Top

Góc nhìn bất động sản 2014: Hồi sinh hay đổ vỡ!

Cập nhật 05/02/2014 08:09

Trong con mắt các chuyên gia, thị trường bất động sản năm 2014 vẫn chưa thể thoát ra khỏi khó khăn nếu không muốn nói đến khả năng đổ vỡ. Tuy nhiên vẫn còn nhiều cái nhìn rất lạc quan về viễn cảnh BĐS trong vài năm tới.


Năm củng cố lòng tin

Ông Lê Chí Hiếu - Phó chủ tịch Hiệp hội BĐS TPHCM


Ông Lê Chí Hiếu - Phó chủ tịch Hiệp hội BĐS TPHCM, Chủ tịch Thuduc House (HOSE: TDH) cho rằng năm 2014 là năm mà lòng tin về thị trường bất động sản (BĐS) được củng cố và đến năm 2015 thị trường mới cho tín hiệu cải thiện trên diện rộng.

“Trong những năm sắp tới thị trường sẽ không thể quay lại thời điểm đỉnh cao và bùng nổ như giai đoạn 2005-2007 nữa mà thay vào đó là sự tăng trưởng chậm nhưng ổn định và vững chắc hơn. Năm 2014 thị trường vẫn sẽ trong giai đoạn ổn định và củng cố niềm tin sau khủng hoảng do đó chưa thể xuất hiện xu hướng tăng trưởng rõ ràng”, ông Hiếu chia sẻ.

Ông Hiếu còn nhấn mạnh: “Trong năm 2014 thị trường sẽ tiếp tục “thay máu” mạnh với các thương vụ mua bán, chuyển nhượng, M&A dự án lớn như trong năm 2013; mặt bằng giá sẽ không giảm nữa nhưng có sự cạnh tranh rất lớn trong phân khúc căn hộ trung bình và bình dân”.

Ông Lương Trí Thìn - Chủ tịch Tập đoàn Đất Xanh (HOSE: DXG)


Chủ tịch Tập đoàn Đất Xanh (HOSE: DXG) – ông Lương Trí Thìn có cái nhìn lạc quan hơn về thị trường BĐS 2014 khi cho rằng “những khó khăn của năm 2014 sẽ giảm 60-70% so với năm 2013”.

Theo ông Thìn, có 3 yếu tố hỗ trợ cho thị trường BĐS năm 2014, đó là sự xuất hiện giao dịch ở phân khúc khá và cao cấp, nguồn cung tiền từ các ngân hàng và bất động sản đã về giá trị thực.

Chủ tịch Tập đoàn Đất Xanh cho rằng năm 2014 là cơ hội cuối cùng để người dân, khách hàng sở hữu căn hộ của mình vì đây là năm cuối cùng thị trường BĐS còn sản phẩm để họ lựa chọn và hầu hết các ngân hàng đều sẵn sàng cho vay.

Bà Nguyễn Vũ Ngọc Trinh - Tổng giám đốc Quản lý quỹ Manulife Việt Nam


Bà Nguyễn Vũ Ngọc Trinh - TGĐ kiêm Giám đốc điều hành Đầu tư của Công ty TNHH Quản lý quỹ Manulife Việt Nam cho rằng thị trường BĐS năm 2014 sẽ không có nhiều biến động lớn.

“Tôi không kỳ vọng thị trường bất động sản sẽ có nhiều chuyển biến lớn trong năm 2014 khi mà chúng ta vẫn còn đang trong quá trình xử lý nợ xấu bất động sản tồn đọng và quá trình này sẽ cần ít nhất vài năm nữa để đạt được kết quả như mong đợi”, bà Trinh nhìn nhận.

TS. Alan Phạm - Kinh tế trưởng Tập đoàn VinaCapital


TS. Alan Phạm - Kinh tế trưởng Tập đoàn VinaCapital đồng ý là thị trường BĐS đã bắt đầu ấm lên nhưng không phải là kênh đầu tư sinh lợi tốt trong năm 2014.

