Hà Nội sẽ không biến “đất vàng” thành chung cư?

Cập nhật 27/02/2012 10:10

“Từ nay, Hà Nội sẽ không cấp phép xây dựng chung cư cao tầng trên vị trí cũ của các trường đại học, bệnh viện, trụ sở các bộ trong diện phải di dời”.

Thanh tra Chính phủ dự định xây nhà ở cho cán bộ nhân viên tại trụ sở cũ.

Tuyên bố trên của Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thế Thảo đang được dư luận hoan nghênh và quan tâm theo dõi. Song cũng mong rằng nó không mang tính “nhiệm kỳ”, không lặp lại cảnh “tiền hậu bất nhất” như đã từng xảy ra...

Trở lại với các khu “đất vàng” giữa lòng Hà Nội, khi hàng loạt các bộ đã và đang di dời nên sẽ có nhiều khu bị để trống, chưa biết chuyển nhượng cho ai và làm gì? Vậy Hà Nội sẽ xử lý thế nào?

Đầu tiên là trụ sở của Thanh tra Chính phủ trên đường Đội Cấn, quận Ba Đình (nay đã chuyển đến đường Trần Thái Tông, quận Cầu Giấy). Tới nay, trụ sở cũ đang bỏ trống vẫn chưa có động tĩnh gì về công trình, dự án thay thế (dù bộ máy làm việc đã chuyển đi hết).

Về vấn đề này, ông Huỳnh Phong Tranh, Tổng thanh tra Chính phủ cho biết: “Cơ quan có ý định xây nhà cho cán bộ nhân viên tại trụ sở cũ nhưng chưa có đề xuất chính thức, quy mô xây dựng cụ thể gì tại đó. Trụ sở cũ đang để không và chúng tôi vẫn cử người trông giữ”.

Tương tự như vậy, trụ sở của Tổng cục Cảnh sát (Bộ Công an) tại 40 Hàng Bài vẫn đang hoạt động bình thường. Dù trước đó, Bộ Công an được Thủ tướng đồng ý cho phép bán tài sản trên đất và chuyển nhượng quyền sử dụng đất theo giá thị trường, đúng quy định của pháp luật, tại số 40 Hàng Bài và 54 Trần Hưng Đạo (Hoàn Kiếm) với diện tích đất là 13.303,8 m2.

Tuy nhiên, theo ông Đàm Văn Tâm, Phó chánh Văn phòng Bộ Công an, hiện một số bộ phận của Bộ đã chuyển ra trụ sở mới trên đường Phạm Văn Đồng. Chủ trương của Bộ, là trụ sở cũ thì cải tạo, nâng cấp chứ không chuyển nhượng.

Đồng ý chủ trương di dời các bộ ra khỏi nội đô nhưng các Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Xây dựng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vẫn đang sử dụng trụ sở cũ và việc di chuyển cần phải có thời gian.

Ông Nguyễn Văn Công, Chánh văn phòng Bộ Giao thông Vận tải cho biết, rất đồng tình với việc di dời các bộ ngành ra khỏi nội đô, và không cho phép xây dựng nhà cao tầng trên các khu đất cũ để giảm ùn tắc giao thông.

Bộ Giao thông Vận tải sẵn sàng tiên phong chuyển đất tại trụ sở cũ cho Hà Nội và di dời tới trụ sở mới theo chỉ đạo của Thủ tướng. Ông Công cũng cho biết: việc Hà Nội xử lý thế nào trụ sở cũ của Bộ Giao thông Vận tải trên đường Trần Hưng Đạo là chuyện của thành phố chứ Bộ sẽ không can thiệp.

