Top

Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận về quy hoạch sử dụng đất:

Kiên quyết giữ 3,81 triệu ha đất lúa

Cập nhật 30/09/2011 16:40

Sáng 29-9, Ủy ban Thường trực Quốc hội (UBTVQH) đã xem xét, cho ý kiến về Báo cáo giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật về môi trường tại các khu kinh tế, làng nghề. Chiều cùng ngày, UBTVQH thảo luận về Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2011 – 2015) cấp quốc gia.

Nhiều thách thức trong việc bảo vệ môi trường

Tại phiên họp của UBTVQH, ông Phan Xuân Dũng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội đã trình bày Báo cáo giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật về môi trường tại các khu kinh tế, làng nghề. Theo Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2011, vào kỳ họp thứ 2 sắp tới, Quốc hội sẽ thực hiện giám sát tối cao chuyên đề này.

Về các khu kinh tế (KKT), ông Dũng cho biết, hiện nay ở nước ta có 3 loại hình KKT: KKT ven biển, KKT cửa khẩu và KKT quốc phòng. Đợt giám sát này tập trung vào 15 KKT ven biển đã được Thủ tướng quyết định thành lập cho đến năm 2010.


Qua giám sát, có thể thấy việc xây dựng hạ tầng bảo vệ môi trường ở hầu hết các KKT hiện nay là rất chậm. Với sự phát triển của các KKT trong tương lai thì nguy cơ ô nhiễm môi trường sẽ là tất yếu, đến lúc đó việc xử lý ô nhiễm sẽ rất tốn kém và vô cùng khó khăn.

Đoàn giám sát yêu cầu Chính phủ có sự chỉ đạo sát sao, quyết liệt vấn đề này. Về làng nghề, báo cáo nhìn nhận, ô nhiễm môi trường làng nghề là một trong những thách thức lớn và rất khó kiểm soát, khó quy hoạch và chưa có biện pháp giải quyết hiệu quả. Nhiều làng nghề rơi vào tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng, tỷ lệ người mắc bệnh có xu hướng tăng cao…

Đóng góp ý kiến vào Báo cáo giám sát, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Phùng Quốc Hiển cho rằng, nguyên nhân sâu xa dẫn đến ô nhiễm môi trường KKT, làng nghề hiện nay là do sự phát triển các KKT, làng nghề một cách tự nhiên theo kiểu “trăm hoa đua nở”, thiếu quy hoạch, thiếu quản lý. Tham dự phiên họp, Thứ trưởng Bộ TN-MT Bùi Cách Tuyến cho biết, lĩnh vực bảo vệ môi trường hiện nay có tới 7 Bộ cùng “quản” chứ không riêng gì Bộ TN-MT. Mặt khác, theo ông, chính quyền địa phương cần phát huy vai trò mạnh mẽ hơn nữa, bởi đây là cấp gần dân hơn cả.

Quyết tâm giữ đất lúa

Chiều cùng ngày, Thứ trưởng Bộ TN-MT Nguyễn Mạnh Hiển đã trình bày với UBTVQH Tờ trình của Chính phủ về quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2011 – 2015) cấp quốc gia. Chính phủ quán triệt quan điểm quản lý chặt chẽ, bảo đảm sử dụng đất đúng mục đích, tiết kiệm, có hiệu quả và bền vững. Đặc biệt, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất phải duy trì và bảo vệ nghiêm ngặt diện tích đất trồng lúa cần thiết để bảo đảm an ninh lương thực quốc gia.

Chính phủ kiến nghị Quốc hội cho chuyển đổi 308.000ha đất trồng lúa sang sử dụng vào mục đích khác; giữ tổng diện tích đất trồng lúa trên 3,81 triệu ha trong kế hoạch 5 năm 2011 – 2015 (các địa phương đề xuất nhu cầu chuyển đổi tới 500.000ha đất lúa sang sử dụng vào các mục đích phi nông nghiệp hoặc chuyển cơ cấu cây trồng vật nuôi, đồng nghĩa với việc tổng diện tích đất trồng lúa đến năm 2020 chỉ còn trên 3,6 triệu ha). Sau năm 2015, căn cứ thực tế của từng địa phương, nếu cần thiết mới điều chỉnh lại chỉ tiêu này khi phê duyệt kế hoạch sử dụng đất 2016 – 2020.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu cũng đã trình bày Báo cáo thẩm tra về vấn đề này. Theo đó, Ủy ban Kinh tế nhất trí với đề xuất giữ diện tích đất lúa ở mức 3,81 triệu ha của Chính phủ. Tuy nhiên, do nhiều địa phương có nhu cầu chuyển đổi đất lúa sang sử dụng vào mục đích khác, nên để giữ được 3,81 triệu ha đất lúa đòi hỏi nỗ lực lớn của toàn bộ hệ thống chính trị. Cần khoanh định rõ diện tích đất trồng lúa để bảo vệ nghiêm ngặt, quy định trách nhiệm rõ ràng và điều kiện chặt chẽ khi chuyển đổi.

Về nhóm đất phi nông nghiệp, UB Kinh tế yêu cầu Chính phủ cân nhắc rất kỹ phần diện tích dành cho khu, cụm công nghiệp (từ 72.000ha lên đến 200.000 ha vào năm 2020) và yêu cầu căn cứ vào tỷ lệ lấp đầy của các khu công nghiệp trong phạm vi địa phương và các vùng lân cận.

Bày tỏ quan tâm đặc biệt đến vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng yêu cầu phân tích cụ thể việc chuyển đổi 308.000ha đất lúa sang sử dụng vào những mục đích gì? “Nếu chuyển 100.000ha đất lúa sang đất công nghiệp chẳng hạn thì sẽ “vỡ” rất nhiều quy hoạch đất khác, vì công nghiệp sẽ còn kéo theo đất ở, đất giao thông, đất trường học, y tế… ở quanh đó”, Chủ tịch Quốc hội nhắc nhở.

Có cùng băn khoăn về tính khả thi của việc thực hiện quy hoạch sử dụng đất, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý yêu cầu nâng cao vai trò của Quốc hội trong xem xét, quyết định các vấn đề liên quan đến quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.

Theo Tờ trình của Chính phủ, trong 10 năm qua, mặc dù diện tích đất nông nghiệp tăng (từ 9.570ha lên 10.126ha) song tại một số địa phương, diện tích lúa nước giảm với tốc độ tương đối nhanh. Mỗi năm Cà Mau giảm 6.200ha, Bạc Liêu 5.400ha, TPHCM 2.700ha, nhiều tỉnh vùng đồng bằng sông Hồng như Hải Dương, Hưng Yên, Vĩnh Phúc cũng giảm trên 1.000 ha/năm. Quỹ đất dành cho các nhu cầu y tế, văn hóa, giáo dục, thể dục thể thao chưa đáp ứng được nhu cầu. Cơ cấu sử dụng đất trong đô thị chưa hợp lý, tỷ lệ đất dành cho giao thông chưa đến 13% (yêu cầu từ 20% – 25%). Đất dành cho giao thông tĩnh cũng thấp dưới 1%, trong khi yêu cầu là từ 3% – 3,5%...



DiaOcOnline.vn - Theo Sài Gòn Giải Phóng