Top

HoREA: Định giá đất ở phố đi bộ Nguyễn Huệ thấp hơn thị trường cả tỷ đồng mỗi m2

Cập nhật 13/06/2018 08:52

Giá đất quy định trong bảng giá đất ở các địa phương hiện nay được cho là thấp hơn so với giá thị trường nhiều lần. Cụ thể, mỗi mét vuông đất trên tuyến phố đi bộ Nguyễn Huệ, quận 1, TP.HCM được định giá thấp hơn giá thị trường cả tỷ đồng.

Trong kiến nghị mới đây gửi đến Bộ Tài nguyên và Môi trường về sửa đổi giá đất tại Luật Đất đai năm 2013, Hiệp hội BĐS TP.HCM (HoREA) đã góp ý về sự bất cập trong công tác định giá đất hiện nay.

Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA, Luật Đất đai năm 2013 và Nghị định 44/2014/NĐ-CP quy định việc định giá đất phải đảm bảo theo nguyên tắc “giá đất phù hợp với giá đất phổ biến theo thị trường”. Chính phủ ban hành khung giá đất định kỳ 5 năm một lần với từng loại đất và từng vùng. Trong đó, các địa phương được quy định giá đất cao hơn nhưng không vượt quá 30% so với mức giá tối đa của cùng một loại đất trong khung giá đất mà chính phủ quy định.

Tuy vậy, theo Chủ tịch HoREA, các quy định và cơ chế xác định, thẩm định giá đất nói trên khi vận hành vào thực tế đã cho thấy sự bất cập. Thực tế, giá đất trong bảng giá đất ở các địa phương quy định hiện nay thấp hơn so với giá đất thị trường, chỉ tương đương 30% - 50%.

Ông Lê Hoàng Châu lấy ví dụ như tại TP.HCM, khi UBND Thành phố ban hành hệ số điều chỉnh giá đất theo Quyết định số 51/2014/QĐ-UBND ngày 31/12/2014 thì mức nộp tiền sử dụng đất năm 2015 ở nhiều vị trí nhà tương tự trong “hẻm sâu” cao hơn các trường hợp đã nộp tiền sử dụng đất năm 2014 khi áp dụng theo Luật Đất đai năm 2003.

“Việc xây dựng hệ số điều chỉnh giá đất theo Luật Đất đai 2013 đã quy định giá đất thấp nhất trong Bảng giá đất của thành phố không được thấp hơn giá đất tối thiểu của Khung giá đất do Chính phủ ban hành, dẫn đến người dân xin hợp pháp hóa quyền sở hữu nhà đã phải nộp tiền sử dụng đất cao hơn trước đây”, ông Châu nói.


Giá đất trên tuyến phố đi bộ Nguyễn Huệ được định thấp hơn thị trường cả tỷ đồng mỗi mét vuông.

Một bất cập khác được ông Châu đưa ra là quy định về mức giá đất cao nhất trong Bảng giá đất ở TP.HCM. Theo ông Châu, Chính phủ quy định giá đất tối đa tại đô thị đặc biệt như TP.HCM là 162 triệu đồng/m2. Bảng giá đất của Thành phố đã xác định 3 tuyến đường Đồng Khởi, Lê Lợi và Nguyễn Huệ áp dụng mức giá cao nhất là 210,6 triệu đồng/m2.

Trong trường hợp tính giá đất tại các tuyến đường này theo hệ số điều chỉnh giá đất cho khu vực 1 (hệ số 2,1) để xác định đơn giá thuê đất hàng năm, giá khởi điểm đấu giá quyền sử dụng đất để cho thuê… thì cũng chỉ có giá 442,2 triệu đồng/m2. Theo ông Châu, đây vẫn là mức giá thấp hơn giá thị trường cả tỷ đồng mỗi mét vuông.

Cơ chế và quy trình thực hiện công tác định giá đất cụ thể hiện nay trong nhiều trường hợp còn chậm, kéo dài 1 – 3 năm, chưa đáp ứng kịp tiến độ tính thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, tính bồi thường… Từ đó dẫn đến quy trình hành chính xác định giá đất cụ thể để tính tiền sử dụng đất thiếu minh bạch, có sơ hở tạo cơ chế “xin – cho”, “cưa đôi, cưa ba” làm thất thu ngân sách.

Để việc định giá đất được thực hiện theo tinh thần “giá đất phù hợp với giá đất phổ biến trên thị trường”, đại diện HoREA kiến nghị bỏ quy định “Chính phủ ban hành khung giá đất định kỳ 5 năm một lần” tại Điều 113 Luật Đất đai. Đồng thời, sửa đổi Điều 114 theo hướng giao thẩm quyền cho cấp tỉnh chịu trách nhiệm ban hành Bảng giá đất và giá đất cụ thể.

DiaOcOnline.vn - Theo Infonet