Top

Giá nhà thu nhập thấp sẽ giảm khoảng 12%

Cập nhật 20/05/2012 08:25

Các chủ đầu tư nhà ở thu nhập thấp, nhà ở cho công nhân tính toán, nếu được vay vốn với lãi suất rẻ, giá nhà thu nhập thấp sẽ giảm khoảng 10-12%.

Là một doanh nghiệp (DN) kinh doanh bất động sản bị lao đao với lãi suất cao đã khiến vị Tổng giám đốc Công ty CP Đức Khải (TPHCM) tỏ ra khá mỏi mệt, vì mang tiếng là triển khai các dự án nhà ở xã hội, nhà thu nhập thấp nhưng mức lãi suất mà DN ông đi vay ngân hàng (NH) luôn bằng lãi vay thương mại, trên 19%/năm.

“Hiện mức lãi suất mà chúng tôi phải vay cho dù là dự án nhà thu nhập thấp đi nữa cũng từ 19,5-20,5%/năm” – ông Phạm Ngọc Lâm – Tổng giám đốc Công ty Đức Khải cho biết. Ông Đàm Quang Tuấn - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đức Mạnh (Đà Nẵng), thì mong mỏi, ngoài hỗ trợ lãi suất cho chủ đầu tư nhà thu nhập thấp thì Nhà nước nên hỗ trợ lãi suất cho người mua nhà để làm sao giá nhà thu nhập thấp giảm xuống dưới 10 triệu đồng/m2 là tốt nhất.


Giá nhà thu nhập thấp hiện vẫn còn quá cao với người có thu nhập thấp

Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam, thời gian qua, cả chủ đầu tư và người dân không mặn mà với nhà thu nhập thấp. Chủ đầu tư dù được vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng Phát triển nhưng do vướng huy động vốn nên ngân hàng (NH) cũng mới chỉ giải ngân được vài trăm tỉ đồng.

Khó khăn về vốn buộc các chủ đầu tư phải vay từ NH thương mại với lãi suất cao, cộng với khó khăn trong đền bù giải phóng mặt bằng… khiến nhiều dự án nhà ở thu nhập thấp không hoàn thiện đúng tiến độ, công nhân lao động mất việc do công trình ngưng trệ. Giá thành nhà vì thế mà bị đẩy lên cao so với túi tiền của người lao động.

Nhưng với chương trình cấp tín dụng trị giá 2.000 tỉ đồng cho dự án nhà ở thu nhập thấp và nhà ở cho công nhân vừa được NH TM Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) ký với Bộ Xây dựng, ông Nam kỳ vọng sẽ giúp các chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện dự án, đồng thời kéo giá thành căn hộ nhà thu nhập thấp xuống thấp hơn nữa.

Còn với mức lãi suất vay rất ưu đãi mà BIDV đưa ra là 14,4%/năm (bằng với lãi suất của Ngân hàng Phát triển Việt Nam), thủ tục giải ngân nhanh, ông Lâm kỳ vọng sẽ giúp DN ông tiết kiệm được chi phí từ 16-18%. Điều này đồng nghĩa giá căn hộ khi hoàn thành cũng sẽ giảm nhiệt.

Theo đó, ông Lâm tính toán, mức giảm giá thành sản phẩm cho sản phẩm của Công ty Đức Khải lên tới 10-12%/căn hộ. “Mức giá hiện tại mà Đức Khải bán cho TPHCM từ 9,1-9,5 triệu đồng/m2/căn hộ. Nếu giảm tiếp 10-12% thì cơ hội tiếp cận mua được nhà của công nhân, người lao động sẽ nhiều hơn” – tổng giám đốc Đức Khải tự tin nói.

Theo tính toán của Bộ Xây dựng, với gói tín dụng 2.000 tỉ đồng sẽ có khoảng 15-20 dự án xây dựng nhà thu nhập thấp được “rót” vốn trong 2 năm tới. “Với gói tín dụng này, dự án được giải ngân tối đa là 400 tỉ đồng và tối thiểu là 100 tỉ đồng/dự án, nhưng cũng sẽ không triển khai một cách đồng loạt mà sẽ làm cuốn chiếu dần dần” – Thứ trưởng Nam khẳng định.

Cùng với đó, một loạt những rào cản về tài sản thế chấp vay vốn của DN cũng sẽ được “gạt” bỏ. Tuy nhiên, do nguồn vốn hạn chế nên những đối tượng được xét vay trong chương trình này sẽ là những dự án có đất sạch, dự án tại khu vực đô thị và nhà ở công nhân khu công nghiệp theo quy định của Chính phủ đang thi công dở dang nhưng thiếu vốn, có khả năng hoàn thành trong năm 2013; dự án đã hoàn thành công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, đã hoàn thành thủ tục đầu tư theo quy định…

Ngoài ra, một hướng mở khác mà Bộ Xây dựng đang tính tới để kích cầu mảng thị trường nhà ở thu nhập thấp, nhà ở cho công nhân là xem xét mở rộng đối tượng được ưu đãi mua nhà thu nhập thấp. Theo đó, những người đang ở dưới 10 m2 tính trên đầu người cũng được mua nhà. Thay vì thời gian được phép chuyển nhượng kéo dài 10 năm theo luật định, thì nhiều khả năng chỉ sau 5-7 năm nhà thu nhập thấp có thể được phép giao dịch trên thị trường. Đối với nhà ở công nhân, thay vì chỉ được cho thuê như hiện nay, Bộ cũng xem xét để cho phép được bán, giao dịch trên thị trường.

Tuy nhiên, để cứu thị trường bất động sản nói chung, nhà ở thu nhập thấp thoát “đáy”, ông Trần Bắc Hà – Chủ tịch HĐQT BIDV, cho rằng cần nhiều hơn sự vào cuộc của các NHTM. “Có lẽ các NHTM cũng cần phải hy sinh vì trong hoạt động kinh doanh có nhiều dịch vụ, nghiệp vụ kinh doanh nhưng không nhất thiết cái gì cũng cần hiệu suất kinh doanh cao” – ông Hà lên tiếng.
 
DiaOcOnline.vn- Theo Infonet