Top

Gỡ “nút thắt” trong cấp sổ đỏ

Cập nhật 04/05/2013 10:47

Trong năm 2013, UBND TP Hà Nội yêu cầu các quận, huyện, thị xã phải đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu cuối năm hoàn thành cơ bản việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền trên đất (sổ đỏ) lần đầu cho các hộ gia đình, cá nhân đủ điều kiện trên địa bàn Hà Nội.

Để tháo gỡ khó khăn trong vấn đề này, TP đã ban hành quy định mới với các thủ tục thông thoáng, dễ tiếp cận hơn so với trước đây.

Đất không giấy tờ vẫn xét cấp sổ đỏ

Theo quy định mới vừa được UBND TP Hà Nội ban hành, từ hôm nay (4/5), hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất (từ ngày 15/10/1993 đến trước 1/7/2004) không có giấy tờ vẫn được xem xét cấp sổ đỏ. Tuy nhiên, đất đó phải được xác nhận không có tranh chấp, phù hợp với quy hoạch. Các trường hợp được cấp sổ đỏ sẽ phải nộp tiền sử dụng đất theo quy định. Tương tự, cán bộ, công nhân viên được cơ quan, tổ chức giao đất làm nhà ở trước ngày 1/7/2004 cũng được xem xét cấp sổ đỏ. Nếu trên đất đó đã xây dựng nhà ở kiên cố và vi phạm quy hoạch, UBND quận, huyện sẽ xem xét từng trường hợp cụ thể. Nếu đảm bảo về phòng cháy, chữa cháy, giao thông... sẽ được phép cấp sổ đỏ (nhưng không được vi phạm chỉ giới đường đỏ). Hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất do UBND phường, xã, thị trấn, HTX nông nghiệp giao làm nhà ở không đúng thẩm quyền trước 1/7/2004, nếu phù hợp quy hoạch và đủ điều kiện cũng được cấp sổ đỏ. Đối với đất sử dụng từ 1/7/2004 trở về sau mà không có giấy tờ, UBND TP nêu rõ: "Nhà nước không công nhận quyền sử dụng đất, không cấp sổ đỏ và thu hồi toàn bộ diện tích đất do lấn chiếm và đất được giao, cho thuê không đúng thẩm quyền hoặc chuyển đổi mục đích trái pháp luật kể từ ngày 1/7/2004 trở về sau". TP giao UBND quận, huyện có trách nhiệm lập hồ sơ thu hồi toàn bộ theo thẩm quyền.

Quy định mới cũng thoáng hơn nhiều khi cho phép cấp sổ đỏ cho các trường hợp sử dụng đất nằm trong hành lang bảo vệ an toàn công trình công cộng. Tuy nhiên, trên sổ đỏ sẽ ghi rõ "đất nằm trong hành lang bảo vệ an toàn công trình công cộng". Ngoài ra, nhằm ngăn chặn nạn nhũng nhiễu, vòi vĩnh của cán bộ có trách nhiệm khi làm thủ tục cấp sổ đỏ cho dân, UBND TP giao Sở TN&MT thanh tra, kiểm tra, phát hiện và đề xuất xử lý những cán bộ, công chức vi phạm.

Người dân kê khai thủ tục cấp sổ đỏ tại quận Cầu Giấy. Ảnh: Đức Giang

"Mở cửa" cho người nước ngoài mua nhà

Theo thống kê của Bộ TN&MT, tính đến tháng 2/2013, cả nước chỉ có 427 trường hợp người Việt Nam định cư ở nước ngoài, cá nhân nước ngoài sở hữu nhà tại Việt Nam. Theo quy định, người nước ngoài mua nhà và sở hữu nhà tại Việt Nam chỉ mới dừng ở mức thí điểm. Chính sách về việc cho người nước ngoài mua nhà đang khiến cho nhiều người có đủ tiềm lực tài chính nhưng vẫn khó tiếp cận được với các sản phẩm nhà ở. Cụ thể, việc quy định người nước ngoài chỉ được phép thuê dài hạn, mà không được phép sở hữu nhà. Còn đối với những người đủ điều kiện để mua, sẽ chỉ được ở, không được cho thuê lại.

Tuy nhiên, với quy định mới của UBND TP Hà Nội, từ ngày 4/5, người nước ngoài đáp ứng đủ điều kiện, đóng đủ nghĩa vụ tài chính sẽ được cấp sổ đỏ. Sổ đỏ được cấp theo từng thửa đất. Nếu thửa đất do nhiều người sử dụng, nhiều chủ sở hữu nhà ở thì sổ đỏ được cấp cho từng người, còn quyền sử dụng đất là chung. Đối với hộ gia đình, cá nhân người Việt Nam đang định cư ở nước ngoài thuộc diện được sở hữu nhà trong nước thì nộp hồ sơ và nhận sổ đỏ tại UBND phường, xã, thị trấn, nơi có đất, tài sản gắn liền với đất. UBND xã phường sẽ gửi hồ sơ cho Phòng TN&MT cấp huyện trong thời gian không quá 15 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ.

Chủ sở hữu là người nước ngoài thì nộp hồ sơ tại Văn phòng đăng ký đất đai Hà Nội. Trường hợp người sử dụng đất, sở hữu tài sản gắn liền với đất ủy quyền cho người khác nộp hồ sơ đề nghị cấp sổ đỏ phải có văn bản ủy quyền. TP cũng nêu rõ một số loại đất sẽ không được cấp sổ đỏ như: đất do Nhà nước giao, đất nông nghiệp, đất sân vườn, đất công cộng, đất thuộc vùng thu hồi…

Để khuyến khích người dân làm thủ tục cấp sổ đỏ, UBND TP Hà Nội cho phép ghi nợ tiền lệ phí trước bạ nếu người sử dụng đất chưa có khả năng tài chính. Khi muốn chuyển nhượng nhà đất, người dân phải nộp đủ số lệ phí còn nợ. UBND TP cũng quy định cho phép ghi nợ tiền sử dụng đất khi cấp sổ đỏ đối với hộ nghèo và hộ dân tộc ít người. Khi thanh toán nợ, người dân được trả dần trong thời gian tối đa là 5 năm. Khi muốn thực hiện các giao dịch (mua bán, cho thuê...), người dân phải nộp cho Nhà nước số tiền còn nợ. Cơ quan có thẩm quyền có trách nhiệm xóa số tiền nợ đã ghi trên sổ đỏ. Đặc biệt, các giao dịch đối với đất có sổ đỏ còn ghi nợ sẽ không có giá trị pháp lý.


DiaOcOnline.vn - Theo Kinh Tế Đô Thị