Top

Gặp ‘Tháng cô hồn’, căn hộ bị dìm giá thảm hại

Cập nhật 23/08/2013 08:26

Tháng bảy âm lịch luôn là nỗi ám ảnh với dân kinh doanh bất động sản (BĐS). Mặc dù hoạt động chào bán vẫn diễn ra rầm rộ nhưng không có giao dịch nào thành công, giá chung cư còn lao dốc thảm hại.

Rớt giá thê thảm

Đã thành lệ, tháng 7 âm lịch hàng năm được coi là tháng “cô hồn” của giới kinh doanh BĐS, ngay cả những dự án căn hộ giá rẻ đang được đánh giá “hot” trên thị trường cũng phải đối mặt với tình trạng èo uột. Khảo sát tại nhiều sàn BĐS trên địa bàn Hà Nội, chỉ lác đác vài dự án căn hộ giá rẻ mở bán nhưng cũng không hy vọng sẽ có nhiều giao dịch ngay mà là để đón đầu thị trường bởi khách hàng chỉ nghe ngóng, tìm hiểu thông tin và “né” giao dịch trong tháng này.

Sau thời gian dài trầm lắng, giá chung cư đã lao gốc thảm hại. Các chung cư giá rẻ được chào bán ở mức từ 11-15 triệu đồng/m2; chung cư bình dân trên dưới 20 triệu đồng/m2.

Đáng chú ý, nhiều dự án chung cư đang được bàn giao cho khách hàng nhưng lại được chào bán với mức giá thấp hơn gốc của chủ đầu tư hàng trăm triệu đồng. Đơn cử, dự án chung cư Dương Nội của Nam Cường tại Hà Đông đang được giao dịch với mức giá từ 13-15 triệu đồng/m2, thậm chí có người cắt lỗ rao bán chỉ 12 triệu đồng/m2. So với giá chủ đầu tư mở bán trước đây, không ít người mua nhà đã phải chịu lỗ vài trăm triệu đồng.

Tháng cô hồn, khách chỉ đến nghe ngóng tìm hiểu thông tin chứ không mua nhà (ảnh minh họa)

Chị Hạnh, một khách hàng của dự án này vừa mới bán căn hộ của mình vào tháng trước, lỗ gần 500 triệu đồng. Chị cho hay do gặp khó khăn về tài chính nên chị chấp nhận bán lỗ. Trước đó, chị đã phải xếp hàng mỗi ngày chờ chực chỉ mong mua được một căn hộ. Nam Cường mở bán đợt nào là người mua tranh nhau mua hết, tình trạng chen lấn, xô đẩy, tranh giành diễn ra ngay ở sàn giao dịch.

Thời điểm tháng 11/2010, khi thị trường bất động sản đang ở đỉnh cao, giới đầu tư “lướt sóng” thì bán ngay kiếm chênh lệch từ 50 đến 100 triệu/căn. Không ít người mua kỳ vọng, vọng giá cao lên đến 30-35 triệu/m2 rồi mới bán. Tuy nhiên, càng tới thời điểm chủ đầu tư bàn giao căn hộ, giá càng lao dốc thê thảm.

Thống kê các dự án chào bán trong thời gian gầy đây cho thấy, các chủ đầu tư đều đưa ra mức giá giảm so với những đợt mở bán trước đó, cộng thêm nhiều ưu đãi cho khách hàng. Dự án Hoà Bình Green City giá bán 20-22,5 triệu/m2, Hà Đô Park View Từ Liêm giá 22,5 triệu/m2, CT3B Cổ Nhuế của Nam Cường giá tối đa chỉ 23 triệu/m2, Sky Garden Định Công giá khoảng 17,1-18 triệu đồng/m2, Hạ Đình Tower giá khoảng 15,3 triệu đồng/m2 (chưa VAT), Westa Hà Đông giá bán trung bình là 17,9 triệu đồng/m2, CT2 Tân Tây Đô, Sails Tower, mức giá bán căn hộ trung bình 13,5 triệu/m2 (đã có VAT và nội thất cơ bản)...

