Top

Hà Nội: Dân khốn đốn nhìn đất bị “nhảy dù”, chính quyền bất lực?

Cập nhật 11/12/2018 10:24

Được cấp đất tái định cư đã nhiều năm nay nhưng một số hộ dân không thể sử dụng do ô đất đó đã bị người khác “nhảy dù”, chiếm dụng để dựng nhà trước sự bất lực của chính quyền sở tại.

Chuẩn bị đón cái Tết thứ 3 ở… nhà cộng đồng


Bước sang cái tuổi 84, cụ Nguyễn Thị Uy (phường Trung Phụng, quận Đống Đa, Hà Nội) không ngờ rằng mình phải đón những cái Tết cuối đời ở nơi không phải nhà mình. Tần ngần đứng ở cửa nhà cộng đồng cụm 4 phường Trung Phụng, cụ thở dài: “Tết sắp tới là cái Tết thứ 3 tôi và con cháu phải đón Tết ở đây rồi!”.


Gia đình cụ Uy ở nhờ nhà cộng đồng cụm 4 phường Trung Phụng gần 3 năm nay.

Gia đình cụ Uy là một trong những hộ dân bị thu hồi đất để giải phóng mặt bằng phục vụ dự án “Xây dựng, hoàn thiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật khu công viên hồ Ba Mẫu” do Sở Xây dựng làm chủ đầu tư. Sau khi bị thu hồi đất, gia đình cụ và 13 hộ khác được bố trí tái định cư tại chỗ, bốc thăm vị trí, giao đất tại khu đất tái định cư thuộc phường Phương Liên (quận Đống Đa).

Tuy nhiên, từ khi nhận quyết định giao đất (cuối năm 2014) đến nay, gia đình cụ Uy cùng 5 hộ dân khác không thể sử dụng lô đất được giao vì ô đất này đã bị người khác “nhảy dù”, chiếm dụng để dựng nhà.

“Ngày trước, tôi ở cùng 2 con trai, nhà có tổng cộng 14 nhân khẩu. Nhà nước thu hồi đất rồi, ngần ấy người phải đi thuê nhà ở tạm.” - cụ Uy nói và cho biết, thời gian đầu, gia đình cụ còn nhận được tiền tạm cư, hơn 2 năm nay bỗng dưng “bị cắt”.

"Căn nhà" chật hẹp chỉ đủ kê chiếc giường cho cụ Uy nằm, mọi người phải ngủ dưới nền nhà.

Không được nhận tiền tạm cư, gia đình con trai cả cụ Uy đành phải về ở nhờ nhà mẹ vợ tận huyện Thường Tín. Cuộc sống khó khăn, cụ và gia đình con út xin chính quyền cho ở nhờ tại nhà cộng đồng cụm 4 phường Trung Phụng.

Theo lời cụ Uy, hai người con trai cụ trước đây làm nghề thợ mộc, thu nhập cũng vừa đủ nuôi gia đình. Bị thu hồi đất, không còn chỗ làm nghề, người con cả đi chạy xe ôm, thu nhập bấp bênh. Anh con út đi làm thuê cho các xưởng mộc khác, có việc thì người ta gọi.

Trong “căn hộ” hơn 10 m2 được chính quyền địa phương cho mượn để ở tạm, mọi đồ đạc được sắp xếp một cách tối giản. Một chiếc giường nhỏ kê ở góc để cụ Uy nằm. Bốn người trong gia đình con út của cụ tối đến trải chiếu dưới nền nhà để ngủ. Đồ đạc, quần áo gói gọn trong bao tải hay nhét trong chiếc tủ nhỏ. Thứ gì ít dùng đến thì mang đi gửi hết.

Chia sẻ về trường hợp gia đình cụ Uy, bà Hứa Thị Xuân Liên - Chủ tịch UBND phường Trung Phụng - cho biết, chính quyền địa phương đã hỗ trợ hết sức để gia đình cụ tạm thời ổn định cuộc sống trong thời gian chờ nhận đất tái định cư.

Sinh hoạt hàng ngày bất tiện.

Theo bà Liên, bà cũng như chính quyền phường rất chia sẻ với gia đình cụ Uy, song việc giải quyết tận gốc sự việc không thuộc thẩm quyền phường. Phường nhiều lần kiến nghị với quận Đống Đa cũng như xác nhận vào đơn của gia đình cụ Uy để quận giải quyết nhưng đến nay mọi việc vẫn “giậm chân tại chỗ”.

