'Doanh nghiệp Xuân Trường không sở hữu mét đất nào ở Bái Đính'

Cập nhật 25/08/2019 14:30

Đại diện DN Xuân Trường khẳng định, không sở hữu một m2 đất nào tại các danh thắng Bái Đính, Tam Chúc. Chùa xây xong thành tài sản chung của nhân loại...

Chùa Bái Đình, Ninh Bình

Trao đổi với VietNamNet, đại diện DN xây dựng Xuân Trường - đơn vị bỏ hàng ngàn tỷ đồng đầu tư xây dựng các danh thắng Bái Đính, Tam Chúc khẳng định, văn bản Bộ trưởng TN&MT Trần Hồng Hà trả lời 3 câu hỏi chất vấn của ĐBQH Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) là những thông tin hoàn toàn chính xác.

Theo đó, đơn vị là một trong nhiều phật tử góp công sức, tiền bạc để xây dựng chùa, với kỳ vọng nó trở thành di sản nhân loại.

Thực tế, chùa Bái Đính và danh thắng Tràng An đã được xếp hạng Di sản thế giới. Đó là tài sản chung của nhân loại nói chung và Việt Nam nói riêng.

“Chùa chiền và các công trình tôn giáo, tâm linh Phật giáo do Giáo hội Phật giáo Việt Nam và Giáo hội Phật giáo các tỉnh quản lý. Nó là tài sản chung chứ không của riêng ai” – đại diện DN cho biết và khẳng định, DN không sở hữu một m2 đất nào tại các di tích mà đơn vị bỏ hàng ngàn tỷ để xây dựng.

“Chúng tôi chỉ là một trong số rất nhiều Phật tử cùng chung tay xây dựng các công trình tâm linh. Chúng tôi xây dựng xong thì trao trả lại Giáo hội Phật giáo quản lý...” - lời vị đại diện.

Quần thể danh thắng Bái Đính (Ninh Bình) tổng đầu tư 17 ngàn tỷ đồng, trong đó tiền DN tự có khoảng hơn 3 ngàn tỷ, còn lại do Phật tử đóng góp - không sử dụng bất kỳ một đồng ngân sách của nhà nước.

Về nội dung văn bản trả lời chất vấn của Bộ trưởng TN&MT, đại diện DN cho biết: “Bộ trả lời hoàn toàn chính xác. Chúng tôi được giao đất để xây dựng các khu tâm linh, xây dựng xong thì bàn giao lại cho Nhà nước, Giáo hội Phật giáo quản lý chứ không phải tài sản DN. Do đó, địa phương không phải giao đất cho DN để thực hiện dự án thương mại hay kinh doanh tâm linh”.

Thượng tọa Thích Minh Quang, Phó ban kiêm Chánh thư ký Giáo hội Phật giáo tỉnh Ninh Bình, Phó chủ trì chùa Bái Đính (danh thắng Tràng An) thông tin: Khu tâm linh hiện đang do Giáp hội Phật giáo Việt Nam, Giáo hội Phật giáo tỉnh Ninh Bình phụ trách. Các thầy được Giáo hội Phật giáo cử về quản lý, hương khói, thờ tự tại khu tâm linh này.

“Đây là khu tâm linh, tài sản chung của nhân dân, không phải sở hữu của riêng ai. Không chỉ giữ gìn, phát huy những giá trị văn hóa, tinh thần dân tộc, danh thắng này còn là tài sản của nhân dân Việt Nam, tài sản của nhân loại, là Di sản văn hóa thế giới.

Nó còn có ý nghĩa quan trọng trong bảo vệ, gìn giữ môi trường, gìn giữ thiên nhiên cho muôn đời” - Thượng tọa Thích Minh Quang cho biết.

DiaOcOnline.vn – Theo Vietnamnet