Ông chia sẻ: “Đối với bất động sản, thị trường đã bắt đầu ấm lên nhưng chưa phải thời kỳ mang lại lợi nhuận cao. Đến năm 2015-2016 thì mới hi vọng thị trường bất động sản có thể phát triển."

Về gói bất động sản 30,000 tỷ, TS Alan Phạm cho rằng là một chính sách đúng hướng nhưng chưa hoàn chỉnh. Bởi ngay khi nó được ban hành thì dường như NHNN chưa lường trước được những cản trở khiến việc vận hành chậm hơn. Ví dụ như thủ tục hành chính quá rườm rà làm cho người mua nhà khó tiếp cận vốn. Vấn đề nữa là nguồn cung của căn hộ xã hội cũng không đủ so với lực cầu.

Những nhận định "khắc tinh" của bất động sản

Trái với những ý kiến trên, TS. Alan Phan hay Phó Giám đốc Địa ốc Đất Lành – ông Nguyễn Văn Đực có thể được xem như “khắc tinh” của thị trường BĐS năm 2014 với những đánh giá tiêu cực đối với kênh đầu tư này.

TS. Alan Phan


Theo TS. Alan Phan, khả năng hồi phục của thị trường BĐS năm 2014 là khá mơ hồ và giá cả chưa phù hợp. “Thực sự thì đến thời điểm này tôi vẫn thấy giá bất động sản chưa phù hợp với giá thị trường, nên cần phải làm thế nào để giá phải xuống thấp hơn nữa mới tiêu thụ được. Nó cũng không phải là bài toán gì to tát quá mức không thể giải được. Tôi không quan tâm đến đáy hay không đáy. Giá thị trường có thể đi ngang, đi lên hoặc đi xuống. Quan trọng là thu nhập của người dân như thế nào, để lúc nào đấy hai yếu tố này gặp nhau, tức thì thị trường sẽ chuyển động”, vị TS này nhìn nhận trong một bài phỏng vấn cuối năm của VNEconomy.

Trước đó, TS. Alan Phan đã gây “sốc” nặng với tất cả những ai quan tâm đến thị trường BĐS khi tuyên bố “nên để thị trường BĐS rơi tự do” hay “gói 30,000 tỷ đồng là một chiêu PR”. Theo ông, thị trường bất động sản sẽ phải đổ vỡ ở đâu đó để trả giá cho những sai lầm mà nó đã phạm phải trước đó.

Ông Nguyễn Văn Đực - Phó Tổng giám đốc Địa ốc Đất Lành


Cũng vào giữa năm 2013, ông Nguyễn Văn Đực - Phó Tổng giám đốc Công ty Địa ốc Đất Lành, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM - ra lời cảnh báo cho thị trường khi cho rằng “BĐS chỉ mới bắt đầu đổ vỡ” mà nguyên nhân xuất phát từ tồn kho, nợ xấu, định hướng sai hay là do chính các doanh nghiệp trong ngành quá tham lãi…

Nói về BĐS 2014 trong một bài phỏng vấn cùng Một Thế Giới gần đây, ông Đực cho rằng “sẽ là một năm vô cùng khốc liệt” và “doanh nghiệp bất động sản nào bán được nhà may ra có cơ hội sống sót, không bán được thì chắc chắn sẽ chết”.

Theo ông Đực, phân khúc cao cấp sẽ diễn ra đổ vỡ nhanh và mạnh, ngay trong năm nay chúng ta đã có thể thấy được sự đổ vỡ ở phân khúc này. Phân khúc nhà ở trung bình cũng sẽ có sự cạnh tranh khốc liệt. Phân khúc nhà ở phù hợp với người có thu nhập dưới hoặc bằng 15 triệu đồng/tháng có cơ may tồn tại, nhưng cần phải nói là sản phẩm như thế hiện nay có rất ít hoặc không có do vướng mắc về thủ tục.

DiaOcOnline.vn - Theo Công lý