Top

Khi quy hoạch "trùm" lên cuộc sống - Kỳ cuối

Khó thoát quy hoạch “treo”

Cập nhật 29/10/2009 08:25

Ở mặt tiền đường thì đụng lộ giới đường, còn trong hẻm gặp phải quy hoạch hẻm, công viên cây xanh và thậm chí là dự án nhà ở...

Theo quy hoạch, hẻm 183 Nguyễn Biểu, Q.5 chỉ mở rộng thêm 10cm - Ảnh: P.P.H.


Qua khỏi cầu Chánh Hưng về phía Q.8, TP.HCM, nhiều người ngạc nhiên khi dãy nhà sát mặt đường phía bên trái vẫn còn lụp xụp, tạm bợ, những nhà cao tầng lại thụt vào trong. Hỏi ra mới biết dân không được xây dựng nhà cửa khang trang do vướng lộ giới đường Phạm Hùng.

Hiện tại lộ giới đường này là 20m, theo quy hoạch sẽ mở rộng lên 40m. Từ đường Phạm Hùng rẽ vào đường số 18, qua hai căn mới tìm ra cột mốc lộ giới nằm trước nhà ông Vinh và “cắt” chiều ngang nhà ông chỉ còn 20cm.

Với chiều ngang còn lại như vậy nên xin cách gì thì chính quyền cũng chỉ cho phép ông sửa chữa theo hiện trạng và chống dột chứ không được xây thêm. Ông Vinh cho biết nhà ông đã rệu lắm rồi, có chống dột cũng phí tiền nên đành để vậy.

Kế nhà ông Vinh là căn nhà mới xây một trệt một lầu của bà K.T.. Khi chúng tôi thắc mắc sao khu đất nằm hoàn toàn trong quy hoạch mà bà T. vẫn xây được nhà, bà trả lời: “Tôi xây liều cho có ở”.

Giải tỏa một cục gạch

Năm 2007, UBND TP.HCM ban hành quy định lộ giới hẻm, theo đó hẻm nhỏ nhất có lộ giới 3,5m. Áp theo điều này, nhiều địa phương cho mở rộng nhiều hẻm lên gấp 2-3 lần lộ giới hiện nay. Cũng có hẻm chỉ mở thêm 10cm nhưng chưa biết bao giờ mới thực hiện.
 

Ưu tiên chọn đất trống

Ông Trần Chí Dũng, giám đốc Sở Quy hoạch - kiến trúc TP.HCM, nói việc rà soát, điều chỉnh quy hoạch gần đây có đẩy nhanh hơn trước. Cụ thể các quận huyện đã và đang xem xét điều chỉnh khoảng 18.000ha, chiếm 60-70% tổng diện tích quy hoạch 1/2.000 đã được phê duyệt.

Giải thích vì sao các quận huyện hay “chấm” vào nhà dân để quy hoạch giao thông, cây xanh cho đủ chỉ tiêu, ông Dũng cho rằng có thể do trước đây bản đồ kỹ thuật số chưa có, đo đạc chưa chính xác nên quận huyện khoanh luôn một số khu vực dân cư để làm công viên, công trình công cộng. Nay điều chỉnh quy hoạch phải xem xét lại cho phù hợp hơn, những khu vực có nhà dân thì phải cân nhắc. Việc điều chỉnh này phải thực hiện liên tục, thường xuyên.

Quan điểm của ông Dũng là phải ưu tiên chọn khu vực đất trống, không có hoặc ít nhà dân để làm công trình công cộng.

Ông M. mua một lô đất ở một con hẻm phường Tam Phú, Q.Thủ Đức rộng hơn 100m2 và giáp với hai con hẻm. Hẻm mặt trước là 2,5m nhưng theo quy hoạch sẽ mở rộng lên 12m nên lô đất của ông M. bị cắt vào sâu hơn 4m. Còn mặt sau lô đất theo quy hoạch cũng bị cắt vào 1m. Khi nộp hồ sơ để cấp giấy chủ quyền đất, cơ quan chức năng Q.Thủ Đức lại cắt thêm một phần đất nữa bên hông giáp mặt sau để mở hẻm.

