Top

Hoàng Anh Gia Lai bỏ bất động sản, còn Quốc Cường Gia Lai?

Cập nhật 01/05/2019 16:30

Cả hai công ty từng được nhắc đến như các “đại gia” trong ngành bất động sản ở Việt Nam.

Quốc Cường Gia Lai sụt giảm mạnh về lợi nhuận năm 2018 - QCG

Hoàng Anh Gia Lai và Quốc Cường Gia Lai là hai cái tên thường được nhắc đến khi có chung xuất xứ “Gia Lai” gắn liền sau tên công ty. Đồng thời từng là các đơn vị phát triển mạnh trong lĩnh vực bất động sản. Nhưng sau nhiều năm tái cơ cấu và chuyển đổi lĩnh vực hoạt động, mới đây Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai đã hé lộ kế hoạch sẽ “thoát” hết bất động sản để tập trung vào lĩnh vực nông nghiệp. Vậy còn Công ty cổ phần Quốc Cường Gia Lai (QCG) hiện nay ra sao?

Báo cáo tài chính hợp nhất đã kiểm toán cho năm 2018 của QCG cho thấy, lợi nhuận sau thuế năm vừa qua của công ty đạt 101 tỉ đồng, chỉ bằng 25% so với con số hơn 397,6 tỉ đồng của năm 2017. Lĩnh vực bất động sản vẫn đang mang lại phần lớn doanh thu cho QCG với con số hơn 411 tỉ đồng trong tổng mức thu trên 732 tỉ đồng. Còn lại là số thu từ bán hàng hóa và dịch vụ đạt 224,7 tỉ đồng và thu từ bán điện hơn 96 tỉ đồng... Tuy nhiên chi phí bán hàng trong năm qua đã tăng mạnh lên gần 119 tỉ đồng, gấp 4,25 lần so với năm 2017. Riêng chi phí lãi vay là 30,5 tỉ đồng so với mức hơn 24 tỉ đồng của năm trước đó...

Báo cáo của Quốc Cường Gia Lai cũng chỉ ra công ty hiện có tổng nợ phải trả là 6.837,9 tỉ đồng trong khi nguồn vốn chủ sở hữu hơn 4.179 tỉ đồng

Mặt khác, QCG hiện có 12 dự án bị tồn đọng ở TP.HCM với tổng quỹ đất ước tính khoảng 150 ha. Giá trị các dự án dang dở của công ty chủ yếu đến từ các khoản chi phí liên quan trực tiếp đến dự án Phước Kiển, Lavida, De Capella, dự án Sông Đà, Central Premium và một số dự án khác. Hàng tồn kho của doanh nghiệp, chủ yếu là bất động sản dở dang có trị giá hơn 7.063,4 tỉ đồng.

Đến cuối năm 2018, công ty này có 7 công ty con và 3 công ty liên kết, trong đó 9 công ty chuyên hoạt động về bất động sản và xây dựng. Tuy nhiên, từ cuối năm 2018 đến nay QCG đã liên tục giảm bớt vốn đầu tư vào các công ty trên. Cụ thể công ty đã chuyển nhượng 5% vốn tại Công ty cổ phần bất động sản Hiệp Phú Land với trị giá 42,85 tỉ đồng cho cá nhân ông Phạm Minh Kính.

Trước đó, QCG đã giảm 195,3 tỉ đồng đầu tư vào Công ty TNHH Bến Du thuyền Đà Nẵng xuống còn 261 tỉ đồng (QCG chiếm 90% vốn điều lệ công ty này). Đồng thời QCG cũng giảm tỷ lệ góp vốn tại Công ty cổ phần Chánh Nghĩa Quốc Cường từ mức 74,68% xuống còn 30,8% và hoàn tất việc chuyển nhượng 49,9% vốn (chỉ còn sở hữu 49,9%) tại Công ty cổ phần Bất động sản Sông Mã...

Từ giữa tháng 2.2019, cổ phiếu QCG bị đưa vào diện cảnh báo do vi phạm công bố thông tin. Cụ thể, từ năm 2013 - tháng 8.2017, Quốc Cường Gia Lai có 14 giao dịch chuyển nhượng và nhận chuyển nhượng với tổng giá trị các giao dịch trên 3.200 tỉ đồng nhưng không công bố thông tin theo quy định. Hiện cổ phiếu QCG có giá 5.240 đồng/cổ phiếu, tăng 14% so với đầu năm nay.

DiaOcOnline.vn – Theo Thanh niên