêng tại tầng hầm và khu vực tầng đế.

Đầu tháng 3 vừa qua, cư dân sống trong tiểu khu Botanic của Khu đô thị Gamuda Gardens (quận Hoàng Mai) đã đỗ xe tại cổng ra vào khu biệt thự, liền kề treo băng rôn "tố" chủ đầu tư “nhập nhèm” lối đi. Theo các cư dân sống ở đây, việc cho phép cư dân khu chung cư đi vào phần đất thuộc quyền sở hữu riêng của khu biệt thự là vi phạm hợp đồng mua bán đã ký kết. Trong khi đó, các hộ dân mua nhà tại khu chung cư lại khẳng định khi giới thiệu về dự án, nhân viên bán hàng đã giới thiệu về lối đi này nhưng đến khi chuyển về ở thì cấm không cho đi.

Cần tìm hiểu kỹ trước khi mua nhà

Phân tích nguyên nhân về tình trạng này, ông Nguyễn Văn Đính, Tổng Thư ký Hội Môi giới bất động sản (BĐS) Việt Nam cho rằng, trong các vụ tranh chấp chung cư, bên cạnh lỗi của chủ đầu tư, còn một đối tượng cần nhắc tới chính là đội ngũ môi giới dự án. Hiện, Bộ Xây dựng đã có chế tài xử phạt các hành vi làm trái quy định trong hoạt động xây dựng, trong đó có hoạt động môi giới BĐS. Các đơn vị chủ đầu tư dự án BĐS sẽ gặp nhiều rủi ro khi sử dụng, thuê các sàn giao dịch, môi giới BĐS không đủ điều kiện hoạt động theo quy định của pháp luật. Việc nhân viên tư vấn không đúng bản chất về dự án, sản phẩm BĐS sẽ gây hậu quả nghiêm trọng cho chủ đầu tư, đồng thời gây hậu quả và thiệt hại kinh tế cho người tiêu dùng.

Về khía cạnh pháp lý, luật sư Trần Thị Ngọc, Đoàn luật sư Hà Nội cho rằng, thời gian qua, nhiều trường hợp người dân mua căn hộ chung cư liên tiếp khiếu kiện chủ đầu tư một phần là do người dân chưa tìm hiểu kỹ về dự án cũng như năng lực của chủ đầu tư trước khi tham gia giao dịch mua bán. Hợp đồng mua bán tại những trường hợp này thường được ký theo đúng mẫu do chủ đầu tư đưa ra, người mua gần như không thể sửa đổi hay hiệu chỉnh gì. Để tránh bị thua thiệt, trước khi thực hiện giao dịch, người mua nên yêu cầu chủ đầu tư cung cấp đầy đủ thông tin về dự án, gồm giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, trong đó phải có ngành nghề kinh doanh BĐS, giấy phép xây dựng và các giấy phép phục vụ cho xây dựng. Khả năng tài chính của chủ đầu tư cũng cần xem xét kỹ. Điều này có thể đánh giá thông qua năng lực vốn hóa trên thị trường chứng khoán, uy tín của doanh nghiệp trên thương trường. Ngoại trừ trường hợp mua bán nhà ở hình thành trong tương lai, khi mua bán nhà riêng lẻ hoặc mua của các chủ thể khác, người mua nên yêu cầu phải có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và hợp đồng mua bán phải ký qua công chứng thì mới có giá trị pháp lý. Với dự án nhà ở hình thành trong tương lai, thời điểm ký hợp đồng phải là lúc dự án được xây dựng xong phần móng.

Ông Vũ Hoàng Linh, Phó Tổng Giám đốc MB Land cho rằng, vị trí đắc địa, nhiều tiện ích, giá hợp lý; chủ đầu tư có kinh nghiệm, năng lực tài chính vững vàng, có nhiều dự án uy tín đã đi vào vận hành… là những yếu tố quan trọng mà người mua nhà cần cân nhắc kỹ khi mua các căn hộ chung cư.

DiaOcOnline.vn - Theo Hà Nội mới