Top

Đầu tư sân bay: Tư nhân làm rất tốt!

Cập nhật 01/08/2019 11:34

(PL)- Tư nhân tham gia đầu tư vào lĩnh vực hàng không sẽ thu hút nguồn đầu tư bên ngoài, kinh nghiệm quản lý để nâng chất lượng dịch vụ sân bay.

Ngày 30-12-2018, Cảng hàng không (CHK) quốc tế Vân Đồn (Quảng Ninh) chính thức đón chuyến bay đầu tiên. Đây là CHK đầu tiên tại Việt Nam do tư nhân đầu tư. Tại sự kiện này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá việc triển khai thành công các dự án đối tác công tư (PPP) của Quảng Ninh cho thấy chủ trương xã hội hóa đầu tư công trình hạ tầng, huy động các nguồn lực xã hội là hoàn toàn đúng đắn.

Tiếp tục mời tư nhân đầu tư

Trước đó, ông Johnathan Hạnh Nguyễn cùng nhóm nhà đầu tư đã đưa vào hoạt động nhà ga quốc tế Cam Ranh (Khánh Hòa). Công ty CP Nhà ga quốc tế Cam Ranh (chủ đầu tư) đã đầu tư giai đoạn 1A là 3.735 tỉ đồng. Sau khi hoàn thành, nhà ga đáp ứng đón khoảng 2,5-4,5 triệu lượt khách/năm.

Ngoài ra, ông Johnathan Hạnh Nguyễn cũng đề xuất Bộ GTVT cho phép được đầu tư 2.000 tỉ đồng để xây dựng thêm một đường băng cất hạ cánh tại sân bay Phú Quốc.

Tại CHK quốc tế Tân Sơn Nhất (TP.HCM) cũng đang khẩn trương triển khai dự án xây dựng nhà khách T3, sân đỗ máy bay, hệ thống thoát nước và các công trình phụ trợ với tổng vốn khoảng 18.000 tỉ đồng. Hiện Chính phủ giao Bộ GTVT xây dựng các phương án huy động vốn. Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng lưu ý ưu tiên phương án huy động nguồn vốn xã hội, lựa chọn phương án tối ưu và hiệu quả nhất để đưa các hạng mục trên vào khai thác năm 2020.


Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, Giám đốc CHK quốc tế Vân Đồn, ông Phạm Văn Sáu, cho biết trong quá trình đầu tư, một vấn đề cần lưu ý là khi tư nhân đầu tư vào CHK thì khu bay (đường lăn, sân đỗ) cũng là vốn của tư nhân, nhưng theo quy định thì do Nhà nước quản lý. Tuy nhiên, theo ông Sáu, chỉ trong tình huống khẩn nguy liên quan đến an ninh quốc gia thì Nhà nước mới trưng dụng nên cũng không bị vướng về cơ chế quản lý.

                                   
Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn, sân bay tư nhân đầu tiên tại Việt Nam, được chính thức đưa vào khai thác ngày 30-12-2018. Ảnh: VĐ

Tạo cạnh tranh tư nhân-Nhà nước

Liên quan đến vấn đề đầu tư hàng không theo xu hướng xã hội hóa, ThS Nguyễn Việt Khoa, giảng viên bộ môn Luật kinh tế, Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, đánh giá đây là lĩnh vực tư nhân làm rất tốt, còn nhiều tiềm năng. “Dư địa của ngành hàng không hiện còn khá lớn, trong khi nhà đầu tư trong lĩnh vực này chưa nhiều” - ông Khoa nói.

Lượng hành khách di chuyển bằng đường hàng không trên thế giới ngày càng tăng nhanh, dự báo đạt 7,8 tỉ người vào năm 2036. Do đó, đầu tư tư nhân vào lĩnh vực hàng không trên toàn thế giới cũng có xu hướng tăng trưởng nhanh. Thống kê năm 2016 cho thấy khoảng 30% nguồn vốn trong ngành hàng không đến từ các nguồn như quỹ phòng hộ và vốn tư nhân.


