Top

Giá nhà đua nhau phi mã vì ‘kẹt’ nguồn cung

Cập nhật 13/11/2019 09:15

Giá nhà, đất, căn hộ tại TP.HCM đều tăng cao hơn so với nhiều thị trường, kể cả Hà Nội.

Nguồn cung bất động sản vẫn chưa có dấu hiệu tăng nhiệt trong suốt năm 2019. Ảnh minh họa: Q.HUY

Khó khăn lớn nhất của thị trường bất động sản (BĐS) hiện nay là nhiều dự án nhà ở bị ách tắc, “đứng hình”, dẫn đến tình trạng thiếu nguồn cung sản phẩm, đặc biệt là các căn hộ nhà ở thương mại có giá bán vừa túi tiền. Tình trạng mất cân bằng cung-cầu kéo dài quá lâu khiến giới chuyên gia lo ngại xảy ra tình trạng đầu cơ, đẩy giá lên đỉnh.

Nguồn cung giảm, giá được đà tăng

Theo báo cáo của Hiệp hội BĐS TP.HCM (HoREA), chín tháng đầu năm 2019, thị trường BĐS TP tiếp tục xu thế sụt giảm, chỉ có một dự án nhà ở được chấp thuận chủ trương đầu tư, giảm khoảng 83%; không có dự án nhà ở nào được công nhận chủ đầu tư.

Sự sụt giảm nguồn cung kéo dài khiến giá căn hộ chung cư, giá nhà, đất trong năm được đà tăng không ngừng. Theo kênh thông tin mua bán batdongsan.com.vn, trong quý III-2019, mức giá rao bán chung cư trung bình ở Hà Nội khoảng 29 triệu đồng/m2, tăng 3,9% so với năm 2018 nhưng tại TP.HCM, mức giá trung bình đạt 37 triệu đồng/m2, tốc độ tăng giá lên đến 12%.

Số liệu của đơn vị nghiên cứu và tư vấn BĐS CBRE Việt Nam cũng cho thấy giá trung bình của căn hộ tại thị trường TP tăng trưởng mạnh mẽ. Giá bán căn hộ tăng tại tất cả dự án chào bán trong quý và các sản phẩm còn lại trên thị trường. Khu vực quận 2 và quận 9 ghi nhận mức tăng giá cao nhất 5%-10%.

Bên cạnh phân khúc chung cư thì nhà riêng và nhà mặt phố tại TP.HCM cũng có tốc độ tăng giá trung bình cao hơn Hà Nội. Với phân khúc nhà riêng, tốc độ tăng giá trung bình tại TP lên tới 26% trong khi tại Hà Nội chỉ khoảng 10%; nhà mặt phố tại TP tăng 12,6% thì tại Hà Nội chỉ tăng giá 7,6%.

Cần minh bạch thị trường

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cho rằng việc rà soát dự án BĐS từ cơ quan chính quyền sẽ khiến nguồn cung dự án giảm nhưng mặt tích cực là sàng lọc dự án có đủ điều kiện, năng lực, pháp lý, quy hoạch… Khi đó nguồn cung ra thị trường sẽ chất lượng hơn, khách hàng giảm sự rủi ro và sẽ khó xảy ra tình trạng bong bóng. Tuy nhiên, rà soát không có nghĩa là đẻ thêm thủ tục, chồng chéo pháp lý khiến dự án bị ngâm bởi sẽ khiến hàng ngàn người chậm nhận được nhà.

Ông Hiếu cho rằng nếu thủ tục tiếp tục vướng mắc, xung đột pháp lý không được giải quyết, cơ quan quản lý không có hướng dẫn, tháo gỡ thì chắc chắn nguồn cung sẽ giảm theo hướng tiêu cực. Cung giảm trong khi nhu cầu nhà ở của người dân, nhất là tại TP.HCM ngày càng tăng sẽ khiến giá nhà đất, căn hộ chung cư tăng mạnh trong năm 2020.

“Công khai, minh bạch thủ tục pháp lý dự án, hướng dẫn cụ thể là những gì cơ quan chính quyền cần phải làm” - ông Hiếu nhấn mạnh.

Chủ tịch HoREA, ông Lê Hoàng Châu, lo ngại trước tình trạng sụt giảm quy mô thị trường BĐS TP. “Nhiều doanh nghiệp BĐS đang gặp khó, rủi ro rất lớn, thậm chí có doanh nghiệp đứng trước nguy cơ phá sản. Hệ quả là nguồn thu ngân sách nhà nước từ thị trường BĐS, từ tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, thuế cũng bị sụt giảm lớn. Giá nhà, đất tăng khiến người dân càng khó mua được nhà, khó thuê nhà, ảnh hưởng đến an sinh xã hội” - ông Châu nói.

Gần đây HoREA liên tục có văn bản kiến nghị tháo gỡ nhiều vướng mắc cho thị trường. Đơn cử như kiến nghị TP sớm báo cáo Chính phủ giải quyết vướng mắc đối với các dự án nhà ở thương mại có quỹ đất hỗn hợp; đề xuất TP chỉ đạo hoàn thiện quy trình, thủ tục xác định giá đất, thẩm định giá đất để rút ngắn thời gian làm thủ tục và đảm bảo kết quả tính tiền sử dụng đất hợp lý, không làm thất thoát ngân sách nhà nước. Cùng đó là cho phép chủ đầu tư dự án được khởi công xây dựng các công trình sau khi đã được cấp giấy phép xây dựng (hoặc miễn giấy phép xây dựng) và hội đủ điều kiện khởi công công trình.

Chủ tịch HoREA dự báo những tháng cuối năm 2019, thị trường BĐS TP sẽ sáng sủa hơn với sự vào cuộc của lãnh đạo TP. Mới đây TP đã có chủ trương gỡ vướng cho một số dự án để có thể bổ sung nguồn cung. Cộng thêm thời gian tới một số dự án quy mô lớn ở quận 9 và huyện Nhà Bè có thể được tung ra. Điều này sẽ làm dịu đi tình hình khó khăn hiện tại. Tuy nhiên, đây chỉ là điểm sáng nhỏ trong khi thị trường thì không thể phát triển đơn độc, vẫn cần có những cảnh báo về khó khăn, vướng mắc để các nhà hoạch định chính sách có sự điều chỉnh thích hợp.

Trong chín tháng qua, TP chỉ có 12 dự án được chấp thuận đầu tư, giảm khoảng 72%; chỉ có 24 dự án được cấp phép xây dựng, giảm khoảng 38%; có 32 dự án nhà ở hình thành trong tương lai đủ điều kiện huy động vốn, giảm hơn 58% so với cùng kỳ năm 2018. Cũng theo HoREA, số lượng dự án nhà ở hoàn thành tính đến hết tháng 9 cũng sụt giảm mạnh, chỉ có 17 dự án với 12.450 căn nhà.
 

DiaOcOnline.vn – Theo PLO