Top

Lại rộ mốt đầu tư bất động sản: Cẩn thận đuối sức

Cập nhật 22/09/2016 14:25

Sức nóng của thị trường địa ốc khiến nhiều “ông lớn” thuộc các lĩnh vực khác đứng ngồi không yên. Một cuộc đua đầu tư vào bất động sản của các doanh nghiệp tay ngang đã diễn ra, báo hiệu sự sôi động của thị trường địa ốc, nhưng cũng cảnh báo nhiều rủi ro tiềm ẩn.

Nhà thầu Long Giang Land bắt đầu lấn sân sang lĩnh vực địa ốc với 2 dự án đầu tay mang thương hiệu Rivera Part. ảnh: Dũng Minh

Lao theo cuộc đua

Thông tin được nhiều nhà đầu tư quan tâm nhất hiện nay đối với Tập đoàn Hoa Sen, ngoài câu chuyện về Dự án tổ hợp luyện thép hơn 10 tỷ USD tại Ninh Thuận, chính là các dự án bất động sản mà tập đoàn này đang và sẽ triển khai.

Cụ thể, trong tháng 5 /2016, Tập đoàn Hoa Sen đã thành lập 4 công ty con chuyên đầu tư vào địa ốc. Sau khi thành lập các công ty con này, Hoa Sen đã khởi công một dự án khách sạn 4 sao tại TP. Yên Bái (tỉnh Yên Bái) với tổng mức đầu tư 1.200 tỷ đồng. Mới đây, Hoa Sen cũng công bố 2 dự án bất động sản tại Bình Đình là dự án khu du lịch nghỉ dưỡng và dự án trung tâm thương mại dịch vụ khách sạn và căn hộ cao cấp tại TP. Quy Nhơn. Đặc biệt, tập đoàn này còn có kế hoạch đầu tư một khu du lịch tâm linh, sinh thái quy mô tới 1.000 ha ở đầm Vân Hội (Yên Bái).

Tương tự, đầu năm 2016, CTCP Đầu tư và Phát triển đô thị Long Giang (Long Giang Land) đã thông qua chủ trương phê duyệt tổng mức đầu tư 2 dự án bất động sản với thương hiệu Rivera Part tại TP. HCM và Hà Nội với con số lên đến hơn 2.665 tỷ đồng. Được biết nhiều với thương hiệu nhà thầu thi công nhiều công trình lớn tại Hà Nội và TP. HCM, tuy nhiên đây là hai dự án bất động sản đầu tay của Long Giang Land. Hai dự án này đã chính thức được ra mắt vào đầu tháng 5/2016 và tháng 9/2016 vừa qua.

Một nhà thầu xây dựng khác cũng lấn sân sang địa ốc là Công ty cổ phần Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP. HCM (CII). Tham vọng của CII trong lĩnh vực địa ốc là đầu tư vào 3 dự án lớn tại TP. HCM, gồm một dự án trọng điểm trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm. Kế đến là Dự án Diamond Riverside tại quận 8, đang trong quá trình giải phóng mặt bằng để tiến hành phê duyệt quy hoạch 1/500. Thứ ba là dự án cao tầng tại quận Bình Thạnh, dự kiến hoàn chỉnh hồ sơ điều chỉnh dự án và khởi công trong năm nay.

Tại Thủ Thiêm, một “ông lớn” trái ngành khác cũng không thể không nhắc tới là Thaco Group. Tập đoàn này là cổ đông lớn của CTCP Đại Quang Minh, chủ đầu tư Khu đô thị mới Sala với vốn đầu tư lên tới hàng ngàn tỷ đồng. Ngoài ra, Đại Quang Minh còn làm chủ đầu tư thực hiện Dự án BT 4 tuyến đường chính, Dự án Quảng trường trung tâm và công viên bờ sông...

Ngoài một số doanh nghiệp kể trên, khảo sát của Đầu tư Bất động sản cho thấy, nhiều doanh nghiệp khác cũng đang coi bất động sản là “miếng bánh ngon” không thể không chia phần. Chẳng hạn, Tập đoàn Đồng Lực với hàng loạt dự án hợp tác phát triển như Hanoi Aqua Central (số 44 Yên Phụ, Hà Nội), Khách sạn Tam Đảo (Vĩnh Phúc), Tổ hợp nhà ở - văn phòng 671 Hoàng Hoa Thám (Ba Đình, Hà Nội), Dự án Diamond Flower Tower (quận Thanh Xuân, Hà Nội); ThaiGroup với thương vụ mua cổ phần Khách sạn Kim Liên…

Cẩn thận đuối sức

Theo đánh giá của các chuyên gia, sức hấp dẫn của thị trường bất động sản thời gian gần đây là khá lớn và nó có sức hút với nhiều nhà đầu tư cả trong nước và nước ngoài, cũng như ở các ngành nghề khác. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng, đầu tư bất động sản không dễ để có thể thành công ngay lập tức. Việc có nhiều doanh nghiệp nhảy vào lĩnh vực này sẽ khiến sự cạnh tranh ngày càng gay gắt, đặc biệt là ở phân khúc trung và cao cấp.

Trong khi đó, nguồn vốn cho bất động sản cũng không còn dễ dàng như trước do tác động của Thông tư 06/2016 của Ngân hàng Nhà nước. Thêm nữa, mới đây, Bộ Xây dựng đã đề nghị Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng tăng kiểm soát cho vay với các dự án đầu tư nhà ở thương mại cao cấp và khu nghỉ dưỡng.

Ông Nguyễn Trần Nam, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng cảnh báo, có nguy cơ thị trường sẽ quay lại kịch bản khủng hoảng những năm 2010 nếu vẫn phát triển tự phát và không được định hướng như hiện nay.

Còn nhớ, giai đoạn 2010 - 2011, cả nước có gần 4.000 dự án, nhưng có rất ít dự án nhà ở xã hội và thu nhập thấp. Khi tín dụng bị siết, các dự án cao cấp bị tắc thanh khoản, khiến tồn kho tăng cao, nhiều dự án của doanh nghiệp ngoài ngành phải đắp chiếu. Trong giai đoạn này, nhiều doanh nghiệp tay ngang đã bị lao đao, phải trở lại với ngành nghề chính, một số đến thời điểm này vẫn gặp khó khăn, đang tìm cách rút khỏi thị trường.

DiaOcOnline.vn - Theo Đầu tư Bất động sản