Theo ông Khoa, nhiều nước trên thế giới đã cho tư nhân tham gia xây dựng sân bay từ lâu, Việt Nam làm còn chậm, có thể do thận trọng để bảo hộ ngành hàng không trong nước. Việc để tư nhân tham gia vào lĩnh vực này có lợi thế là thu hút được nguồn đầu tư đòi hỏi vốn lớn từ bên ngoài. Thứ hai là tạo ra sự cạnh tranh tư nhân-Nhà nước, tiến tới định hướng lâu dài là Nhà nước chỉ làm những lĩnh vực mà tư nhân không làm. “Hiện nay ngành hàng không chưa đáp ứng kịp nhu cầu đi lại của người dân, chẳng hạn để đặt vé đi Côn Đảo hiện rất khó khăn. Nếu cho tư nhân tham gia khai thác thì sẽ giảm độc quyền một số chuyến bay nội địa, vé giảm, khách bớt thiệt thòi” - ông Khoa nhận xét. Ông Khoa dự báo hàng không Việt Nam là thị trường màu mỡ cho các nhà đầu tư nước ngoài nhòm ngó. Ở nước họ giá đất cao, ngược lại tại Việt Nam mặt bằng giá đất vẫn còn thấp nên nếu chủ trương này được đẩy mạnh, có hành lang pháp lý rõ ràng thì sẽ thu hút các nhà đầu tư.

Nhà đầu tư phải có vốn lớn và kiến thức chuyên môn .

Việc các nhà đầu tư tư nhân tham gia lĩnh vực hàng không nói lên điều gì?

+ TS Võ Tất Thắng, giảng viên khoa Kinh tế Trường ĐH Kinh tế TP.HCM:

Nhà đầu tư tư nhân tham gia lĩnh vực này cho thấy Chính phủ đã đánh giá cao vai trò của vốn đầu tư tư nhân trong các dự án hạ tầng lớn. Thông qua việc này, Chính phủ cũng thừa nhận hiệu quả của các doanh nghiệp tư nhân trong đầu tư hạ tầng và cung cấp dịch vụ hàng không từ bài học của các nước trên thế giới.

. Ông có bình luận gì về hình thức đầu tư này, có rủi ro gì?

+ Từ góc nhìn của các nhà đầu tư, ngoài tiềm năng tăng trưởng dài hạn tốt, ngành hàng không là một lựa chọn tốt để đa dạng hóa danh mục đầu tư, mang lại thu nhập ổn định. Tuy nhiên, đầu tư vào ngành hàng không cũng có rủi ro do đặc trưng riêng của ngành này. Ngoại trừ vốn lớn, các khoản đầu tư còn cần kiến thức chuyên môn của ngành hàng không.

. Ông dự báo sự phát triển ngành hàng không tại Việt Nam thời gian tới như thế nào?

+ Do nằm trong khu vực có mức tăng trưởng ngành hàng không lớn, Việt Nam được xếp thứ năm trong nhóm các nước có tăng trưởng hàng không lớn nhất thế giới. Lợi nhuận của Tổng Công ty CHK Việt Nam tăng rất nhanh, từ 1.700 tỉ đồng năm 2015 lên hơn 4.000 tỉ đồng năm 2017. Trong 10 năm, từ năm 2020 đến 2030, dự báo tốc độ tăng trưởng hành khách là 8%, còn tăng trưởng hàng hóa là 12%. Đến năm 2030, Việt Nam cần đủ cơ sở hạ tầng hàng không để phục vụ cho 131 triệu lượt khách. Chính vì thế đầu tư tư nhân vào hạ tầng hàng không sẽ có nhiều tiềm năng và sẽ được Chính phủ tiếp tục mở rộng để thu hút các nhà đầu tư.


Diaoconline.vn – Theo Pháp Luật