Còn tại Dự án chuyển Bộ Xây dựng (37 Lê Đại Hành, Hai Bà Trưng) về Khu đô thị mới Tây Hồ Tây đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý tháng 10/2011. Mới đây, Ban quản lý dự án xây trụ sở Bộ Xây dựng thông báo mời nhà đầu tư thực hiện dự án xây dựng trụ sở làm việc mới của Bộ Xây dựng theo hình thức xây dựng-chuyển giao. Tuy nhiên, sau khi Bộ Xây dựng chuyển đi, trụ sở cũ sẽ làm gì?

Ông Nguyễn Quang Nam, Trưởng ban quản lý dự án xây trụ sở Bộ Xây dựng cho biết: “Bộ Xây dựng là đơn vị đầu tiên công bố đấu giá đất. Vấn đề là khi xử lý cái đất ấy sao cho vừa đạt được hiệu quả kinh tế vừa đạt cả lợi ích xã hội mới quan trọng. Giả sử những khu đất vàng nằm trong nội đô mà cứ bán cho nhà đầu tư để xây nhà cao tầng thì sẽ thu được nhiều tiền ngay. Nhưng sẽ phản tác dụng vì mục đích di dời trụ sở các bộ là để giảm tải cho nội đô”.

Ông Nam kiến nghị giải pháp: Khu đất trụ sở Bộ Xây dựng ở 37 Lê Đại Hành với diện tích gần 13.000m2 có thể làm biệt thự và sẽ bán được giá. Như vậy có thể đảm bảo “bài toán” kinh tế. Ngoài ra có thể dành một diện tích làm cây xanh, nhà trẻ... Bên cạnh đó, gần Bộ Xây dựng có phố Đội Cung bị tắc, dự án này sẽ kéo phố Đội Cung ra đường Hoa Lư thì giải quyết bài toán giảm tải về giao thông. Bộ Xây dựng phải là đơn vị tiên phong, bộ khác mới làm theo được.

Bên cạnh những khu “đất vàng” đang bỏ ngỏ, bức xúc hơn là nhiều dự án “giao thông tĩnh” cũng bị sử dụng sai mục đích. Ví như: dự án cống hóa mương Phan Kế Bính làm bãi đỗ xe tại phường Cống Vị (quận Ba Đình) do Công ty cổ phần Đa quốc gia làm chủ đầu tư được khởi công vào năm 2007. Thế nhưng, hiện dự án đang dần dần chuyển sang làm showroom, siêu thị quần áo thời trang và các mục đích khác.

Tiếp đó là điểm đỗ xe Tràng Thi được quy hoạch xây dựng trên nền đất 2.000 m2 của Xí nghiệp xe đạp Viha (phố Tràng Thi), thay thế cho điểm đỗ xe trên các tuyến phố Quang Trung, Đinh Lễ, Nguyễn Xí, Tôn Đản... nhưng đến nay khu vực mà Xí nghiệp xe đạp Viha chuyển đi vẫn rào khoá im lìm, không biết quy hoạch trước đây có còn giá trị?

Còn quy hoạch điểm đỗ xe Phan Chu Trinh, xây để thay thế điểm đỗ xe trên đường Trần Hưng Đạo, Ngô Quyền; điểm đỗ xe tại Cung văn hóa Hữu nghị, quy hoạch thay thế cho điểm đỗ xe trên đường Nguyễn Du, Trần Quốc Toản, Ga Hà Nội cũng đang bị biến thành quán cà phê, cửa hàng ăn uống...

Một dự án khác cũng gây bức xúc dư luận đó là tại tòa nhà 16 Cát Linh (trước đây còn được đánh số là 17 Cát Linh), thực chất là nhà đỗ xe được xây dựng phục vụ sân vận động Hàng Đẫy dịp SEA Games 22. Tuy nhiên, tòa nhà trên cũng đang sử dụng sai mục đích. Tới đây, Chủ tịch UBND Tp.Hà Nội sẽ có buổi làm việc với các sở, ngành để giải quyết vấn đề này. Dư luận đang rất hy vọng kỳ này Hà Nội “đã nói là làm”.

DiaOcOnline.vn - Theo VnEconomy