Top

Dính lệnh thu hồi, dự án 'chết lâm sàng'

Cập nhật 21/01/2019 16:45

 Năm 2019, thị trường bất động sản cả nước, đặc biệt là thành phố Hồ Chí Minh dự kiến sẽ gặp nhiều khó khăn khi nhiều dự án đang "dính lệnh thu hồi" sau thanh tra, kiểm tra và xử lý của các cơ quan Trung ương trong công tác quản lý đất đai.

Sau các cuộc thanh tra, kiểm tra của Trung ương, mới đây Sở Tài chính Tp. HCM có nêu đề nghị của Sở này trong Hội nghị triển khai nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội năm 2019: "Sẽ huỷ 300 quyết định, công văn bán chỉ định đất công". Đây có thể như một cuộc cải tổ công tác quản lý đất công nếu thực hiện thành công.

Thị trường BĐS bị ảnh hưởng

Nhiều dự án đang phải "dính lệnh thu hồi" sau việc thanh, kiểm tra và xử lý của các cơ quan Trung ương trong công tác quản lý đất đai. Đơn cử như UBND Tp. HCM đã ra quyết định thu hồi khu đất số 8 – 12 Lê Duẩn, phường Bến Nghé, quận 1; Sở Xây dựng Tp. HCM đình chỉ hoạt động xây dựng và thu hồi giấy phép xây dựng tại dự án Charmington Iris ở 76 Tôn Thất Thuyết, phường 16, quận 4; UBND Tp.Đà Nẵng cũng sẽ thu hồi sân vận động Chi Lăng, Đà Nẵng…

                                   

Mới đây, Sở Tài chính Tp. HCM đề nghị hủy bỏ 300 quyết định, công văn chỉ định bán các mặt bằng và địa chỉ nhà đất công cho các tổ chức, cá nhân và đưa vào bán đấu giá theo quy định. Có nghĩa là những quỹ đất công không tuân thủ đúng quy trình đấu giá trước đây sẽ bị rơi vào tình trạng "chết lâm sàng" để chờ đợi đưa vào bán đấu giá theo đúng quy định.

Theo một số chuyên gia, việc thu hồi các dự án đất công không qua đấu giá là để góp phần minh bạch thị trường. Tuy nhiên, trong số các dự án này có cả những dự án nhà đầu tư đã mua bán, chuyển nhượng, thậm chí đã được rót vốn để hồi sinh. Điều này đặt ra câu hỏi cần phải giải quyết như thế nào đối với những dự án mà các doanh nghiệp đang đầu tư dở dang.

Luật sư Trần Đức Phượng (Đoàn Luật sư Tp.HCM) cho rằng một số doanh nghiệp đã rót tiền vào dự án phải tạm dừng sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Còn người mua thì cũng thiệt hại vì họ không biết rõ nhà của mình sẽ nằm trong diện xử lý như thế nào.

Một số chuyên gia bất động sản đánh giá quyết định dừng của chính quyền Tp.HCM đã tác động tới nguồn lực mà doanh nghiệp đang thực hiện triển khai. Đối với khách hàng đã lỡ mua, lỡ đặt cọc tiền thì họ chỉ biết truy cứu trách nhiệm của chủ đầu tư.

Đây là một vấn đề rất lớn khi có tới 300 dự án sẽ hoặc đang rơi vào tình trạng tạm dừng. Nhiều chủ đầu tư đã bỏ vốn lớn, thậm chí đi vay ngân hàng sẽ phải trả lãi hàng tháng, còn dự án không biết số phận sẽ ra sao.

Ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Tp HCM (HoREA), cho rằng việc thu hồi một số dự án sẽ tác động rất lớn đến thị trường bất động sản Tp.HCM, đến các chủ đầu tư, các ngân hàng thương mại và người mua nhà.

Nên gỡ khó cho doanh nghiệp?

"Do đó, việc thực hiện các quy định trên cũng cần phải đảm bảo sự ổn định xã hội và thị trường bất động sản, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người dân và doanh nghiệp" – ông Châu nói.

Quyết định buộc dừng, thu hồi các dự án là một trong nhiều nguyên nhân tác động tiêu cực đến thị trường, dẫn đến sự sụt giảm nguồn cung dự án, sụt giảm sản phẩm nhà ở, sụt giảm nguồn cung căn hộ, sụt giảm giao dịch bất động sản.

Kéo theo đó, không ít doanh nghiệp lâm vào hoàn cảnh khó khăn như bị đọng vốn kéo dài, chịu lãi vay tăng cao, dễ dẫn đến bị rơi vào nhóm nợ xấu, mất cơ hội đầu tư, kinh doanh, thậm chí có nguy cơ phá sản.

Ông Châu cho rằng nếu doanh nghiệp có những vi phạm khác thì xem xét xử lý sau nhưng vẫn phải làm sao phát huy hiệu quả dự án, phục vụ cho dân. Khi triển khai, tùy từng dự án cụ thể, cơ quan quản lý sẽ có chỉ đạo để giải quyết ách tắc loại dự án nào, thu hồi dự án nào để không gây thiêt hại cho thành phố, người dân và doanh nghiệp.

Còn việc xử lý theo hướng đề nghị thu hồi chung chung và đình chỉ dự án như hiện nay là bất khả thi. Nếu Nhà nước muốn thu hồi thì không thể nào không tính tới quyền lợi của nhà đầu tư khi họ đã bỏ tiền vào dự án đó, nếu dự án có chuyển nhượng thì Nhà nước thu thuế.

Theo ông Châu, với những dự án doanh nghiệp triển khai đúng quyết định được giao, nếu thành phố giao đất với giá thấp quá, doanh nghiệp có thể đóng thêm tiền hoặc làm sao đảm bảo lợi ích của Nhà nước, nhưng dự án thì tiếp tục làm.

Các doanh nghiệp thực hiện nghĩa vụ nộp bổ sung vào ngân sách theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Trường hợp doanh nghiệp có những vi phạm khác thì đề nghị xem xét xử lý sau.

Bên cạnh đó, dự án nếu không vi phạm về quy hoạch, tiền vốn của người dân đã đóng góp vào thì không nên dừng dự án.

Trước đó, tại Nghị quyết về sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư dự án BT, Thủ tướng Chính phủ đồng ý theo hướng tập trung xử lý chuyển tiếp đối với các dự án đã ký Hợp đồng BT trước ngày 1/1/2018.

Trường hợp dự án có vi phạm nhưng chưa gây thất thoát tài sản nhà nước thì phải thực hiện điều chỉnh lại hợp đồng BT; nếu phát hiện vi phạm (vi phạm pháp luật về ngân sách nhà nước, xây dựng, quản lý đất đai, đấu thầu, đầu tư công, quản lý tài sản công và pháp luật liên quan khác…) thì phải tự hủy hợp đồng dự án, thu hồi ngay tài sản nhà nước, đồng thời xử lý nghiêm các tập thể, cá nhân sai phạm theo đúng quy định của pháp luật.



Diaoconline.vn – Theo VnMedia