Top

Địa ốc 24h: Hàng trăm nghìn m2 đất nhà máy thép Gia Sàng bị “hô biến” thành shophouse

Cập nhật 22/01/2019 16:00

Chỉ 6 tháng sau khi đưa nhà máy thép Gia Sàng hoạt động trở lại, CTCP Thương mại Thái Hưng bất ngờ cho dừng hoạt động, tháo dỡ nhà máy và xin chuyển đổi đất nhà máy thành dự án bất động sản.

                                   
Toàn bộ khu đất của Nhà máy thép Gia Sàng đã bị điều chỉnh thành đất xây shophuose, biệt thự.

Hàng trăm nghìn m2 đất nhà máy thép Gia Sàng đã bị “hô biến” thành shophouse như thế nào?

Tháng 7/2016, Công ty Cổ phần Thương mại Thái Hưng (Công ty Thái Hưng) đã đấu giá thành công khối tài sản trên đất của thép Gia Sàng với giá 56 tỷ đồng.

Theo đúng cam kết khi đấu giá, tháng 12/2016, Thái Hưng đã đưa thép Gia Sàng hoạt động trở lại. Tuy nhiên, chỉ 6 tháng sau đó, công ty này bất ngờ cho dừng hoạt động và tiến hành tháo dỡ nhà máy cán thép.

Đáng chú ý, trong khi dư luận vẫn chưa hết ngỡ ngàng trước động thái bất ngờ của Công ty Thái Hưng, ngày 23/11/2017, UBDN tỉnh Thái Nguyên đã ban hành văn bản số 3669/QĐ-UBND về việc Quyết định chủ trương đầu tư Dự án Khu tổ hợp thương mại dịch vụ, trường học và nhà ở Gia Sàng (Thái Hưng Eco City) ngay trên phần đất nhà xưởng cũ rộng 22,6 ha của nhà máy thép Gia Sàng.

Phó Thủ tướng yêu cầu kiểm tra nội dung khiếu nại chuyển đất nhà máy thành shophouse

Phó Thủ tướng yêu cầu UBND tỉnh Thái Nguyên kiểm tra, giải quyết các nội dung đơn phản ánh, kiến nghị của bà Vũ Thị Kiều Oanh về việc thu hồi đất của Công ty cổ phần luyện cán thép Gia Sàng cho Công ty cổ phần thương mại Thái Hưng thuê để sử dụng vào mục đích xây dựng nhà máy luyện cán thép nhưng sau đó lại chuyển đổi mục đích sử dụng đất để xây dựng Dự án khu tổ hợp thương mại dịch vụ, trường học và nhà ở Gia Sàng (Thái Hưng Eco City) tại phường Gia Sàng, thành phố Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên; có văn bản trả lời Ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả trong tháng 2/2019. 

4 lý do bất động sản ven Sài Gòn được dự báo bùng nổ

Ông Lê Tiến Vũ, Tổng giám đốc Công ty Kinh doanh Bất động sản Cát Tường, dự báo năm 2019 nhà liền thổ, đất nền ở ngoại ô hoặc tỉnh giáp ranh thành phố sẽ là phân khúc nhận được sự quan tâm lớn nhất toàn thị trường địa ốc. Các quận, huyện vùng ven hoặc giáp ranh Sài Gòn sẽ có rổ hàng dồi dào hơn, hút đầu tư nhiều hơn và cơ hội bứt phá cũng mạnh mẽ hơn. Ông Vũ đưa ra 4 lý do bất động sản vùng ven vượt lên các phân khúc khác, khuấy động thị trường địa ốc Sài Gòn trong 12 tháng tới.

Dự án đường ngàn tỷ thi công dang dở

Là dự án trọng điểm của tỉnh Nghệ An nhưng dự án đường nối TP Vinh - thị xã Cửa Lò và dự án đường 72m có số vốn đầu tư hơn ngàn tỷ đồng sau nhiều năm triển khai vẫn còn dang dở. Thực tế trên gây ra nhiều hệ lụy đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, gây bức xúc kéo dài cho người dân.

Hơn 13 năm triển khai tuyến đường này vẫn chưa thể thông tuyến vì vướng giải phóng mặt bằng. 

Môi giới địa ốc phía Nam nghỉ Tết sớm

Theo ghi nhận của phóng viên tại một số khu vực quận, huyện vùng ven TP.HCM vào cuối tuần qua, điều có thể dễ dàng nhận thấy là cảnh nhộn nhịp như năm ngoái không còn. Nếu như vào dịp cận Tết năm ngoái, môi giới địa ốc hoạt động nhộn nhịp, dẫn khách đi xem dự án liên tục và thường xuyên chốt được hợp đồng, thì năm nay, nhiều môi giới đành phải nghỉ Tết sớm. 

Cấp "sổ hồng" tại chung cư vi phạm: Vẫn phải chờ

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM, tính đến 12-2018, có hơn 100 dự án với gần 60.000 trường hợp đã được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở cho người dân mua căn hộ.

Trước đó, hồi tháng 9/2018, UBND TP.HCM đã yêu cầu các sở, ngành liên quan xử lý sai phạm của chủ đầu tư (CĐT) và xem xét cấp giấy chứng nhận (GCN) quyền sở hữu nhà ở (còn gọi là sổ hồng) cho người dân mua căn hộ chung cư hợp pháp và đã hoàn tất nghĩa vụ tài chính theo quy định. 


Diaoconline.vn – Theo BizLive