Top

Khuyến khích thuê nhà

Cập nhật 02/08/2009 11:10

Trước thềm cuộc hội thảo “Thị trường BĐS VN, những vấn đề DN cần quan tâm” do DĐDN tổ chức ngày 1/8/2009, Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam cho biết Bộ Xây dựng đã có kế hoạch ban hành 6 thông tư hướng dẫn chi tiết cụ thể liên quan đến vấn đề quản lý công tác xây dựng cơ bản, hướng dẫn chi tiết về giá thành, các đối tượng được thuê, thuê mua, hướng dẫn thành lập ban quản lý duy tu, bảo dưỡng, xây dựng phát triển các quỹ nhà cho người thu nhập thấp đảm bảo an toàn, chất lượng, giá thành, bảo đảm quyền lợi của người dân.

* Nhưng mục tiêu mà Bộ Xây dựng đề ra cho giai đoạn từ nay đến 2015 có “xa vời” quá không khi các giải pháp triển khai mới bắt đầu giai đoạn thử nghiệm, thưa ông ?

Đây là một công việc lâu dài, đòi hỏi nhiều thời gian quy hoạch, thiết kế, khởi công... chứ không thể ngày một ngày hai giải quyết ngay được. Nhưng tôi tin trong quý 3 và quý 4 sẽ có nhiều dự án nhà cho người thu nhập thấp được triển khai. Trong số 21 địa phương gửi báo cáo đã đăng ký 189 danh mục dự án xây dựng nhà ở cho người thu nhập thấp. Cụ thể: tổng số dự án cho giai đoạn 2009 – 2015: 189 dự án, với quy mô xây dựng, khoảng 7.106.272 m2 sàn, tổng số vốn đầu tư: 28.550 tỷ đồng, trong đó huy động từ các DN khoảng 27.240 tỷ đồng, vốn ngân sách địa phương huy động khoảng 1.310 tỷ đồng; hoàn thành 166.390 căn hộ, đáp ứng cho khoảng 700.000 người.

Riêng trong giai đoạn 2009 – 2010, tổng số dự án cho giai đoạn này khoảng 150 dự án, với quy mô xây dựng khoảng 5.659.740 m2 sàn; tổng số vốn đầu tư 22.738 tỷ đồng, trong đó huy động từ các DN khoảng 21.957 tỷ đồng, vốn ngân sách địa phương huy động khoảng 781 tỷ đồng, hoàn thành 152.372 căn hộ, đáp ứng cho khoảng 640.000 người.

* Với số lượng nhà lớn như vậy, làm thế nào để vừa đảm bảo chất lượng nhà với giá thành hạ mà lại đảm bảo tiến độ nhanh, thưa ông ?

Yếu tố quan trọng là công nghiệp hoá ngành xây dựng nhà, cố gắng theo xu hướng trên thế giới là chuyển từ xây dựng nhà sang sản xuất nhà với quy mô chuyên nghiệp. Điều này đảm bảo tốc độ nhanh, kiểm soát chất lượng tốt hơn bởi việc sản xuất trong nhà máy được quản lý theo quy trình có sự kiểm soát nguyên vật liệu theo quy định. Việc sản xuất nhà trên cơ sở thiết kế mẫu triển khai lắp ráp trên công trường sẽ rút ngắn tiến độ.

* Theo ý kiến của nhiều chuyên gia, chương trình xây dựng nhà ở cho người thu nhập thấp của chúng ta khó thành công khi chưa huy động được sức dân, trong khi ở nhiều khu công nghiệp, diện tích của người dân dành cho thuê nhà khá lớn ?

Bộ Xây dựng cũng đang kiến nghị nên cho người dân chuyển đổi mục đích sử dụng đất, với điều kiện cụ thể cho đất vườn, đất ruộng. Tuy nhiên, điều quan trọng là chúng ta cần hướng đến khuyến khích cho thuê, thuê mua nhà. Ở một số nước phát triển như Mỹ, Nhật có tới 65% dân số là thuê nhà ở. Trong khi, mục tiêu của chúng ta là có chỗ ở chứ không phải là sở hữu nhà. Nhất là trong thời buổi công nghiệp hiện nay, việc di chuyển chỗ làm việc thường xuyên, liên tục, việc thuê nhà sẽ linh động và phù hợp với tình hình thực tế của sự phát triển. Còn những người giàu có, muốn đầu cơ, tích trữ là chuyện khác.