Giống như gia đình cụ Uy, gia đình 4 người nhà chị Đặng Thị Duyên (phường Phương Liên) nhiều năm nay phải thuê căn nhà chưa đầy 20 m2 để trọ. Được bố mẹ để lại cho lô đất tái định cư nhưng không thể vào ở, vợ chồng chị cùng 2 cô con gái buộc phải thuê lại nhà của người họ hàng. Hai con gái nay đã lớn, sinh hoạt hàng ngày gặp nhiều bất tiện.

Dân khóc ròng vì chính quyền “giao đất trên giấy”

Chỉ vào khu nhà tôn lụp xụp, ông Nguyễn Văn Long (65 tuổi, trú tại phường Phương Liên - người nhận ủy quyền của hộ ông Đào Danh Hoàn) bức xúc: “Hơn 330 m2 đất thuộc ô đất tái định cư số 3 của 6 hộ dân bị người khác chiếm dụng, dựng nhà cho thuê mà chính quyền không thể giải phóng mặt bằng, trả đất cho chúng tôi. Các hộ dân phải thuê nhà ở trọ, cầm quyết định giao đất rồi nhưng thực tế có được nhận đất đâu!”.

Tại khu đất này, theo quan sát của PV Dân trí, những dãy nhà mái tôn mọc lên san sát nhau, lụp xụp, tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ. Một số nhà được xây tường kiên cố, lợp mái tôn. Có nhà được sử dụng làm nơi buôn bán vật liệu xây dựng. Lòng đường, vỉa hè bị chiếm dụng làm nơi tập kết gạch, đá, gây mất vệ sinh môi trường.

Bên cạnh ô đất dựng các nhà tôn, nhiều nhà cao tầng mọc lên. Đó nhà là của các hộ dân may mắn bốc thăm vào ô “đất sạch”, không bị người khác “nhảy dù”.

Khu đất tái định cư bị người khác "nhảy dù", chiếm dụng.

Theo tìm hiểu của PV Dân trí, dự án cải tạo hồ Ba Mẫu được đầu tư cải tạo từ năm 1990 nhưng mới chỉ thi công được một số hạng mục. Do gặp nhiều vướng mắc trong quá trình thực hiện, nên dự án “đắp chiếu” 20 năm. Đến năm 2010, Hà Nội đã phê duyệt quy hoạch điều chỉnh dự án, đổi tên thành dự án “Xây dựng, hoàn thiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật khu công viên hồ Ba Mẫu”.

Ngày 13/9/2011, dự án được khởi công. Quá trình thu hồi đất phục vụ dự án, 14 hộ dân thuộc phường Phương Liên và Trung Phụng được bố trí tái định cư tại chỗ. Dù đã được bốc thăm nhận vị trí, thậm chí nhận quyết định giao đất tái định cư nhưng đến nay, trong khi các hộ khác đã có nhà cao cửa rộng, 6 hộ dân vẫn phải “đứng nhìn” ô đất của mình bị người khác “nhảy dù”, chiếm dụng.

Thậm chí, hơn 2 năm nay, tiền hỗ trợ tạm cư cho các hộ cũng bị cắt mà không có thông báo nào tới các hộ. Người dân nhiều lần kiến nghị đến UBND quận Đống Đa cũng như TP Hà Nội nhưng đến nay sự việc vẫn chưa được giải quyết.

Trả lời về vấn đề này, trong một công văn hồi tháng 6/2018 do Phó Chủ tịch UBND quận Đống Đa Nguyễn Hoàng Giáp ký, UBND quận Đống Đa cho biết đã… chỉ đạo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình cấp nước, thoát nước và môi trường TP Hà Nội chi trả tiền tạm cư cho các hộ. Song, sau chỉ đạo đó, người dân vẫn chưa nhận được thêm một tháng tiền hỗ trợ tạm cư nào.

Các ban, ngành của TP Hà Nội đã nhiều lần chỉ đạo UBND quận Đống Đa giải quyết dứt điểm vụ việc. Gần đây nhất, Ban tiếp công dân Thành phố có công văn gửi Chủ tịch UBND quận Đống Đa, “gia hạn” giải quyết đến ngày 30/11/2018. Tuy nhiên, không biết đến khi nào người dân mới được nhận lô đất của gia đình mình.

DiaOcOnline.vn - Theo Dân Trí