Top

Hà Nội: Hàng trăm hộ dân “kêu cứu” vì tiền sử dụng đất?

Cập nhật 30/05/2017 13:43

Hàng trăm hộ dân khu tập thể CoMa 7, xã Ngọc Hồi, huyện Thanh Trì trước nguy cơ nộp tiền sử dụng đất tăng gấp 10 lần do chậm thủ tục bàn giao đất.

Từ năm 2005-2011, hàng trăm hộ dân Khu tập thể CoMa7 (xã Ngọc Hồi, Thanh Trì) nghiêm chỉnh thực hiện việc hoàn thiện hồ sơ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ). Thế nhưng, thay vì áp dụng Quyết định 13 thì cơ quan chức năng lại áp dụng Quyết định 14 để cấp GCNQSDĐ, khiến hàng trăm hộ dân có nguy cơ nộp tiền sử dụng đất tăng gấp 10 lần so với các hộ dân cùng khu tập thể đã được cấp GCNQSDĐ trước đó.

Khu tập thể CoMa 7, xã Ngọc Hồi, huyện Thanh Trì, Hà Nội.

Người dân “méo mặt” vì…

Dẫn chúng tôi tham quan khu tập thể, ông Đinh Văn Dưng, Phó bí thư chi bộ, Khu tập thể CoMa7 (Ngọc Hồi, Thanh Trì, Hà Nội) chỉ tay về phía những dãy nhà san sát rồi nói, khu tập thể có trên 200 hộ dân, với gần 2000 nhân khẩu. Người dân khu tập thể đa phần là cán bộ, nhân viên hưu trí, trước đây công tác tại Xí nghiệp Cơ khí xây dựng Liên Ninh, nay là Công ty cổ phần xây lắp số 7 (CoMa7). Trong khu tập thể, nhiều gia đình đã sinh sống, sử dụng đất ở ổn định trước năm 1993, trước thời điểm Luật Đất đai năm 1993 có hiệu lực; và một số gia đình sử dụng đất sau năm 1993. Với nguồn gốc đất rõ ràng, sử dụng ổn định, hơn 90 hộ dân đã được cấp GCNQSDĐ. Số hộ dân còn lại khấp khởi chờ tới ngày làm GCNQSDĐ. Nhưng thật không ngờ, niềm vui "ngắn chẳng tày gang" khi người dân hoang mang, lo lắng vì được biết, việc nộp tiền sử dụng đất có thể tăng gấp 10 lần so với trước đây. “Đời sống chúng tôi trông chờ vào tiền hưu trí ít ỏi của Nhà nước. Nghĩa vụ nộp tiền sử dụng đất tăng lên, chúng tôi lấy đâu ra tiền để nộp, làm GCNQSDĐ… Chúng tôi đã hoàn thiện hồ sơ trước thời điểm Quyết định 24 có hiệu lực thì việc cấp GCNQSDĐ phải thực hiện theo Quyết định 13 năm 2013 ” – ông Dưng lo lắng.

Theo tìm hiểu của phóng viên, năm 2005, UBND xã Ngọc Hồi và Phòng TN&MT huyện Thanh Trì đã tiến hành hướng dẫn các hộ dân Khu tập thể CoMa7 kê khai, hoàn thiện hồ sơ và xét duyệt đủ điều kiện để trình UBND huyện Thanh Trì cấp GCNQSDĐ. Tuy nhiên, việc UBND xã Ngọc Hồi và Phòng TN&MT huyện Thanh Trì hướng dẫn, hoàn thiện, thẩm định hồ sơ cấp GCNQSDĐ của các hộ gia đình thời điểm năm 2005 được xác định là chưa phù hợp với quy định tại Điều 3 - Quyết định 185/2004/QĐ-UB ngày 14/12/2004 của UBND Thành phố về việc tiếp nhận nhà ở thuộc sở hữu nhà nước do các cơ quan tự quản chuyển giao cho Sở TN&MT và Nhà đất quản lý. Tức là tại thời điểm năm 2005, Khu tập thể CoMa7 chưa được bàn giao về Công ty kinh doanh nhà thuộc Sở TN&MT.

Năm 2009, UBND Thành phố lại có Quyết định 98/2009/QĐ-UBND, có nội dung, trường hợp các cơ quan tự quản phân phối đất, cho mượn đất để cán bộ công nhân viên tự làm nhà ở trước ngày 27/11/1992, giao UBND các quận huyện, thị xã thực hiện theo quy định của Luật Đất đai năm 2003… Thực hiện chủ trương này, CoMa7 mới được tiến hành hoàn thiện hồ sơ, thủ tục, bàn giao đất khu tập thể về cho UBND huyện Thanh Trì. Do có những vướng mắc về thủ tục pháp lý và thủ tục hành chính, đến tháng 10/2011, CoMa7 và UBND huyện Thanh Trì mới hoàn thành việc bàn giao. Sau khi tiếp nhận, UBND huyện Thanh Trì đã đẩy nhanh tiến độ cấp GCNQSDĐ cho các hộ dân, nhưng đến nay mới chỉ cấp được 95 trường hợp, hiện vẫn còn 143 hộ dân chưa được cấp GCNQSDĐ theo quy định, trong đó có nguyên nhân những vướng mắc về chính sách áp dụng tài chính khi cấp GCNQSDĐ dẫn đến việc người dân chưa đồng thuận.

