Top

Doanh nghiệp bất động sản: Đừng để đánh mất niềm tin

Cập nhật 19/06/2014 14:30

Sau nhiều nỗ lực giải cứu, thị trường bất động sản (BĐS) đang dần khởi sắc trở lại, hàng loạt dự án bị đóng băng đang được đầu tư vốn hoặc ráo riết chuyển nhượng chủ đầu tư để tiếp tục hoàn thiện. Tuy nhiên, những kết quả mang lại vẫn chưa được như kỳ vọng bởi niềm tin của người dân đối với thị trường chưa phục hồi hoàn toàn.

Giá nhà đất Việt Nam hiện nay đã không còn nóng. Nguồn: internet

Theo báo cáo mới nhất của Bộ Xây dựng, thị trường BĐS đã có những dấu hiệu khởi sắc. Tính đến ngày 20/5, tổng giá trị tồn kho bất động sản còn khoảng 83.519 tỷ đồng, giảm hơn 45.000 tỷ đồng, tương đương 35% so với quý I/2013. Chỉ tính riêng tại Hà Nội, từ đầu năm đến giữa tháng 4 có khoảng 2.300 giao dịch thành công, trong đó riêng quý I/2014 có trên 1.500 giao dịch (gấp 2 lần so với cùng kỳ năm trước). Các giao dịch này chủ yếu là ở phân khúc nhà ở có quy mô nhỏ, trung bình, giá thấp phù hợp với thu nhập chung của đại đa số người dân.

Giá nhà đất Việt Nam hiện nay đã không còn nóng như cách đây mấy năm và được đưa gần hơn với khả năng sở hữu nhà ở của người dân. Nhiều ý kiến cho rằng, thị trường BĐS sẽ sôi động trở lại khi giá nhà  xuống thấp sẽ tạo điều kiện cho người dân có cơ hội sở hữu nhà, doanh nghiệp (DN) giải phóng được hàng tồn kho. Tuy nhiên, trái ngược với kỳ vọng của mọi người, thị trường dù đã ấm lên nhưng người dân vẫn còn e ngại và đắn đo bởi niềm tin vào thị trường đang bị chính chủ đầu tư và DN kinh doanh BĐS làm xói mòn.

Khủng bố tiếp thị          

Thực tế, từ lâu này, hoạt động quảng cáo tiếp thị sản phẩm luôn được các DN chú trọng đầu tư. Điều này không những giúp tăng doanh số bán hàng, nâng cao lợi nhuận mà còn đem lại nhiều nhu cầu chọn lựa cho người tiêu dùng. Thông qua những lời giới thiệu chi tiết, khách hàng có điều kiện so sánh, tìm hiểu để lựa chọn sản phẩm tốt nhất và phù hợp nhất với điều kiện của bản thân. Trước đây, khi thị trường “sốt nóng”các DN BĐS chẳng bao giờ phải nghĩ đến chuyện tiếp thị sản phẩm. Giờ thì đã khác.

Hiện nay, để tăng doanh số bán hàng, giải phóng hàng tồn kho, các DN kinh doanh BĐS và các sàn giao dịch BĐS đang không ngừng đẩy mạnh tuyên truyền, quảng cáo tiếp thị sản phẩm tới người dân. Bên cạnh những hình thức quảng cáo “truyền thống” như dán giấy quảng cáo, phát tờ rơi, đăng tải thông tin trên các phương tiện truyền thông… người dân còn nhận được rất nhiều tin nhắn gửi quảng cáo các dự án đang xây dựng, đất nền và cả những chung cư đã hoàn thiện.

Thế nhưng, do quá lạm dụng vào hình thức tiếp thị này, các dự án BĐS đang dần đánh mất thiện cảm và niềm tin của người tiêu dùng. Mỗi ngày khách hàng đều nhận hàng chục tin nhắn giới thiệu về các dự án BĐS khiến cho họ vô cùng bức xúc. Hình thức quảng cáo này đều được hầu hết người môi giới và sàn giao dịch BĐS sử dụng thường xuyên.

Không chỉ vậy, do quan tâm đến việc thu hút khách hàng, người môi giới còn đưa ra những lời giới thiệu sai sự thật. Nhiều công trình, dự án được mời chào với nhiều tiện ích như gần trường học, bệnh viện, chi phí sinh hoạt rẻ, nội thất đầy đủ… nhưng thực tế lại không đáp ứng đúng những tiêu chí đề ra. Điều này không chỉ khiến cho khách hàng thất vọng với thực tế sản phẩm mà còn bức xúc với những cách tiếp thị “ăn sổi ở thì” của môi giới.

Chất lượng không như kỳ vọng

Không chỉ có cò mồi, môi giới mới có những lời quảng cáo sai sự thật, làm mất lòng tin nghiêm trọng của người mua nhà, giờ đây, nhiều chủ đầu tư cũng khiến người tiêu dùng thất vọng.

Đánh vào tâm lý tìm mua nhà giá rẻ, phù hợp với thu nhập thấp của đại đa số người dân, các DN kinh doanh BĐS rao bán căn hộ, dự án nhưng lại không nhắc đến thuế 10% thuế giá trị gia tăng và chỉ giao mặt bằng thô, chưa được hoàn thiện căn bản về hệ thống nược, nội thất… Như vậy, để có thể sử dụng được căn hộ này, khách hàng cần đầu tư thêm một khoản không nhỏ khiến giá thực tế căn hộ bị đẩy lên cao từ 3 – 5 triệu/m2.

Bên cạnh đó, vấn đề về chất lượng các công trình cũng là điều khiến người dân chưa thực sự hài lòng. Do đặt cao mục tiêu lợi nhuận, nhiều chủ đầu tư không quan tâm tới chất lượng sản phẩm nên sau khi hết thời hạn bảo hành, căn hộ chung cư lập tức có nhiều hư hại và phải sửa chữa thường xuyên. Thậm chí, nhiều dự án vừa được bàn giao cho chủ hộ và đưa vào sử dụng đã nảy sinh nhiều vấn đề như đường nước, các công trình phụ…

Thị trường BĐS Việt Nam đã thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng, người có nhu cầu thật sự về nhà ở đang quay trở để thực hiện giấc mơ an cư. Tuy nhiên, để thị trường thật sự vững, chủ đầu tư cần quan tâm hơn nữa đến chất lượng sản phẩm để giữ vững niềm tin của khách hàng. Bên cạnh đó, chủ đầu tư dự án cũng cần quản lý chặt chẽ hơn hoạt động quảng cáo, tiếp thị sản phẩm; kiên quyết không bao che, dung túng cho cò mồi, môi giới BĐS để mất đi thiện cảm của khách hàng. Chỉ như vậy, uy tín của DN mới càng được củng cố, từ đó khẳng định được thương hiệu bản thân và vươn lên phát triển mạnh mẽ.

DiaOcOnline.vn - Theo Tài chính