Top

Khan hiếm quỹ đất đẩy giá BĐS

Cập nhật 18/10/2017 16:23

Hiện tại, không ít nhà phát triển dự án tại TP. Hồ Chí Minh đang ở trong tình thế “mắc kẹt” do quỹ đất ở khu vực trung tâm và một số quận, huyện ngoại thành có mặt bằng diện tích lớn, kết nối giao thông thuận tiện, nhất là giá cả hợp lý đang ngày càng trở nên khan hiếm hơn. Việc tìm kiếm quỹ đất sạch để phát triển dự án đang trở thành bài toán khiến không ít chủ đầu tư phải đau đầu.

Theo phân tích của một số chuyên gia trong lĩnh vực bất động sản (BĐS), hiện trên thị trường phân ra thành 3 loại chủ đầu tư khác nhau. Thứ nhất là những chủ đầu tư có sẵn đất từ trước, chi phí cho đất rất rẻ, khi làm dự án sẽ có nhiều lợi thế và cơ hội sinh lời cao.

Việc tìm kiếm quỹ đất sạch để phát triển dự án đang trở thành bài toán khiến không ít chủ đầu tư phải đau đầu

Tuy nhiên, những chủ đầu tư kiểu này hiện nay không còn nhiều mà phần lớn là những nhà phát triển dự án thực sự, chưa có đất sẵn trong tay, phải đi “săn lùng”, mua lại, thông qua các thương vụ M&A. Những nhà phát triển này muốn thành công thì ngoài việc có tiềm lực tài chính vững chắc, cũng cần phải xây dựng được thương hiệu, uy tín nhất định để đến khi phát triển dự án, cơ hội thu về lợi nhuận cao hơn.

Bên cạnh đó, còn có những chủ đầu tư mới tham gia thị trường, chưa có nhiều kinh nghiệm, không có sẵn đất đai nên khi tham gia thị trường, phải đối mặt với rủi ro rất lớn. Chính vì vậy, theo nhận định chung của các chuyên gia, từ nay đến cuối năm cũng như trong vòng một vài năm tới, nguồn cung trên thị trường BĐS sẽ hạn chế chứ không dồi dào.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP. Hồ Chí Minh (Horea) cho biết, thông thường để phát triển một dự án BĐS, thì từ khâu hình thành, xin cấp phép, làm thủ tục giấy tờ, đền bù giải tỏa cho đến khi ra được sản phẩm cũng phải mất trung bình ít nhất khoảng 2 - 3 năm, chưa nói đến những dự án gặp khó khăn, vướng mắc. Vì vậy, trong vòng vài năm tới nguồn cung trên thị trường sẽ không  nhiều và phải đợi đến chu kỳ tiếp theo.

Nghiên cứu quý III/2017 của Công ty CBRE cho thấy, thị trường BĐS tại TP. Hồ Chí Minh đang có sự suy giảm của số dự án chào bán mới, với chỉ 7.651 căn được mở bán từ 21 dự án. Con số này giảm 20% so với quý trước và 9% so với cùng kỳ năm ngoái.

Bà Dương Thùy Dung, Giám đốc Nghiên cứu thị trường và tư vấn phát triển cho rằng, do nguồn cung hạn chế nên tỷ lệ hấp thu khá tốt, khoảng 80%. Trong đó, phân khúc trung cấp vẫn chiếm ưu thế trên thị trường. Điều đáng nói, do nguồn cung không nhiều nên giá bán có xu hướng tăng so với cùng kỳ năm ngoái từ 5 - 10%, chủ yếu rơi vào phân khúc trung cao cấp.

Theo khảo sát của phóng viên Thời báo Ngân hàng, một số dự án có vị trí đẹp, nhất là gần tuyến Metro như: Empire City, Gateway, The Nassim và Masteri Thảo Điền... giá chào bán trên thị trường thứ cấp đang có xu hướng tăng và tỷ lệ giao dịch thành công lên đến 90 - 100%. Nhiều nhà đầu tư nhỏ đã bắt đầu tham gia thị trường một cách tích cực hơn cũng đã góp phần đẩy giá thị trường có sự dịch chuyển nhất định.

Những nhà đầu tư này sẽ lập tức xuống tiền gom hàng đối với những dự án vừa được chào bán trên thị trường, tùy thuộc vào khả năng, sau đó bán sang tay kiếm lời. Mặc dù lợi nhuận thu về đặt ra không cao do tránh ôm hàng chôn vốn, tuy nhiên cũng đủ hình thành một mặt bằng giá mới có mức chênh lệch trung bình 5 - 10% so với giá bán ban đầu mà chủ đầu tư dự án đưa ra trên thị trường.

Các chuyên gia BĐS đưa ra nhận định, thị trường từ nay đến cuối năm sẽ tương đối ổn định, không có sự biến động nhiều về nguồn cung, mức độ giao dịch vừa phải. Chính vì vậy, nếu mua nhà đất để đầu  tư, người mua cũng cần thận trọng tìm hiểu kỹ về vị trí, kết nối hạ tầng giao thông, nhất là uy tín của chủ đầu tư để lựa chọn được những sản phẩm tốt trước khi quyết định xuống tiền.


DiaOcOnline.vn - Theo Thời báo Ngân hàng