Top

Hà Nội: Nhà cao tầng là xu hướng tất yếu, nhưng...

Cập nhật 17/06/2018 08:46

Chủ tịch Hà Nội dẫn trường hợp Singapore làm ví dụ. Tuy diện tích chỉ 650km2 và 4,5 triệu dân nhưng Singapore hiện có 6.428 toà nhà 20 tầng trở lên.

Ngày 16/6, ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND TP Hà Nội cùng các đại biểu HĐND TP đã có buổi tiếp xúc cử tri trước kỳ họp thứ 6 HĐND TP Hà Nội khóa XV, nhiệm kỳ 2016-2021.

Một trong những vấn đề được cử tri quận Hoàn Kiếm quan tâm là vấn đề ùn tắc giao thông còn xảy ra phổ biến, trong khi Thành phố Hà Nội vẫn tập trung xây nhiều nhà cao tầng.

Trả lời ý kiến cử tri, ông Nguyễn Đức Chung cho rằng: “Việc chúng ta phải xây dựng nhà cao tầng là xu hướng tất yếu, chắc chắn chúng ta không có con đường nào khác cả, bởi vì đất có hạn, người thì tăng lên”, Chủ tịch Hà Nội nói.


Không thể cấm xây nhà cao tầng nhưng cần tăng chuẩn bị hạ tầng để giảm tình trạng kẹt xe, quá tải ở đô thị

Ông Chung cho hay, mới đây trong chuyến đi tháp tùng Thủ tướng sang Singapore, ông đã làm việc với bộ phận quản lý đô thị của nước này.

Theo ông, ở Singapore diện tích chỉ có 650 km2 và 4,5 triệu dân nhưng hiện có 6.428 toà nhà 20 tầng trở lên, chưa tính các toà nhà thấp dưới 20 tầng. Ngoài ra, Chính phủ Singapore cũng có chính sách hỗ trợ cho tất cả các doanh nghiệp tư nhân về mặt kỹ thuật, vốn và ưu tiên xây nhà cao tầng.

Với TP Hà Nội, theo ông Chung hiện trên TP có khoảng 620 nghìn ô tô các loại, chưa kể ô tô lực lượng vũ trang; 5,5 triệu xe máy; bãi đỗ xe tĩnh thiếu nên việc xảy ra ùn tắc giao thông là một vấn đề.

Theo ông Chung, Hà Nội đang hướng tập trung cho quy hoạch và xây dựng các khu đô thị vệ tinh để đưa bớt dân cư ra khu vực nội đô; phát triển các bãi đỗ xe tĩnh...

Việc xây dựng nhà cao tầng được coi là giải pháp quan trọng trong quy luật phát triển đô thị khi quỹ đất ngày một ít đi, còn nhu cầu nhà ở trở nên cấp thiết.

Tuy nhiên, như chuyên gia quy hoạch Nguyễn Đỗ Dũng, Công ty tư vấn CPG Consultants (Singapore) phát biểu trong buổi hội thảo quốc tế tổ chức hồi đầu tháng 6 vừa qua, dù Singapore có nhiều nhà cao tầng nhưng nhiều tuyến đường nội ô của họ được chạy tốc độ cao, trong khi tại Hà Nội hầu hết đều phải chạy... tốc độ "rùa bò".

Ông Dũng cho rằng việc quá tải hạ tầng ở Hà Nội, TP.HCM ngoài năng lực giao thông kém, phần lớn còn do bài toán thiết kế, vận hành. Vì vậy, các cơ quan chuyên môn cần xoáy sâu vào các yếu tố về mật độ bởi giải pháp thiết kế chưa tối ưu nên gây ùn tắc: các dự án cần phải tính toán hài hòa mật độ dân số, mật độ xây dựng, hệ số sử dụng đất.

Trong khi đó, PGS.TS Nguyễn Hồng Tiến, nguyên Cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật (Bộ Xây dựng) - đưa ví dụ tại Hà Nội, trước đây đi dọc trục đường Lê Văn Lương (nối quận Thanh Xuân, Đống Đa với lối thoát ra quận Hà Đông) rất thông thoáng, tuy nhiên hiện nay đã rất chật chội. Hay ở trục đường Nguyễn Tuân, Nguyễn Huy Tưởng cao ốc xây chằng chịt nhưng đường nhỏ hẹp, vỉa hè không có, không ai tính tới việc mở rộng đường đi.

"Thủ phạm", theo ông Tiến, chính là việc "quên" tính toán việc kết nối không gian bên trong dự án với không gian bên ngoài dự án, không gian từ dự án thoát ra các hướng khác.

KTS Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam lưu ý, trước khi cho phép triển khai dự án, cơ quan quản lý phải yêu cầu nhà đầu tư thuyết minh và chứng minh được việc kết nối dự án đó với giao thông công cộng. Phải nêu được các giải pháp để chống ùn tắc, quá tải lên hạ tầng đô thị, hạ tầng giao thông.

Theo ông Chính, khi xây dựng nhà cao tầng ở nội ô, kể cả ngoại ô... bên cạnh các tuyến buýt nhanh BRT, đường sắt đô thị, metro ngầm, các nút giao thông... cần phải tính đến các công trình, lối đi ngầm, nổi, trên cao để liên kết giao thông nhà cao tầng với hệ thống giao thông đô thị hiện có.

DiaOcOnline.vn - Theo Đất việt