Ở phân khúc căn hộ cao cấp, chủ đầu tư còn mạnh tay hơn khi đưa ra chương trình chỉ đóng 30% khách hàng có thể nhận được nhà, như dự án Hapulico tại Thanh Xuân, Hyundai Hillstate ở Hà Đông hay Indochina Plaza Hanoi ưu đãi lãi suất 0% tối đa 18 tháng.


Chim sợ cành cong

Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, trong 6 tháng đầu năm 2013, tình hình giao dịch căn hộ cao cấp, nhà thấp tầng, đất nền không có nhiều biến động. Tính đến tháng 6/2013, tổng số căn hộ, nhà ở tồn kho trên thị trường Hà Nội là 9.651, tương đương 17.060 tỷ đồng.

Còn báo cáo chỉ số chỉ số giá giao dịch bất động sản căn hộ chung cư quý II/2013 của Sở Xây dựng Hà Nội cho thấy, tất cả các loại căn hộ thuộc các phân khúc đều giảm mạnh so với thời điểm quý I/2011, đặc biệt là đối với chung cư trung cấp. Trong đó, quận Hà Đông là nơi có giá giảm mạnh nhất với 33%, tiếp đến là huyện Từ Liêm giảm 30%, Đống Đa 23%, Thanh Xuân 22% và khu vực giảm ít nhất là Cầu Giấy với 17%.

Riêng giá chung cư cao cấp quận Thanh Xuân giảm 17%, trong khi đó quận Cầu Giấy giảm 28%. Bên cạnh đó, quận Hoàng Mai có loại hình chung cư bình dân giảm đến 20%.

Ông Nguyễn Đình Trung, đại diện một công ty BĐS cho rằng, các nhà đầu tư đã trải qua các đợt sóng năm 2003, 2007 nên đã có nhiều kinh nghiệm hơn. Họ cũng như con chim sợ cành cây cong nên đang rất e dè, cẩn trọng. Điều đó là đúng bởi trước nay họ đã đầu tư với một số sai lầm như tham gia đầu tư theo số đông, tập trung đầu tư vào phân khúc cao cấp không phù hợp tình hình kinh tế và nhu cầu chung của thị trường.

Thị trường rất trông chờ gói tín dụng 30.000 tỷ nhưng hiện rất ít DN được hưởng ưu đãi này nên họ đã bình tĩnh trở lại. Một số DN tự xác định mình không thuộc đối tượng được vay nên chuẩn bị đưa ra giá cạnh tranh với những sản phẩm được hưởng ưu đãi. Một số DN có hệ thống sàn giao dịch lớn còn sắp tung ra một lượng sản phẩm với giá tốt, chỉ dưới 15 triệu đồng/m2.

“Tôi cho rằng lúc nào cũng có cơ hội cho các nhà đầu tư địa ốc nhưng phải xác định khu vực, vị trí địa lý, nhu cầu của thị trường và đừng đòi hỏi một độ tăng trưởng mạnh ngay trong ngắn hạn. Nhiều khi chúng ta phải xác định đầu tư là tích lũy để đón đầu cơ hội”, ông Trung nhận định.

Mở hội chợ để giải phóng hàng tồn?

Hiệp hội BĐS Việt Nam phối hợp các các đơn vị liên quan tổ chức hội chợ phiên giao dịch BĐS với chủ đề Nhà ở xã hội và nhà cho nhu cầu thực. Đây là hoạt động nhằm tạo cơ hội cho các DN giải phóng hàng tồn kho, tháo gỡ khó khăn. Dự kiến “phiên giao dịch” có quy mô khoảng 100 gian hàng gồm các dự án Nhà ở xã hội, nhà ở cho nhu cầu thực.


DiaOcOnline.vn - Theo Vietnamnet