Như vậy tổng cộng lô đất ông M. đã bị quy hoạch cắt trên 30m2. Chưa kể từ khu đất vuông vức thì theo bản vẽ này đã trở thành “đầu to đuôi tóp”. Vất vả lắm ông M. mới chứng minh với cơ quan chức năng việc vẽ thêm một cái hẻm bên hông lô đất là bất hợp lý. Cuối cùng cơ quan chức năng Q.Thủ Đức cũng đồng ý sửa lại bản vẽ này.

Trong số các quận huyện của TP.HCM, Q.5 là một trong những địa phương sớm công khai quy hoạch lộ giới trong đợt rà soát, điều chỉnh quy hoạch trên địa bàn quận gần đây. Có nhiều tuyến hẻm được giữ nguyên hiện trạng nhưng cũng có một số tuyến hẻm mà việc mở rộng thêm khiến người dân thắc mắc. Như hẻm 183 Nguyễn Biểu hiện nay là 1,9m và theo quy hoạch sẽ lên 2m.

Tương tự hẻm 63 Phan Văn Trị hiện là 3,3m và sẽ mở rộng lên 3,5m... Người dân hẻm 183 Nguyễn Biểu cho rằng nếu mở rộng thêm 10cm như vậy mỗi bên chỉ giải tỏa vào 5cm có cần thiết hay không? Trong khi đó hẻm 63 Phan Văn Trị hiện tại dài khoảng 50m, chỉ có vài căn nhà, do vậy việc mở rộng thêm 20cm thì mỗi bên chỉ giải tỏa một “cục gạch” là không cần thiết.

Quy hoạch cho đủ chuẩn

Cư xá Phú Bình, P.5, Q.11 hình thành từ trước ngày giải phóng và nguyên trạng của nhiều tuyến hẻm ở đây có lộ giới 10-12m. Nhưng thực tế các tuyến hẻm chỉ còn 4-5m do người dân xây nhà lấn dần lộ giới hẻm.

Ông Nguyễn Hoàng Thái, phó chủ tịch UBND Q.11, cho biết mặc dù nhu cầu lưu thông qua những con hẻm ở cư xá Phú Bình không cao, nhưng vẫn giữ lộ giới theo quy định cũ để bảo đảm chuẩn tối thiểu về đất giao thông của quận.

Tuy nhiên, trong đợt điều chỉnh quy hoạch lần này, UBND Q.11 đã mạnh dạn điều chỉnh bỏ quy hoạch một số tuyến đường dự phóng khó có khả năng thực hiện, hoặc chưa có kế hoạch thực hiện sớm như tuyến Đào Duy Từ, Thái Phiên nối dài... Việc điều chỉnh này dựa trên cơ sở những dữ liệu về nhà, đất trước kia và có tính đến nhu cầu lưu thông cũng như ý kiến của người dân bị ảnh hưởng. Nhưng đến bao giờ sẽ giải tỏa các hộ dân để mở rộng hẻm giới như quy hoạch trước đây thì ông Thái chưa thể trả lời được.

Ông Phạm Quang Tú, phó Phòng Quản lý đô thị Q.8, cho rằng quy hoạch hẻm là vậy nhưng việc mở rộng hẻm nhanh hay chậm phần lớn phụ thuộc vào người dân. Theo chủ trương của TP, việc mở rộng hẻm đều thực hiện theo phương thức Nhà nước bỏ tiền làm hạ tầng, người dân hiến đất. Vì vậy, hẻm nào muốn mở rộng thì người dân phải hiến đất và đăng ký kế hoạch để quận thực hiện.

Còn ông Nguyễn Hồng, phó chủ tịch UBND Q.Gò Vấp, nói rằng những trường hợp hẻm cụt, ít hộ dân và ngắn dưới 50m, nếu các hộ dân tại đó không đồng ý mở rộng thì có thể để nguyên trạng hẻm nhỏ, không nhất thiết hẻm nào cũng mở rộng theo chuẩn của TP.
 

