Sự quản lý yếu kém của quận, huyện sau khi Luật Xây dựng có hiệu lực (1-7-2004) đang đặt lãnh đạo UBND TPHCM vào một tình thế khó khăn: nếu xử nghiêm, hàng ngàn hộ dân sẽ lâm vào cảnh khó khăn vì buộc phải tháo dỡ nhà do xây dựng không phép. Còn nếu hợp thức hóa theo kiểu “xe lỡ mua, nhà lỡ xây” thì không giữ nghiêm kỷ cương, phép nước.
Mỗi nơi xử một kiểu
Sau hơn 3 năm áp dụng Luật Xây dựng, theo thống kê sơ bộ tại TPHCM đã “mọc” thêm hơn 10.000 căn nhà xây dựng không phép. Theo Sở Xây dựng TPHCM, tính đến hết năm 2006, toàn TP phát hiện 11.818 vụ vi phạm xây dựng, trong đó có 6.637 vụ xây dựng không phép được phát hiện và buộc tháo dỡ 5.726 trường hợp. Tuy nhiên, chỉ có 1.446 trường hợp tự tháo dỡ hoặc cơ quan chức năng tổ chức cưỡng chế tháo dỡ. Riêng quý I/2007, qua số liệu báo cáo của 7 quận, huyện cũng đã phát hiện 331 trường hợp xây dựng không phép đang chờ xử lý.
Việc xử lý nhà xây dựng không phép, mỗi địa phương thực hiện một kiểu. Có địa phương kiên quyết, có một số quận, huyện khá thờ ơ trong việc ngăn chặn dẫn đến tình trạng vi phạm xây dựng cứ “cháy” âm ỉ. “Nếu chúng tôi không cương quyết, số lượng nhà xây dựng trái phép có thể tăng hơn nữa chứ không dừng lại ở số trường hợp đã bị cưỡng chế vừa qua”, một lãnh đạo quận Bình Tân cho biết. Cũng theo vị này, trật tự xây dựng tại địa bàn đã được vãn hồi sau khi chính quyền lần lượt cưỡng chế, tháo dỡ đối với gần 400 căn nhà tại “điểm nóng” khu phố 3, 4, 10 thuộc phường Bình Hưng Hòa.
Ngược lại, nhiều người lại xem phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức “căn bệnh” vi phạm xây dựng dường như đã lờn thuốc. Theo kết quả kiểm tra thực địa mới đây của Thanh tra Sở Xây dựng, trong 3 năm sau ngày Luật Xây dựng có hiệu lực, tổng số vụ vi phạm hoạt động xây dựng là 1.018 vụ, trong đó xây dựng không phép trên đất nông nghiệp là 687 trường hợp.
Điều ngạc nhiên là đa số các trường hợp vi phạm đều bị chính quyền địa phương lập biên bản và ban hành quyết định xử lý vi phạm, nhưng biện pháp khắc phục hậu quả như: tháo dỡ, trả lại hiện trạng đất... ghi trong quyết định lại không được thực hiện rốt ráo. Thế là nhà xây dựng không phép cứ âm thầm “mọc” lên ngày càng nhiều.
Phạt rồi cho tồn tại?
Số lượng nhà xây dựng không phép, sai phép sau ngày 1-7-2004 là không nhỏ. Nếu áp dụng triệt để theo quy định của điều 120 Luật Xây dựng, có thể gây xáo trộn đời sống một bộ phận dân cư, do vậy biện pháp xử lý, khắc phục hậu quả trên đang là vấn đề khó khăn cho cơ quan tham mưu là Sở Xây dựng TPHCM.
Trao đổi với chúng tôi, ông Đỗ Phi Hùng, Phó Giám đốc Sở Xây dựng TPHCM, cho biết: Sở đã báo cáo tình hình thực tế cũng như đề xuất hướng xử lý cho UBND TP quyết định. Tuy nhiên, liệu việc xử lý theo kiểu “phạt rồi cho tồn tại hay không?” thì chưa thể cung cấp chính thức vì còn chờ ý kiến của UBND TP.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, Sở Xây dựng đã đề xuất các hướng xử lý: Đối với công trình đã xây dựng xong, nếu nhà ở do các hộ dân ngoại thành xây dựng do nhu cầu để ở hoặc cho con ra ở riêng thì cho phép tồn tại theo hiện trạng. Đối với những công trình còn lại, nếu nằm trong khu vực đã có quy hoạch chi tiết 1/2.000 được duyệt thì cho phép tồn tại sau khi bị xử lý vi phạm hành chính (trong đó, ngoài hình thức phạt tiền (nếu còn thời hiệu), còn buộc áp dụng một số biện pháp khác: Đối với nhà ở riêng lẻ do các hộ dân xây, phải tự cam kết chất lượng, tháo dỡ bộ phận công trình vi phạm lộ giới, chỉ giới... Đối với nhà ở các dự án phân lô hộ lẻ, ngoài việc tự tháo dỡ bộ phận công trình, chủ đầu tư phải hoàn chỉnh cơ sở hạ tầng dự án và kiểm định chất lượng công trình xây dựng không phép).
Đối với các trường hợp không phù hợp quy hoạch, nếu đang triển khai thực hiện sẽ buộc tháo dỡ vô điều kiện, trường hợp quy hoạch chưa triển khai sẽ cho phép tạm tồn tại và buộc tháo dỡ vô điều kiện khi quy hoạch triển khai. Ngoài ra, đối với các công trình hiện đang xây dựng không phép nhưng phù hợp quy hoạch thì đình chỉ ngay, xử lý hành vi vi phạm và buộc chủ đầu tư xin giấy phép. Còn xây dựng không phù hợp quy hoạch sẽ cương quyết tháo dỡ...
Được biết, ngày 25-7, UBND TPHCM đã nghe Sở Xây dựng báo cáo xung quanh hướng xử lý đối với nhà xây dựng không phép. Tuy nhiên, UBND TPHCM vẫn chưa gút lại hướng xử lý như thế nào và đề nghị Sở Xây dựng tiếp tục nghiên cứu để có hướng xử lý phù hợp.
Theo Tường Nguyên - Người Lao Động