“Gỡ khó” cho nhà tái định cư (Kỳ I): Khủng hoảng... thừa

Cập nhật 12/07/2018 14:09

Hà Nội đầu tư khoảng 2.000 tỷ đồng/năm để xây dựng nhà tái định cư, trong khi thành phố đang có gần 2.000 căn nhà tái định cư xây xong nhưng người dân chưa đến nhận.

Đầu năm 2018, giới xây dựng Hà Nội được phen “xôn xao” khi chủ đầu tư dự án nhà tái định cư Sài Đồng xin đập bỏ 3 tòa nhà với hơn 150 căn hộ tái định cư bỏ hoang khi thực hiện dự án giải phóng mặt bằng mở rộng tuyến phố Sài Đồng nằm trong khu đô thị Sài Đồng (quận Long Biên, Hà Nội).

Khu tái định cư Nam Trung Yên (Cầu Giấy - Hà Nội)

Bất cập nhà ở tái định cư

Tại Hội nghị tiếp xúc cử tri của đoàn Đại biểu Quốc hội TP Hà Nội mới đây, nhiều cử tri là cư dân đang sinh sống tại các khu chung cư tái định cư cho rằng, họ đã bàn giao nhà cửa, đất đai để nhà nước thực hiện các dự án, nhưng khi chuyển về sinh sống tại các khu nhà tái định cư thì chất lượng rất thấp, nảy sinh nhiều bất cập.

Cụ thể, hiện nhiều khu chung cư đã xuống cấp, các hệ thống điện nước, thang máy thường xuyên bị hư hỏng, trong khi ban quản lý tòa nhà lại không khắc phục kịp thời. Các cử tri cũng bày tỏ bức xúc các vấn đề như chậm thành lập ban quản trị, không minh bạch trong sử dụng diện tích tầng 1 mà cho thuê “tùm lum”… ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người dân.

Trong văn bản gửi UBND TP. Hà Nội, Thanh tra chuyên ngành Sở Xây dựng Hà Nội đã phát hiện hàng loạt sai phạm trong công tác quản lý sử dụng nhà tái định cư.

Đơn cử, tại Khu đô thị Nam Trung Yên (quận Cầu Giấy), Cty quản lý và phát triển nhà Hà Nội phải bàn giao nguyên trạng 18 tòa chung cư với 2.204 căn hộ cho Tcty Đầu tư và Phát triển nhà Hà Nội để quản lý, vận hành theo quy định. Tuy nhiên, Cty này còn giữ lại 321 căn hộ. Chưa kể, Cty đã bố trí cho người vào ở khi chưa hoàn tất các thủ tục theo quy định với 321 căn hộ. Trong đó, có 259 căn có quyết định bán nhà nhưng chưa nộp tiền; 62 căn hộ chưa có quyết định bán nhà.

Tương tự, tại Khu đô thị Thành phố giao lưu (quận Bắc Từ Liêm), Cty Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội nhận bàn giao 3 tòa nhà tái định cư gồm 556 căn hộ từ tháng 9/2014. Dù chưa hoàn tất thủ tục theo quy định, nhưng Cty đã bố trí cho người vào ở tại 100 căn hộ.

Chính việc sử dụng lập lờ quỹ nhà ở tái định cư đã khiến nguyên lãnh đạo Cty Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội bị bắt để điều tra.

“Lối mòn” của cơ chế cũ

Trao đổi với DĐDN, lãnh đạo Sở Xây dựng Hà Nội thừa nhận, việc tạo ra hàng loạt các dự án hoang phí này không phải là lỗi của một đơn vị mà rất nhiều sở, ngành, quận - huyện cùng cho ý kiến. “Chúng tôi cũng lường trước tình huống nhưng mục đích chính vẫn là giãn dân thôi" - vị lãnh đạo Sở Xây dựng Hà Nội cho biết.

Ông Nguyễn Thế Điệp - Chủ tịch HĐQT CTCP Đầu tư Reenco Sông Hồng thừa nhận, theo luật và chủ trương chính sách nhà ở tái định cư, nhà ở mới phải có điều kiện tốt hơn nhà ở cũ. Tuy nhiên, nhìn lại hệ thống nhà tái định cư từ trước đến nay thì chưa dự án nào đáp ứng được yêu cầu đó bởi chúng ta đang chạy theo “lối mòn” cơ chế cũ là người dân không có quyền tham gia góp ý.

“Nhà nước giao cho một số doanh nghiệp xây, sau đó bàn giao lại cho chính quyền địa phương và áp đặt người dân vào ở. Vậy những người đã sống bao nhiêu năm bằng kinh doanh trên mảnh đất cũ, giờ chuyển đến những căn hộ trên các tầng cao, họ sẽ mưu sinh thế nào? Hay một đứa trẻ đang học ở trường công giữa trung tâm, nay chuyển về nơi ở mới phải lặn lội cả chục km để đi học? Có dự án, một thang máy hỏng mà mấy nơi "đá bóng" trách nhiệm, bao nhiêu tháng trời không được sửa chữa… Đây là những nguyên nhân khiến người dân “ngán” nhà ở tái định cư”, ông Điệp cho biết.

Để người dân không “quay lưng” với nhà ở tái định cư, ông Điệp đề xuất nhà tái định cư cần được “đối xử” như nhà thương mại. Người dân có quyền được chọn căn, chọn tầng, chọn địa điểm, được tạo công ăn việc làm, được nhận cam kết của chủ đầu tư chịu trách nhiệm đến cùng.

Bên cạnh đó, việc hỗ trợ tái định cư theo quy định hiện hành có thể áp dụng theo hình thức bằng tiền nếu người sử dụng đất có thể tự lo được chỗ ở. Trường hợp không tự lo được chỗ ở và có nhu cầu thì chủ đầu tư dự án bắt buộc phải xây dựng nhà ở để bố trí tái định cư. Do vậy cần nêu trước vấn đề cho người dân lựa chọn hoặc nhận tiền đền bù, hoặc nhận nhà tái định cư để tránh tình trạng thừa thiếu nhà ở tái định cư.

Ngoài ra, cần phải tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát của các cơ quan chuyên ngành, vướng ở đâu gỡ ở đó. “Khi cái gốc của vấn đề được tháo gỡ thì đời sống của người dân sẽ được nâng lên” – ông Điệp khẳng định.

DiaOcOnline.vn - Theo DĐDN