Định cư cho 1.000 căn tái định cư?

Cập nhật 23/07/2018 14:56

Trong khi nhiều người lao động thủ đô thiếu nhà ở thì tại đây cũng tồn tại hơn 1.000 căn nhà tái định cư bỏ hoang hàng chục năm nay. Đã có nhiều chuyên gia phân tích nguyên nhân về tình trạng này và bên cạnh đó, các chuyên gia cũng đã đề xuất để tìm cách cho hơn 1.000 căn hộ hoang có người vào ở.

Tại điều 3 Luật Nhà ở năm 2014 quy định nhà ở tái định cư là nhà ở để bố trí cho các hộ gia đình, cá nhân thuộc diện được tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất ở, giải toả nhà ở theo quy định của pháp luật.

Mặc dù đã bố trí cho người dân khi bị thu hồi đất, nhưng do nhiều nguyên nhân, người dân không mặn mà với nhà ở tái định cư, khiến nhiều căn hộ bị bỏ hoang, có những khu vực bỏ hoang 10 năm nay.

Nhà tái định cư ít được kiểm soát

Trao đổi với phóng viên về tình trạng nhà tái định cư bỏ hoang, KTs Nguyễn Việt Huy, giảng viên Khoa Quy hoạch và Kiến trúc, trường Đại học Xây dựng, cho biết theo kế hoạch, người dân bị lấy đất để làm dự án, làm đường hoặc các công trình xã hội sẽ nhận lại nhà tái định cư.

Ở đây, người dân cần có sự lựa chọn, nếu không ở nhà tái định cư thì họ sẽ nhận được tiền. Tuy nhiên, điều mà nhiều người quan tâm là nơi ở mới phải đáp ứng được an sinh xã hội, chất lượng xây dựng và đảm bảo an toàn kỹ thuật cho mọi người.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong chia sẻ các dự án này xây bằng tiền ngân sách, không tính đến nhu cầu của người sử dụng, không đạt chất lượng cần thiết nên người được phân nhà tái định cư không chấp nhận.

Hơn nữa, nhà tái định cư ít được kiểm soát, quản lý cho nên các chủ đầu tư khi xây dựng thường bớt xén, thiếu các cơ sở hạ tầng xã hội, không thuận tiện cho người dân trong khi, theo quy định, họ phải nhận được chỗ ở tái định cư tốt hơn chỗ ở cũ.

Bà Nguyễn Thị Tuyết Thanh, người dân khu tái định cư Hoàng Cầu, cho biết các cơ chế đền bù chưa thoả đáng, đền bù ít và dồn ép, nhưng bán nhà cho dân lại quá đắt. Dân không còn đất ở, lên tầng cao ở thì đời sống kinh tế khó khăn.

Theo ông Phan Lê Bình, chuyên gia JICA, người dân đã có một sự hy sinh rất lớn là rời bỏ miếng đất, sang một nơi ở khác để nhường đất đó cho phát triển hạ tầng và các công trình khác cho xã hội.

"Vậy người ta phải xứng đáng nhận được cái gì đó hơn những cái cũ hoặc ít nhất phải bằng. Ở đây, lại bố trí cho họ những căn nhà không biết rơi vữa xuống lúc nào, rõ ràng người ta không chấp nhận", ông Bình nói.

Kinh nghiệm nhà tài trợ quốc tế không bao giờ chấp nhận phương án tái định cư mà không rõ ràng và không đảm bảo cuộc sống tốt cho người dân.

Người dân không mặn mà với nhà ở tái định cư, khiến nhiều căn hộ bị bỏ hoang

Nên xây nhà ở xã hội

Mới đây, Bộ Xây dựng đã chỉ đạo Tp. Hà Nội rà soát nhà tái định cư trên địa bàn, chỉ đạo này được đưa ra theo yêu cầu của Thủ tướng. Bộ Xây dựng yêu cầu Hà Nội thống kê cụ thể các dự án nhà tái định cư được xây dựng trước khi có Luật Nhà ở năm 2005-2014, trong đó nêu rõ số căn hộ đã bàn giao đưa vào sử dụng từng dự án cụ thể. Nội dung cần làm rõ là chất lượng nhà chung cư tái định cư, thực trạng bố trí nhà ở tái định cư, việc bố trí sử dụng, quản lý nhà tái định cư, việc thành lập ban quản trị, quản lý vận hành.

Tuy nhiên, với hơn 1.000 căn nhà tái định cư bỏ hoang trên toàn thành phố, các chuyên gia cho rằng để giải quyết vấn đề này cần nhiều giải pháp đồng bộ hơn.

Ông Hoàng Văn Cường, đoàn đại biểu Tp. Hà Nội, cho rằng nếu thực chất nhà tái định cư xây dựng lên mà nhà đó quá tồi, hoặc các điều kiện không phù hợp với người dân thì buộc lòng phải phá đi nhưng phá đi thì lãng phí.

Các cơ quan, tổ chức đã đầu tư nhà đó phải gánh chịu trách nhiệm đó. Còn lại những nhà khác, nên chuyển theo cơ chế thị trường, đưa vào đấu giá, đưa vào vận hành và dùng chính nguồn tiền đó một cách công khai, minh bạch để trả lại cho những người có đã di dời.

Cùng góc nhìn trên, ông Phạm Sỹ Liêm, Phó Chủ tịch tổng hội xây dựng Việt Nam, cho rằng tốt nhất là biến thành nhà ở xã hội. Vì nếu thành nhà ở xã hội thì sẽ mở rộng được đối tượng người sử dụng, trong khi nếu chỉ dành tái định cư thì sẽ bị bỏ hoang.

Theo luật sư Trương Thanh Đức, tái định cư chỉ khi người dân có nhu cầu, còn người dân muốn lấy tiền thì hãy bán căn hộ đó để chuyển trả tiền cho người dân, mà bán cao thấp là do thị trường quyết định.

Như vậy, giải pháp tốt nhất là phải nắm được tâm tư nguyện vọng của người dân, những người thụ hưởng cuối cùng của dự án, sau đó lập kế hoạch xử lý từng dự án cụ thể. Chỉ có như vậy mới có thể giải quyết căn nguyên của những căn nhà bỏ hoang này.


DiaOcOnline.vn - Theo Thời báo Kinh doanh