Top

Đổi đất lấy hạ tầng đã “hết phép” với Hà Nội

Cập nhật 19/09/2014 14:01

TS. Nguyễn Minh Phong cho rằng, với nhu cầu vốn cho riêng hạ tầng lên tới hàng trăm tỷ USD chỉ trong vòng 20 năm tới, cơ chế đổi đất lấy hạ tầng sẽ không còn phù hợp với Hà Nội.

TS. Nguyễn Minh Phong, Chuyên gia kinh tế.

Giai đoạn đến năm 2030, Hà Nội cần khoảng 5,34 triệu tỷ đồng cho đầu tư phát triển hạ tầng. Bao gồm thực hiện 4 quy hoạch lớn: Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội Thành phố Hà Nội đến năm 2020, định hướng năm 2030; Quy hoạch Giao thông vận tải Hà Nội đến năm 2030 tầm nhìn 2050; Quy hoạch chi tiết đường vành đai 4 và đường vành đai 5 -  Vùng Thủ đô Hà Nội và Quy hoạch xử lý chất thải rắn thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn 2050.

Dễ tắc vốn vì áp lực quá lớn 

Theo thống kê Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tổng nhu cầu vốn đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng các dự án trên phạm vi cả nước theo quy hoạch cả giai đoạn 2011-2020 chỉ vào khoảng 6 triệu tỷ đồng.

Ước tính con số đó mới chỉ đáp ứng được khoảng 50% nhu cầu vốn đầu tư theo quy hoạch… Do vậy, số vốn hơn 5,3 triệu tỷ đồng cho đầu tư hạ tầng ở Hà Nội đích thực là bài toán khó giải trong bối cảnh hiện nay.

Theo TS. Nguyễn Minh Phong, Hà Nội cần đảm bảo thực hiện một số nguyên tắc trong việc giải bài toán vốn đầu tư cho các quy hoạch phát triển Thủ đô.

Về nguyên tắc, ông Phong cho rằng, nguồn vốn thực hiện quy hoạch cần được đa dạng hóa và huy động tổng hợp từ tất cả các nguồn lực, kết hợp hài hòa giữa cơ chế thị trường với hỗ trợ trực tiếp từ nguồn Ngân sách Nhà nước phù hợp với đặc điểm tính chất mỗi dự án cần đầu tư.

Theo đó, các nguồn vốn được kỳ vọng nhiều nhất là vốn ngân sách; phát hành trái phiếu Thủ đô, trái phiếu Chính phủ; vốn vay thương mại từ các ngân hàng và từ Quỹ hỗ trợ phát triển TP. Hà Nội; vốn vay ODA, vốn FDI.

Đồng thời, cũng cần tập trung huy động vốn thông qua các hình thức BOO, BOT, PPP, đổi đất lấy hạ tầng và một số nguồn lực khác.

Tuy nhiên, ông Phong nhìn nhận, trên thực tế, cơ chế đổi đất lấy hạ tầng chỉ phù hợp với dự án quy mô nhỏ, tầm nhìn ngắn hạn.

"Với nhu cầu vốn chỉ riêng cho hạ tầng trong vòng 20 năm tới ước tính đã lên tới cả trăm tỷ USD thì triển vọng giải pháp này là rất hạn chế", vị chuyên gia này nhận định.

Khá nhiều nguyên nhân được ông Phong đưa ra lý giải việc cơ chế đổi đất lấy hạ tầng đã hết phép với Hà Nội.

Cụ thể, do sự eo hẹp nguồn quỹ đất sạch dự trữ; Quy mô và tính thanh khoản của thị trường bất động sản Thủ đô; Nguy cơ gia tăng sự hoang phí, nạn đầu cơ, tham nhũng và bong bóng bất động sản.

Bên cạnh đó, áp lực căng thẳng xã hội toàn diện từ tình trạng người nông dân mất ruộng, thiếu việc làm và an ninh lương thực cũng khiến cơ chế này không khả thi.

Không những thế, các quy định pháp lý chung cũng hạn chế kênh huy động vốn qua đất đai như: Nghị quyết TW 26 về "Tam nông", Nghị quyết 63 của Chính phủ về đảm bảo an ninh lương thực quốc gia; Nghị quyết 49 của Quốc Hội khóa 12 về Dự án, công trình quan trọng quốc gia trình quốc hội chủ trương đầu tư...

Theo phân tích của ông Phong, nguồn vốn đầu tư từ Ngân sách nhà nước (NSNN) các cấp là cực kỳ hạn chế do hạn chế về nguồn thu trên địa bàn và cả trần tỷ lệ “ăn chia” giữa Ngân sách Trung ương với địa phương sẽ không quá 50:50.