* Được biết, 5 thông tư mà Bộ Xây dựng ban hành hướng dẫn thực hiện cơ chế, chính sách cho việc phát triển nhà thu nhập thấp đều được ban hành rất nhanh, riêng Thông tư xác định đối tượng, điều kiện, mẫu hợp đồng quản lý nhà thu nhập thấp như thế nào thì lại có vẻ còn nhiều vấn đề nhạy cảm ?

Bộ đang xin ý kiến xem có nên quy định dành riêng tỷ lệ tối thiểu để cho thuê không. Bởi như tôi vừa nói ở trên, thì việc thuê nhà cũng cần được Nhà nước có cơ chế khuyến khích.

* Nhiều người lo ngại với sự hỗ trợ lớn của Nhà nước như vậy, cơ chế xin cho là khó tránh khỏi trong các dự án nhà ở cho người thu nhập thấp ?

Cơ chế xin cho là không tránh khỏi khi nhu cầu còn rất cao mà cung mới bắt đầu. Khi chúng ta đáp ứng cung dồi dào thì tình trạng này sẽ giảm dần. Vì vậy, cần quản lý, giám sát chặt chẽ để giảm thiểu cơ chế xin cho, đảm bảo cơ chế thị trường. Khi nhà ở đến một lúc nào đó như một hàng hoá cầu nhiều như TV chẳng hạn, cần thì mua chứ chẳng cần xin cho.

* Theo quy định, Chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại có quy mô từ 10 ha trở lên và dự án khu đô thị mới trên địa bàn, phải đảm bảo dành tỷ lệ diện tích đất tối thiểu không ít hơn 20% quỹ đất ở của dự án đó để xây dựng nhà ở thu nhập thấp. Vậy ở những khu đô thị mới như Trung Hoà – Nhân Chính hay The Menor thì nhà thu nhập thấp nằm ở đâu, thưa ông ?

Việc này là của các địa phương chứ bộ không thể biết cụ thể. Chính sách phát triển nhà ở xã hội là phải quy hoạch thế nào để người thu nhập cũng được hưởng phúc lợi công cộng, hạ tầng xã hội đô thị nhằm phát triển đô thị một cách hài hoà, chứ không thể đẩy người thu nhập thấp ra vùng sâu vùng xa, thiếu điều kiện sinh sống.

* Xin cảm ơn ông.


Ông Nguyễn Văn Đực - PGĐ Cty TNHH Địa ốc Đất Lành:

Theo tôi, quy định thu 20% đất dự án của DN trích lại để xây dựng nhà ở thu nhập thấp như hiện nay là rất vụn vặt. Trong khi yêu cầu một năm cần từ 3 - 5 chục ngàn căn thì bao nhiêu dự án cộng lại cho đủ. Điều đó không tạo sự phát triển bền vững cho việc phát triển nhà cho người thu nhập thấp. Chúng ta cần có quỹ đất lớn, để đầu tư cho quỹ nhà này một cách đồng bộ. Muốn tạo ra quỹ đất, Nhà nước có thể bán đấu giá những khu đất lớn như những “khu đất vàng” của Nhà nước bấy lâu nay chẳng hạn. Thông qua hình thức bán đấu giá từng phần, rồi lấy số tiền đó đầu tư những khu đất lớn ở ngoại vi như Hóc Môn, Củ Chi, quận 7... như khu dân cư Thanh Đa Sài Gòn trước đây đã từng làm.

Ông Đặng Hoàng Huy - Chủ tịch HĐQT kiêm GĐ Cty CP Bêtông và Xây dựng Vinaconex Xuân Mai:

Tôi kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền xem xét và đưa ra hình thức lựa chọn chủ đầu tư cho các dự án nhà ở cho người thu nhập thấp. Thêm vào đó, cần có quy định cụ thể chủ đầu tư thực hiện các dự án nhà ở cho người thu nhập thấp được phép dùng bao nhiêu % diện tích sàn làm kinh doanh thương mại. Và một vấn đề quan trọng là cần quy định chi tiết hơn và tuân thủ thời gian giải quyết thủ tục hành chính cho chủ đầu tư dự án. Ví dụ, trong thời gian bao lâu để các đơn vị có thẩm quyền giải quyết các văn bản của chủ đầu tư, nếu hết thời gian giải quyết thì đơn vị có thẩm quyền phải trả lời bằng văn bản, nếu không thì văn bản đó hiển nhiên được chấp thuận.
 

 

DiaOcOnline.vn - Theo Diễn Đàn Doanh Nghiệp