“Đôi lúc chúng tôi cảm thấy bất lực”


Ông Trương Trọng Nghĩa - Ảnh: P.Huy

Ông Trương Trọng Nghĩa, phó Ban kinh tế - ngân sách HĐND TP.HCM, cho biết:

Lần này giám sát quy hoạch, HĐND TP tập trung vào hai nội dung chính, đó là công tác quản lý quy hoạch và thực hiện quy hoạch, trong đó có chuyện quy hoạch “treo”, dự án “treo”.

Đoàn đã chọn một số sở ngành, quận huyện có bức xúc nhiều về quy hoạch để tìm hiểu. Qua giám sát một số nơi cho thấy chuyện quy hoạch “treo”, dự án “treo” vẫn là bức xúc lớn nhất của người dân hiện nay. Người dân không hài lòng vì quyền lợi của họ trong khu vực quy hoạch “treo” bị ảnh hưởng rất nhiều.

* Quy hoạch “treo”, dự án “treo” không phải là chuyện mới mà là vấn đề bức xúc của người dân từ nhiều năm qua, và HĐND TP cũng tổ chức nhiều đợt giám sát về chuyện này. Ông đánh giá ra sao về hiệu quả của các đợt giám sát đó?

HĐND TP cố gắng phát hiện để phản ánh, tiếp thu ý kiến của cử tri để lãnh đạo TP chỉ đạo, chấn chỉnh nhưng thực tế chưa chuyển biến nhiều, chưa có sự đột phá. Cần có sự đúc kết về công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch trong 10-15 năm qua để phát huy những mặt được, khắc phục những mặt chưa được. Đồng thời xem lại chủ trương, chính sách cũng như bộ máy, cán bộ làm công tác quy hoạch đã hợp lý chưa... Nếu chưa có sự thay đổi căn cơ trong công tác này thì giám sát của HĐND TP về quy hoạch cũng chỉ là những công việc “nhỏ lẻ” và công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch sẽ chưa có sự chuyển biến mạnh.

* Ngoài việc giám sát, theo ông, các đại biểu HĐND TP cần làm gì để có tiếng nói mạnh hơn trong vấn đề này nhằm phản ánh nguyện vọng, tâm tư của cử tri đã tin tưởng, gửi gắm chứ không chỉ “xới lên” vấn đề?

Ngoài trách nhiệm đối với cử tri, các đại biểu HĐND TP còn làm theo luật định. Đã làm hết trách nhiệm mà cử tri yêu cầu, giao phó thì những đại biểu như chúng tôi không còn biết cách nào khác hơn. Gần đây xuất hiện tình trạng có sự việc người dân rất bức xúc, phản ảnh nhiều nhưng chuyển biến rất chậm hoặc không chuyển biến. Để thay đổi cần sự phối hợp thực hiện giữa các ngành và có sự chỉ đạo kiên quyết ở cấp cao hơn, nếu không cũng sẽ giậm chân tại chỗ.

Tôi nghĩ HĐND TP không chỉ dừng lại ở chỗ xới lên vấn đề mà sẽ tiếp tục giám sát, thúc giục, chất vấn để vấn đề được chuyển biến, giải quyết một cách cơ bản. Thực tế chúng tôi đã làm được một phần nhưng chưa thật sự được như mong muốn. Đại biểu HĐND TP cũng đạt được một số kết quả, nhưng có lúc chúng tôi cảm thấy bất lực trước những yếu kém, bất hợp lý vẫn tồn tại mà không làm chuyển biến tốt hơn được, vì trách nhiệm và cả quyền hạn không còn ở nơi đại biểu hay HĐND TP.


Kỳ 1: Nhà bán rẻ chẳng ai mua

Kỳ 2: Bốn đời chủ... hứa đầu tư


DiaOcOnline.vn - Theo Địa Ốc TTO