Top

Doanh nghiệp địa ốc chưa có kế hoạch ra dự án mới

Cập nhật 06/11/2019 08:00

Dù là thời điểm dòng tiền đổ vào bất động sản sôi động nhất cả năm nhưng 2 tháng cuối 2019, thị trường dự kiến sẽ không nhiều khởi sắc do nguồn cung chào bán hạn chế.

Thị trường bất động sản TP.HCM trong 2 tháng cuối năm sẽ khó có đột biến. Ảnh minh họa

Thống kê của Sở Xây dựng TP.HCM cho biết, trong 9 tháng đầu năm 2019, toàn thành phố chỉ có một dự án được chấp thuận chủ trương đầu tư với tổng diện tích đất khoảng 5.122 m2, giảm 87,5% so với năm 2018. Đáng chú ý, không có dự án nhà ở nào được công nhận chủ đầu tư suốt 9 tháng qua, mức giảm mạnh nhất so với năm 2017-2018.

Sụt giảm doanh thu bán hàng

Cụ thể, số dự án được chấp thuận đầu tư kể từ đầu năm đến 31/9 chỉ dừng ở con số 12, giảm 80% so với năm 2018 và giảm 86% so với năm 2017. Trong số 12 dự án này tổng số lượng nhà ở 12.360 căn, gồm 11.830 căn hộ chung cư và 530 nhà ở thấp tầng.

Sở Xây dựng cũng chỉ cấp phép xây dựng 24 dự án nhà chung cư, dự án nhà ở thấp tầng, giảm 50% so với năm 2018. Dữ liệu này cũng ghi nhận 9 tháng qua, thành phố không có dự án căn hộ du lịch, biệt thự du lịch, officetel nào lộ diện.

Chủ tịch HoREA, ông Lê Hoàng Châu đánh giá trong hai năm gần đây, thị trường nhà ở sụt giảm nguồn cung kỷ lục. Có nhiều dự án nhà ở đình trệ do không thực hiện được các thủ tục đầu tư xây dựng, hoặc bị dừng triển khai. Nguyên nhân của tình trạng khan hiếm dự án nhà ở này xuất phát từ các vướng mắc, xung đột của một số quy phạm pháp luật và do cả công tác thực thi pháp luật. Nếu không có biện pháp xử lý hiệu quả, tình trạng sụt giảm quy mô thị trường sẽ còn tiếp tục.

Hệ quả trực tiếp là một số doanh nghiệp bất động sản gặp nhiều khó khăn, thậm chí nguy cơ phá sản. Ngoài ra, tình trạng thiếu sản phẩm nhà ở, nhất là căn hộ nhà ở thương mại bình dân có giá vừa túi tiền và nhà ở xã hội, dẫn đến giá nhà đất tăng khiến phần lớn người mua nhà có thu nhập trung bình và thu nhập thấp ở đô thị khó tạo lập nhà ở hơn.

Trong 9 tháng qua, lượng doanh nghiệp xây dựng cũng sụt giảm khoảng 30-50% số lượng hợp đồng nhận thầu xây lắp. Nhiều nhà cung cấp thiết bị, vật tư bị sụt giảm doanh thu bán hàng. Các doanh nghiệp sản xuất thiết bị, vật liệu xây dựng gặp khó khăn trong khâu sản xuất và tiêu thụ khiến người lao động trong ngành này thiếu việc làm, giảm thu nhập.

"Nếu tình trạng này tiếp tục kéo dài, các ngân hàng thương mại có thể gặp khó khăn trong việc thu hồi nợ; đồng thời nguồn thu ngân sách nhà nước từ tiền sử dụng đất và thị trường bất động sản sẽ còn bị sụt giảm mạnh hơn nữa" - ông Châu dự báo.

Doanh nghiệp không có kế hoạch chào bán dự án mới

Bước vào quý 4/2019, các doanh nghiệp vẫn chưa có kế hoạch ra dự án mới. Nhiều doanh nghiệp bất động sản có trong tay hàng chục quỹ đất lớn, nhưng vì thời gian dài không thể phát triển được dự án từ quỹ đất này, đã buộc phải chào bán quỹ đất của mình. Nhiều chủ đầu tư đang có dự án trong tay cũng không bán ra vào cuối năm.

Chẳng hạn dự án Van Phuc City của Tập đoàn Đại Phúc chỉ chào bán nguồn hàng hạn chế trong năm 2019 và tạm thời không bán tiếp hàng dịp cuối năm 2019, mà sẽ mở bán lại vào quý 1/2020.

Bà Nguyễn Hương, TGĐ Đại Phúc Land cho rằng, thị trường không có nhiều khởi sắc vào quý 4, dù đây là thời điểm dòng tiền và nhu cầu của khách hàng lớn nhưng việc tắc cấp phép dự án mới khiến các doanh nghiệp không thể phát triển dự án trong thời điểm “vàng”.

Công ty cổ phần Địa ốc Him Lam Land từ đầu năm tới nay cũng chưa triển khai dự án nào mới tại TP.HCM. Còn Hưng Thịnh Corp thì cho biết, từ nay tới đầu năm 2020, doanh nghiệp không có kế hoạch ra hàng. Năm 2019, doanh nghiệp này mới chỉ ra được 1 dự án chung cư tại quận 7 và đây là dự án sang nhượng lại từ một đơn vị triển khai từ các năm trước.

Tương tự, địa ốc Phú Long, TTC land, Vietcomreal, DRH, Kiến Á… cũng không có kế hoạch ra dự án vào quý 4. Riêng với một số chủ đầu tư hiện đang có dự án mới triển khai như Phú Đông, EZ Land, kế hoạch chính thức bán phần lớn đều được đẩy qua quý 1/2020.

Dự kiến trong quý 4/2019, TP.HCM sẽ có thêm khoảng 5.000-6.000 căn hộ chào bán. Con số này vẫn chưa chắc chắn do nhiều doanh nghiệp cho biết có thể thay đổi kế hoạch bán hàng tùy thuộc vào việc hoàn thiện thủ tục pháp lý kịp thời hay không.

Nguồn cung hạn chế sẽ tác động lớn đến sức cầu của thị trường. Theo đó, sức mua cuối năm có thể tăng nhẹ so với quý 3 nhưng khó có đột biến lớn.

Bà Trang Bùi - Giám đốc thị trường JLL Việt Nam cho rằng, nhu cầu và mức tăng giá phần lớn sẽ theo chiều hướng tích cực ở các dự án bình dân và trung cấp. Trong khi đó, dự án giá cao sẽ chứng kiến sự tiếp tục sụt giảm trong nguồn cầu, đặc biệt ở nhu cầu mua đầu tư.

Lý do chính là hiệu suất cho thuê và triển vọng thu lợi nhuận chênh lệch bán lại có vẻ kém hấp dẫn hơn trong tình hình giá bán đạt mức cao mới được ghi nhận.

DiaOcOnline.vn – Theo DĐDN