Top

“Dự thảo sửa đổi Thông tư 36 sẽ giúp thị trường bất động sản phát triển tích cực”

Cập nhật 11/03/2016 15:28

Điều chỉnh Thông tư 36 để “nắn”, “chỉnh” dòng vốn ngân hàng vào bất động sản là một tín hiệu tích cực cho thị trường này.

Ảnh minh họa

Bên lề hội thảo “Triển vọng đầu tư 2016 – Sự trở lại của bất động sản” diễn ra tại TP.HCM ngày 9/3 do Kênh truyền hình FBNC tổ chức và Báo điện tử BizLIVE bảo trợ thông tin, các chuyên gia kinh tế, bất động sản, ngân hàng đã thông tin cho các nhà đầu tư, người dân những dự báo về thị trường bất động sản năm 2016, đặc biệt là sự ảnh hưởng của dự thảo sửa đổi Thông tư 36/2014/TT-NHNN sắp tới.

Nhiều doanh nghiệp bất động sản cũng thừa nhận đã quá phụ thuộc vào vốn vay từ ngân hàng, họ đồng tình với việc “nắn” dòng vốn từ ngân hàng vào thị trường bất động sản để giúp thị trường này phát triển bền vững.

Ông Lê Hữu Nghĩa, Tổng giám đốc công ty bất động sản Lê Thành cho biết: “Với tư cách cá nhân, tôi ủng hộ điều chỉnh Thông tư 36, quy định giảm tỷ lệ dùng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn từ 60% về 40% lâu dài sẽ ổn định nền kinh tế, và khi kinh tế vĩ mô ổn định thì lâu dài sẽ làm cho thị trường bất động sản tốt hơn trong tương lai. Tất nhiên trong ngắn hạn bất động sản sẽ bị ảnh hưởng.

Theo lộ trình dự kiến đến tháng 1/2017 thì quy định này mới có hiệu lực. Thời gian từ đây tới đó còn khoảng 10 tháng đủ cho các nhà đầu tư bất động sản và ngân hàng có thời gian điều chỉnh chính sách nên cũng không quá sốc. Điều này sẽ đào thải những doanh nghiệp bất động sản yếu kém, ngân hàng lúc đó cũng chọn lựa doanh nghiệp tốt để cho vay, từ đó hệ thống ngân hàng sẽ tốt hơn, thanh khoản tốt hơn.

Vấn đề Ngân hàng Nhà nước nâng hệ số rủi ro cho vay bất động sản từ 150% lên mức  250%, theo tôi ước tính sẽ nâng lãi suất cho vay ra sẽ tăng khoảng 1%. Đối với bất động sản, mức lãi suất cho vay từ 10%-12%/năm vẫn phù hợp.

Hiện nay, thị trường bất động sản đang rất tốt, có thể xảy ra hiện tượng sốt nóng, dự báo có thể bong bóng vào cuối 2017. Chính vì vậy, đây cũng là hồi chuông cảnh báo để các nhà lập dự án bất động sản phải xác định lại dự án của mình, phân khúc của mình có đúng nhu cầu đại đa số không, cũng là hồi chuông cảnh báo với những người kinh doanh mua đi bán lại, không phải cứ mua là lời, phải chọn kỹ các nhà đầu tư.

Các doanh nghiệp bất động sản cũng đang quá phụ thuộc vốn ngân hàng, mỗi lần có một sự cố xảy ra với ngân hàng là bất động sản sẽ “chết” lâm sàng.

Chúng ta có thể tận dụng các quỹ tín thác, quỹ đầu tư bất động sản, những quỹ này hiện chưa hoạt động tốt.

Theo ông Nguyễn Vĩnh Trân, Giám đốc Quỹ Jen Captial, dự thảo Thông tư 36 là tín hiệu tín hiệu tích cực, chúng ta sẽ không để thị trường bất động sản tăng trưởng quá nóng, nhưng cũng không nên dùng biện pháp quá mạnh khiến thị trường mới khởi động trở lại đã “xìu”.