Trong bối cảnh tổng nguồn thu NSNN hàng năm trong thời gian tới có lẽ chỉ tăng trên dưới khoảng 10 - 15% so với mức 162 nghìn tỷ đồng thực thu NSNN trên địa bàn Thủ đô cả năm 2013.

Mặt khác, huy động vốn từ trái phiếu Thủ đô cũng bị giới hạn bởi nguyên tắc tự chi trả bằng nguồn NSNN thành phố. Do đó không thể lạm phát hành để tạo tình trang nợ đọng NSNN kéo dài, thậm chí vỡ nợ.

Vốn huy động qua trái phiếu Chính phủ cũng không phải là dồi dào do bị giới hạn bởi trần nợ công chung cả nước và kế hoạch phát hành trái phiếu Chính phủ do Quốc hội phê duyệt; cũng như do phân cấp quản lý đầu tư công theo Luật Đầu tư công mới được thông qua.

Các hình thức huy động vốn đầu tư qua kênh khác như ODA, BOO, BOT cũng bị hạn chế về nguồn tự chi trả của NSNN các cấp thành phố...

Vốn FDI và PPP là chìa khóa

Ông Phong cho rằng, trong tất cả hình thức huy động vốn của Hà Nội hiện nay, rõ ràng, dòng vốn từ FDI và PPP có nhiều triển vọng khả thi hơn cả, nhất là theo tinh thần Luật Thủ đô đã có hiệu lực từ 1/7/2013.

Triển vọng thu hút vốn nhiều nhất qua các kênh này là các dự án trong các quy hoạch thuộc lĩnh vực phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế, văn hóa, xã hội có khả năng thu phí hoặc kêu gọi đầu tư để hoàn vốn, nhất là dự án khu công nghiệp, khu đô thị, nhà ở, trường học, bệnh viện, trung tâm thương mại, chợ và một số đường giao thông liên tỉnh, vùng…

Vị chuyên gia này cũng chỉ rõ 4 giải pháp góp phần huy động vốn tốt nhất cho các quy hoạch, bao gồm:

Thứ nhất, tận dụng tối đa hóa nguồn vốn đầu tư của ngân sách Nhà nước, cải thiện cán cân thu chi để tăng mức chi ngân sách cho đầu tư.

Ngân sách phải có tích luỹ và tích luỹ ngày càng tăng thì mới có thể góp phần nâng cao tỷ trọng tích lũy trong nước để đầu tư dài hạn cho phát triển kinh tế.

Tuy nhiên, cần  coi trọng giải quyết hài hòa về lợi ích kinh tế giữa Nhà nước, doanh nghiệp và xã hội khi ban hành các chính sách, chế độ động viên vào NSNN thông qua thuế và phí; đầu tư phát triển theo chiều sâu, giải phóng sức sản xuất xã hội, tạo và mở rộng nguồn thu lâu dài.

Do vậy, việc giảm chênh lệch giữa các mức thuế suất, giảm số lượng thuế suất; giảm dần các ưu đãi và miễn giảm thuế; mở rộng phạm vi, đối tượng nộp thuế... là  hết sức cần thiết.

Thứ hai, rà soát lại các quy hoạch để tối ưu hóa về kỹ thuật, giảm thiểu lượng vốn đầu tư lý thuyết cần thiết và tăng cơ hội thực tế huy động vốn đầu tư xã hội hóa và lan tỏa của từng gói đầu tư theo tiến độ quy hoạch các hạng mục liên quan.

Thứ ba, chủ động xây dựng và đề xuất thông qua các cơ chế chính sách mới cần thiết nhằm kích thích thu hút FDI và các nguồn vốn đầu tư xã hội khác cho triển khai các quy hoạch.

Ưu tiên nguồn vốn NSNN đầu tư cho những dự án, khâu then chốt mở đường và tạo lan tỏa thu hút các nguồn vốn khác…     

Tạo hành lang pháp lý, môi trường đầu tư thuận lợi cho các thành phần kinh tế tham gia đầu tư trực tiếp và gián tiếp phát triển theo quy hoạch được duyệt, nhất là các dự án đầu tư phát triển vui chơi giải trí, thể thao và có khả năng sinh lợi khác…

Phát triển thị trường tài chính và tăng huy động vốn trên thị trường tài chính Thủ đô; khuyến khích phát triển các hình thức tài trợ vốn qua các công ty đàu tư tài chính, phát hành cổ phiếu, trái phiếu và thuê mua tài chính.

Thứ tư, tăng cường cụ thể hóa và công khai hóa, minh bạch hóa thông tin quy hoạch và quản lý quy hoạch, tổ chức các hoạt động xúc tiến đầu tư mang tính chuyên nghiệp cao để thu hút đầu tư.

DiaOcOnline.vn - Theo BizLIVE