Top

Kinh doanh ế ẩm, quy hoạch vẫn nghìn siêu thị

Cập nhật 02/10/2014 10:15

Hiện Hà Nội mới chỉ có gần 170 trung tâm thương mại, nhưng trong số này quá nửa đang trong tình trạng kinh doanh ế ẩm.

Theo dự báo, đến năm 2020 quy mô dân số Thủ đô ước khoảng 9,4 triệu người, thu nhập bình quân khoảng 7.500 USD/người/năm, tổng mức bán lẻ khoảng 45,6 tỷ USD/năm. Trên cơ sở dự báo này, một đề án về phát triển hệ thống thương mại đưa ra là trên địa bàn Thủ đô sẽ xây dựng khoảng 999 siêu thị, 64 trung tâm thương mại (TTTM)… Câu hỏi đặt ra là trong tình hình kinh doanh bán lẻ khó khăn như hiện nay, những siêu thị, TTTM này sẽ kinh doanh thế nào?

Từ chợ truyền thống được chuyển đổi thành TTTM

Bởi, hiện Hà Nội mới chỉ có gần 170 TTTM, nhưng trong số này quá nửa đang trong tình trạng kinh doanh ế ẩm. Tuy đang nằm ở vị trí “vàng” song TTTM Parkson Thái Hà ngày càng vắng bóng khách. Hay tại một số TTTM lớn khác như The Garden (Mễ Trì, Nam Từ Liêm), IPH (Xuân Thủy, Cầu Giấy), Mipec Tower (Tây Sơn, Đống Đa), Parkson tại Keangnam Landmark (Phạm Hùng)… cũng chung một không khí mua sắm khá trầm lắng, mặc dù các cửa hàng, trung tâm này tung ra khá nhiều chương trình khuyến mãi hấp dẫn… Sức mua thấp, kinh doanh thua lỗ, nhiều gian hàng phải đóng cửa hoặc chuyển nhượng, không ít tiểu thương ngậm ngùi rời bỏ các TTTM vì kinh doanh không đủ bù chi phí...

Tình trạng này không chỉ xảy ra ở các TTTM lớn mà còn có ở ngay cả mô hình chợ truyền thống sau khi được nâng cấp lên TTTM. Điển hình như chợ Hàng Da, chợ Cửa Nam (quận Hoàn Kiếm), chợ Việt Hưng (quận Long Biên)… Một khảo sát mới đây cũng cho thấy, hơn 87% dân số Hà Nội vào chợ cóc, chợ tạm, chợ truyền thống… mua hàng. Phần lớn số người được hỏi đều cho rằng, họ đi siêu thị là đi chơi chứ không đi mua hàng.

Theo các nhà nghiên cứu, siêu thị bán lẻ hiện đại là cần thiết đối với Hà Nội. Tuy nhiên, quy hoạch ở mức 1.000 siêu thị thay thế toàn bộ chợ truyền thống ở trung tâm nội thành là không phù hợp với thực tế. Vậy, vì sao các DN vẫn rất “mặn mà” với đề án này?

Câu hỏi có lẽ không khó trả lời khi trong đề án đã chỉ rõ: vùng đô thị trung tâm sẽ có tới 19 đại siêu thị, 82 siêu thị hạng hai và 530 siêu thị hạng ba; vùng đô thị lõi mở rộng sẽ có tới 13 đại siêu thị, 57 siêu thị hạng hai và 396 siêu thị hạng ba. Thực chất, những mảnh đất được quy hoạch dành cho siêu thị này đều là đất “vàng”, nằm ở trung tâm với đường giao thông, hạ tầng đồng bộ.

Theo một DN kinh doanh BĐS, chỉ với những khu đất “vàng” nói trên, chủ đầu tư có thể xây siêu thị, TTTM và thậm chí là cả chung cư. DN này cho biết, chỉ cần “vài đường cơ bản” như xây rồi cho thuê với giá cao, tiểu thương không chịu được chi phí thì chỉ có nước “chào” và khi đó thì chủ đầu tư muốn kinh doanh thế nào thì ra thế, thậm chí có thể đề nghị chuyển đổi mục đích sử dụng mảnh đất và khi đó từ siêu thị nó có thể hóa thành chung cư, văn phòng cho thuê… Chợ Mơ, chợ Cửa Nam, chợ Hàng Da với những kiểu “chợ không ra chợ” vẫn còn đó. Và có lẽ đã trở thành mô hình cho nhiều DN học theo.

Ở góc nhìn của người tiêu dùng, ông Nguyễn Đức Long (Minh Khai, Hà Nội) chán nản: 100, hay 1.000 siêu thị cũng sẽ chẳng giải quyết được điều gì, khi mà chất lượng của thực phẩm không được đảm bảo. Người dân đang mất dần niềm tin vào các siêu thị khi mà thực phẩm bẩn, thực phẩm không rõ nguồn gốc ngày càng mượn “mác” siêu thị để tràn vào. Chẳng hạn, một số hệ thống siêu bán “rau an toàn” cho người tiêu dùng với giá cao, nhưng trên thực tế phần lớn các mặt hàng này được mua ở chợ Vân Trì và một số nguồn trôi nổi trên thị trường rồi đóng gói, dán tem giả...

Đặc biệt, khi các siêu thị có nhu cầu mua các loại rau trái vụ, họ còn nhập cả hàng Trung Quốc về và vẫn với quy trình đóng gói, gắn tem, số rau này đã trở thành “rau an toàn” có xuất xứ Việt Nam. Hay một số siêu thị cũng từng ầm ĩ với việc bán nấm ăn không rõ xuất xứ, “đội lốt” hàng Việt Nam. Ông Long cho rằng, nếu các siêu thị kiểm tra kỹ đầu vào, đảm bảo chất lượng, xuất xứ hàng hóa theo đúng tiêu chuẩn thì dù chỉ có 1 siêu thị thì người dân vẫn tìm đến. Còn nếu như chỉ là làm cho có hình thức thì cả 1.000 siêu thị dân cũng sẽ không vào.

Theo ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội, hiện nay tại Thủ đô có khoảng 100 siêu thị, nên củng cố số lượng này cho tốt, sau đó có thể mở rộng dần. Đừng để 3 siêu thị ở cùng một con phố, hoạt động chồng chéo giẫm chân lên nhau. Ông Phú cũng cho rằng, các nhà làm quy hoạch cần căn cứ vào tình hình phát triển thực tiễn, trên cơ sở khoa học, có ý kiến của các chuyên gia chứ không phải “làm liều”.

DiaOcOnline.vn - Theo Thời báo Ngân hàng