Ông Hà Ngọc Lâm, Bí thư chi bộ, Khu tập thể CoMa7 than thở, năm 2013, UBND TP Hà Nội có Quyết định 13 (Quyết định quy định cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất... - PV), quy định về cấp GCNQSDĐ. Nhưng đến năm 2014, UBND Tp. Hà Nội lại có Quyết định 24 (Quyết định quy định cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất... - PV) thay thế Quyết định 13. Rồi năm 2015 lại có Quyết định 37 thay thế Quyết định 24. “Việc bàn giao khu tập thể lúc thì giao cho Sở TN&MT, lúc thì về UBND huyện Thanh Trì quản lý. Rồi quy định về cấp GCNQSDĐ nhiều lần thay đổi, khiến những hộ cùng nộp hồ sơ cùng 1 thời điểm lại phải nộp tiền sử dụng đất cao hơn nhiều lần là không phù hợp… Chúng tôi lương hưu giờ được 2-5 triệu đồng/tháng, tiền sử dụng đất quá nhiều, lấy tiền đâu ra mà nộp. Hơn 100 hộ dân chúng tôi khẩn thiết mong các cấp chính quyền tìm hướng giải quyết một cách công bằng, bảo đảm người dân đủ khả năng thực hiện nộp tiền sử dụng đất” – ông Lâm kiến nghị.

Cần một quyết định hợp tình, hợp lý

Do những vướng mắc nêu trên, đại diện Khu tập thể CoMa 7 nhiều lần gửi đơn kiến nghị lên UBND huyện Thanh Trì và các cơ quan chức năng đề nghị xem xét lại việc áp dụng khung giá đất cho phù hợp, đảm bảo sự công bằng cho các hộ dân cùng sống trong khu tập thể. Các hộ dân kiến nghị, việc cấp GCNQSDĐ Khu tập thể Coma 7 có thể áp dụng theo khoản 3 - Điều 79, Quyết định 24/2014 của Thành phố, quy định hướng dẫn xử lý chuyển tiếp các hồ sơ còn tồn đọng theo quy định tại Quyết định 13/2013/QĐ - UBND Thành phố.

Để giải quyết vướng mắc cho người dân, ngày 2/12/2015, UBND huyện Thanh Trì đã có Văn bản số 414, báo cáo khó khăn và vướng mắc trong công tác cấp GCNQSDĐ đối với Khu tập thể CoMa7. Văn bản của UBND huyện Thanh Trì đã nêu rõ những vướng mắc mà người dân chưa đồng thuận và phần kiến nghị của người dân khu tập thể gửi đến Sở TN&MT Hà Nội, UBND thành phố Hà Nội. Tuy nhiên, cho đến nay những vướng mắc trên vẫn chưa được giải quyết, trong khi người dân tiếp tục phản đối việc áp dụng mức thu tiền sử dụng đất theo khung giá mới.

Luật sư Trương Quốc Hoè, Trưởng Văn phòng Luật Interla (Đoàn LSTP Hà Nội) nhận định: “Trong các văn bản pháp luật đều có quy định sự chuyển tiếp khi áp dụng pháp luật. Nguyên tắc chung văn bản sau bổ sung, điều chỉnh cho thực tế nhưng phải công nhận những tính pháp lý, bảo đảm quyền lợi ích chính đáng của người đã nộp hồ sơ đề nghị cấp GCNQSDĐ”. Rõ ràng quyền và lợi ích của người dân luôn luôn được đảm bảo khi Quyết định 13, 24, 37 của UBND thành phố Hà Nội đều có điều, khoản quy định sự chuyển tiếp, trong văn bản có tính kế thừa và đương nhiên tính kế thừa phải được thực hiện, áp dụng. Khi Quyết định 24 được ban hành thì nó vẫn ghi nhận hiệu lực Quyết định 13 ở thời điểm quyết định 24 đã có hiệu lực. “Tinh thần Quyết định 13 đã rõ ràng thì cơ quan có thẩm quyền buộc phải áp dụng cho người dân đơn giá đất trước đây mà người dân đã hoàn thành hồ sơ. Trong trường hợp cơ quan Nhà nước khi ra thông báo áp dụng mức thuế hoặc đơn giá không phù hợp thì người có quyền khiếu nại quyết định áp dụng mức thuế, giá đất của cơ quan có thẩm quyền…” – Luật sư Hòe nói.

Nhận định của luật sư Trương Quốc Hòe hoàn toàn đúng đắn, bởi theo điều tra của phóng viên thực tế một số quận, huyện đã áp dụng điều khoản chuyển tiếp, cụ thể là Khoản 3, Điều 79, Quyết định 24/2014 để cấp GCNQSDĐ cho những hồ sơ tồn đọng, hồ sơ nộp trước thời điểm Quyết định 24 có hiệu lực. Theo đó, những hồ sơ tồn đọng - hồ sơ nộp trước thời điểm Quyết định 24 có hiệu lực được thì được cấp GCNQSDĐ theo Quyết định 13. Vì thế tiền sử dụng đất cũng thấp hơn, bảo đảm khả năng thực hiện nghĩa vụ tài chính của người dân đối với Nhà nước.

Thực tế là vậy, đề nghị UBND huyện Thanh Trì, Sở TN&MT, UBND thành phố Hà Nội xem xét, giải quyết những hồ sơ tồn đọng xin cấp GCNQSDĐ của hàng trăm hộ dân Khu tập thể CoMa7.

DiaOcOnline.vn - Theo VOV