Top

Khổ vì dự án “đô thị mới”

Cập nhật 03/08/2009 08:10

Nằm trong vùng quy hoạch, hầu hết người dân phải ở trong những ngôi nhà xuống cấp và tạm bợ.

Xã An Phú Tây, huyện Bình Chánh - TPHCM lẽ ra phải là một xã phát triển mạnh về kinh tế nhưng do ảnh hưởng quy hoạch treo nên cuộc sống người dân hết sức khó khăn.

Đã 15 năm, kể từ khi có quyết định phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ trở thành khu đô thị mới, xã An Phú Tây, huyện Bình Chánh-TPHCM vẫn mang bộ mặt của nông thôn, khác chăng là kinh tế - xã hội và đời sống người dân ngày càng tụt dốc: Từ một xã khá trở thành xã nghèo của huyện.

Dở thôn dở thị

Năm 1996, Thủ tướng Chính phủ có quyết định thu hồi hơn 800 ha tại 5 xã, trong đó có xã An Phú Tây để Công ty Phát triển công nghiệp Tân Thuận thuê, xây dựng và kinh doanh 5 cụm đô thị. Thế nhưng hiện nay, cơ sở hạ tầng tại xã An Phú Tây vẫn còn ngổn ngang. Bà Đỗ Thị Diệu Diễm (tổ 1, ấp 3) cho biết: Chủ đầu tư đã nhiều lần đến địa phương xác minh hiện trạng nhà đất nhưng vẫn chưa đưa ra mức giá bồi thường hay kế hoạch di dời khiến người dân hoang mang không biết đi ở ra sao. Căn nhà của bà Nguyễn Thị Ẩn (tổ 1, ấp 3) đã xây dựng trên 20 năm nên bị hư hỏng nặng: tường nứt, cột vỡ. Một tấm ngói từ mái nhà rơi xuống khi bà dẫn chúng tôi đi xem một vòng ngôi nhà, hoàn hồn bà kéo chúng tôi vào nhà chỉ lên mái ngói đã bị bể nhiều chỗ được lợp tạm bằng vài tấm nhựa: “Dột dữ lắm, trời mưa nhà bị dột hết, hư nặng lắm rồi nhưng xin sửa thì không cho, cũng không thấy giải tỏa để mình còn đi chỗ khác cất nhà”- bà lão đã 91 tuổi vẫn phải sống trong nỗi bất an từ chính mái ấm của mình. Hầu hết nhà cửa trong khu vực đã lâu không được sửa sang nên xuống cấp trầm trọng, được che chắn bằng tôn, lá ọp ẹp, ngập và dột khắp nơi. Còn dọc hai bên đại lộ Nguyễn Văn Linh, những cánh đồng bỏ hoang, nước ngập mênh mông khiến người dân không khỏi xót xa vì mỗi “tấc đất tấc vàng” đang bị bỏ hoang.

Ông Phạm Văn Hùng, Chủ tịch UBND xã An Phú Tây, cho biết do nằm trong khu vực quy hoạch, cơ sở hạ tầng của xã không được đầu tư nâng cấp, hệ thống giao thông, cấp thoát nước không đáp ứng được nhu cầu của người dân. Thêm vào đó, dự án triển khai không đồng bộ, nơi làm nơi không khiến cơ sở hạ tầng càng thêm lộn xộn, xuống cấp.

Nghèo cả xã

Theo ông Nguyễn Văn Sang, Bí thư Đảng ủy xã An Phú Tây: “Xã có vị trí thuận lợi do hai tuyến đường lớn Quốc lộ 1A và Nguyễn Văn Linh chạy qua, lẽ ra phải là một xã phát triển mạnh về kinh tế - xã hội nhưng do các dự án kéo dài khiến cuộc sống người dân hết sức khó khăn, tình hình phát triển kinh tế ở địa phương cũng bị ảnh hưởng. Từ một xã khá, nay An Phú Tây trở thành một trong ba xã nghèo của huyện với 30% số hộ nghèo”.

Vốn là một xã thuần nông với diện tích đất canh tác là 300 ha, chủ yếu là trồng lúa hai vụ/năm nhưng từ khi có quy hoạch, hệ thống thủy lợi không được cải tạo nên nông dân không an tâm đầu tư sản xuất, diện tích đất canh tác hiện nay chỉ còn 46 ha, lúa chỉ trồng được một vụ. Lão nông Nguyễn Văn Bảnh (tổ 7, ấp 3) buồn rầu: “Cực nhọc trăm bề kiểu gì cũng cố được nhưng nước ngập úng mà hệ thống thủy lợi không được cải tạo thì thua. Phần thì dính quy hoạch không biết đi ở thế nào nên nông dân cũng nản không muốn đắp bờ, ngập càng thêm ngập”. Chính vì vậy, người nông dân dần bỏ ruộng đi làm thuê, người cố bám trụ thì lây lất qua ngày cũng chỉ vì không biết làm việc gì khác. “Xã cũng lúng túng trong việc định hướng chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi vì chúng tôi không biết các dự án đến khi nào mới thực hiện”- ông Hùng thừa nhận. Do đó, công tác xóa đói giảm nghèo với An Phú Tây là một bài toán hóc búa. Không chỉ công ăn việc làm, nhiều quyền lợi khác của người dân cũng bị ảnh hưởng. “Nhiều gia đình đông con, khi con cái lớn lập gia đình riêng muốn cho con miếng đất cất nhà hoặc tách hộ khẩu (để được sử dụng điện nước, các giao dịch cá nhân...) cũng không được, người sinh sống lâu ở địa phương nhưng không được nhập khẩu... Quyền lợi của người dân bị ảnh hưởng rất nhiều!” - ông Trình Tiến Dũng, Phó Công an xã, nói.

Theo ông Hùng, tại các cuộc tiếp xúc cử tri hằng năm, vấn đề quy hoạch luôn luôn được kiến nghị nhiều nhất, tuy nhiên việc giải quyết nằm ngoài khả năng của địa phương, xã chỉ có cách gửi văn bản xin ý kiến các cơ quan chức năng nhưng vẫn chưa được xem xét.

 

443/587 ha toàn xã An Phú Tây nằm trong quy hoạch khu đô thị mới Bình Chánh- Nhà Bè, Nam TPHCM (tổng diện tích 2.600 ha) được phê duyệt năm 1994. Đến nay chỉ mới 40 ha đã cơ bản hoàn thành xây dựng, 60 ha cơ bản hoàn tất bồi thường, còn lại vẫn giậm chân tại chỗ.
 

 

DiaOcOnline.vn - Theo Người Lao Động