Top

Làn sóng BĐS công nghiệp Việt Nam bùng nổ, cơ hội lớn đầu tư vào giáo dục?

Cập nhật 09/02/2019 10:54

Theo Savills Việt Nam, trung bình mỗi năm có khoảng một triệu lao động Việt chuyển từ ngành nông nghiệp sang lĩnh vực dịch vụ và công nghiệp. Xu hướng đô thị hóa sẽ tiếp tục lan rộng với tốc độ chóng mặt, phát triển giáo dục quốc gia vì vậy trở thành ưu tiên hàng đầu để nâng cao kỹ năng lực lượng lao động và tăng năng suất làm việc.

Dường như cơn sốt BĐS công nghiệp tại Việt Nam đang kéo theo các hoạt động đầu tư vào lĩnh vực giáo dục tăng lên.

Tại hội thảo mới đây, ông Sử Ngọc Khương, Giám đốc Tư vấn Đầu tư Công ty Savills Việt Nam nhấn mạnh: Làn sóng đầu tư vào BĐS công nghiệp đang tăng lên tại Việt Nam. Tuy vậy, mặt yếu của thị trường BĐS công nghiệp Việt Nam hiện nay là nguồn nhân lực đảm bảo trình độ để đáp ứng nhu cầu của các NĐT có xu hướng mở rộng đầu tư tại Việt Nam còn yếu kém. Hầu hết lao động cho khu công nghiệp hiện nay là tay nghề, trình độ thấp.

Với BĐS công nghiệp có 2 yếu tố khiến NĐT nước ngoài quan tâm là: sử dụng đất và lao động. Nếu muốn tạo ra giá trị tăng cao cho BĐS công nghiệp thì Việt Nam phải có đội ngũ lao động đáp ứng nhu cầu của NĐT và xu hướng hội nhập quốc tế.

Làn sóng đầu tư vào giáo dục để nâng cao kỹ năng lực lượng lao động và tăng năng suất làm việc được xem là ưu tiên hàng đầu trong phát triển giáo dục quốc gia.

Nếu muốn tạo ra giá trị tăng cao cho BĐS công nghiệp thì Việt Nam phải có đội ngũ lao động đáp ứng nhu cầu của NĐT và xu hướng hội nhập quốc tế. Ảnh: minh họa

Theo Savills, với quy mô dân số lớn – trên 94 triệu người và cơ cấu dân số trẻ, Việt Nam đang có nhiều lợi thế để phát triển mảng giáo dục; tuy vậy cần hướng đến trọng tâm là cải thiện chất lượng.

Khi nền giáo dục nước nhà còn chưa đáp ứng được tiêu chuẩn quốc tế, nhiều gia đình khá giả đã chọn giải pháp cho con đi du học.

Tp.HCM là 1 trong 27 thành phố trên toàn thế giới có trên 50 trường học quốc tế. Các trường học này không chỉ giảng dạy cho con cái của các gia đình người nước ngoài sinh sống và làm việc tại Việt nam mà cả các gia đình người Việt mong muốn cho con mình theo học tại các cơ sở cấp chứng chỉ quốc tế. Phần lớn các trường quốc tế tại Tp.HCM đều nhận được rất nhiều hồ sơ xin theo học của học sinh Việt Nam; tuy vậy do quy định của nhà nước, số lượng học sinh trong nước theo học tại các trường này hiện đang bị giới hạn.

Có hiệu lực từ ngày1/8/2018, Nghị định 86 đã nâng hạn mức số lượng học sinh Việt Nam tại các trường học có vốn đầu tư nước ngoài. Nghị định này cho phép tối đa 50% học sinh Việt tại các trường quốc tế, thay đổi đáng kể so với giới hạn trước đó là 10% đối với trường tiểu học và 20% đối với trường THCS và THPT.

Sửa đổi trong Nghị định 86 đem đến một cơ hội lớn cho các nhà đầu tư quan tâm đến việc xây dựng trường học quốc tế tại Việt Nam. Giới hạn này đã từng là một cản trở lớn cho nguồn vốn nước ngoài vào lĩnh vực giáo dục, đặc biệt là tại các tỉnh thành khác ngoài Hà Nội và Tp.HCM.

Có thể thấy, môi trường giáo dục tại Việt Nam đang cần có thêm các trường đại học chất lượng, với bằng cấp được chứng nhận quốc tế và học phí cạnh tranh, hứa hẹn cơ hội đầu tư lớn.

Tuy vậy, thách thức của làn sóng đầu tư vào lĩnh vực giáo dục Việt Nam là giáo dục còn tồn tại một số hạn chế về các chương trình và một số những quy định về thủ tục; tồn tại khá nhiều vấn đề cần xử lý triệt để như hối lộ nhập học, nâng điểm thi và kết quả học tại tất cả các cấp hay sao chép, đạo văn, gian lận thi cử, giả mạo bằng cấp…

Ngoài ra, những quy định khắt khe của chính phủ Việt Nam có thể là một thách thức cho các nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực này. Thuế suất cao, vốn đầu tư tối thiểu cho từng loại tổ chức và hợp tác giáo dục, yêu cầu về nhân lực và quy trình cấp phép phức tạp chính là những rào cản ban đầu cho bất kỳ nhà đầu tư nào.

DiaOcOnline.vn - Theo Nhịp cầu kinh tế