"Tôi nghĩ thời gian tới số lượng nhà, căn hộ bán ra sẽ rất lớn. Từ năm 2012 – 2015 thị trường có thêm nhiều dự án mới nên đây là giai đoạn bán ra, nhưng đây cũng là lúc doanh nghiệp phải xem xét lại kế hoạch kinh doanh cho các năm tới. Đây cũng là thời điểm doanh nghiệp nên rộng mở đón nhận các nhà đầu tư từ bên ngoài. Vì theo tôi, Thông tư 36 'nắn' tín dụng vào bất động sản ảnh hưởng đầu tiên đến doanh nghiệp, sau đó mới đến người tiêu dùng", ông Trân cho biết.

Dưới góc độ của chuyên gia tài chính, ông Nguyễn Trí Hiếu cho biết, việc điều chỉnh Thông tư 36/2014/TT-NHNN liên quan đến hệ số rủi ro cho vay bất động sản không ảnh hưởng tới người mua nhà, chỉ tác động đến tín dụng cho vay kinh doanh bất động sản  như: vật liệu xây dựng, mua đi, bán lại …

Hiện tại, nhiều nhà đầu tư ngoại rất quan tâm đến sự tăng trưởng của thị trường bất động sản. Trước đó, khi Việt Nam đang tham gia Hiệp định đối tác chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP), Cộng đồng kinh tế chung ASEAN (AEC), nhiều nhà đầu tư ngoại đã kỳ vọng thị trường bất động sản sẽ nóng lên, do đó họ đã đổ tiền vào đón đầu. Hiện tại, TPP đã được ký, nhưng TPP chỉ có hiệu lực khi Quốc hội các nước thông qua, lúc đó các nước họp lại lần nữa để xác nhận thì TPP mới chính thức có hiệu lực.

Trên thị trường, các nhà phát triển bất động sản đang kéo nhau xây nhà bán cho người nước ngoài, cho công ty nước ngoài thuê, xây dựng các khu công nghiệp… đón đầu những cơ hội mà TPP sẽ đem lại.

Theo vị chuyên gia này, cơ hội từ TPP chắc sẽ không thể đến trong 02 năm tới. Vì vậy, cần phải đưa ra những tín hiệu trung thực nhất cho thị trường khi vào TPP, đặc biệt là bất động sản. Nếu hiện tại vốn ngoại đang đổ quá nhiều vào thị trường này từ ảnh hưởng của TPP cũng gây ra bất lợi cho bất động sản.

Về phía Ngân hàng Nhà nước, bà Nguyễn Thị Hồng, Phó Thống đốc cho biết, bức tranh kinh tế vĩ mô cuối năm 2015 đầu năm 2016 đã tươi sáng hơn rất nhiều so với trước. Các chỉ số về kinh tế như lạm phát được kiềm chế ở mức thấp dưới 1% năm 2015, GDP tăng 6,7% năm 2015, mức lãi suất cho vay về dưới 10%/năm so với mức đỉnh lên tới gần 40%/năm của năm 2011. Tỷ giá ổn định, dự trữ ngoại hối tăng cao, thanh khoản của các tổ chức tín dụng tốt, thị trường tiền tệ đã cơ bản ổn định.

Năm 2016, dù đối mặt nhiều thách thức từ kinh tế thế giới cộng với những yếu kém trong nội tại nền kinh tế, nhưng với mục tiêu kiên định về ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát, do vậy Ngân hàng Nhà nước sẽ điều hành theo hướng kết hợp đồng bộ các giải pháp, các chính sách đưa ra linh hoạt, đúng thời điểm và đúng liều lượng để ổn định thị trường.

Đối với các ngân hàng, tín hiệu từ Ngân hàng Nhà nước phát đi là mở rộng cho vay nhưng phải an toàn, hiệu quả. Hệ thống ngân hàng tiếp tục tái cơ cấu để nâng cao vai trò là trung gian tài chính trong nền kinh tế. Thông điệp gần đây nhất là dự thảo sửa đổi Thông tư 36 nhưng Ngân hàng Nhà nước sẽ cân nhắc thời điểm áp dụng Thông tư này.

DiaOcOnline.vn - Theo BizLIVE