Top

'Cuộc chiến' giữ quỹ bảo trì chung cư

Cập nhật 30/07/2018 09:10

Phải giải quyết triệt để cuộc chiến tranh giành quỹ bảo trì giữa chủ đầu tư và ban quản trị chung cư càng ngày càng khốc liệt hiện nay.

Cư dân chung cư Hoàng Anh Gold House tố ban quản trị không minh bạch trong thu chi số tiền quỹ bảo trì. - ẢNH: BẠCH DƯƠNG

Nhiều ý kiến cho rằng đề án an ninh kinh tế trong lĩnh vực bất động sản mà Bộ Xây dựng đang hoàn thiện dự kiến sẽ trình Chính phủ trong tháng 12 tới phải giải quyết triệt để cuộc chiến tranh giành quỹ bảo trì giữa chủ đầu tư và ban quản trị chung cư càng ngày càng khốc liệt hiện nay.

Chủ đầu tư không chịu bàn giao

Theo Bộ Xây dựng, tại 43 địa phương có đến 215 dự án nhà ở, chung cư có khiếu nại, tranh chấp trong đó có 108 dự án xảy ra tranh chấp giữa chủ đầu tư với cư dân liên quan đến quỹ bảo trì; phần sở hữu chung, sở hữu riêng; chất lượng công trình; phí quản lý vận hành... Đặc biệt, trong số này có đến 39 dự án chủ đầu tư không bàn giao, chậm bàn giao hoặc chỉ bàn giao một phần kinh phí bảo trì cho ban quản trị theo quy định của pháp luật hiện hành. Tại nhiều chung cư chủ đầu tư không chịu nộp kinh phí bảo trì đối với phần diện tích thuộc sở hữu riêng hoặc chiếm dụng kinh phí bảo trì vào mục đích khác.

Theo quy định hiện nay, người mua nhà trước khi nhận bàn giao nhà phải đóng quỹ bảo trì tương đương 2% giá trị căn hộ cho chủ đầu tư tạm quản lý. Khi ban quản trị chung cư được thành lập do người dân bầu ra, chủ đầu tư có trách nhiệm bàn giao số tiền này. Tuy nhiên, tại nhiều chung cư do số tiền quá lớn nên đã xảy ra tranh chấp giữa chủ đầu tư và cư dân, thậm chí giữa cư dân với chính ban quản trị chung cư.

Tại chung cư Khang Gia Tân Hương (Q.Tân Phú, TP.HCM), từ năm 2014 đến nay, người dân liên tục cầu cứu khắp nơi, trong đó có UBND TP.HCM đề nghị chủ đầu tư bàn giao quỹ bảo trì nhưng đến nay hàng chục tỉ đồng vẫn bị chủ đầu tư chiếm dụng. Hiện 173 hộ dân tại đây đã biểu quyết 100% đề nghị UBND TP.HCM chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra khởi tố hình sự chủ đầu tư là Công ty cổ phần đầu tư và phát triển địa ốc Khang Gia, nếu không bàn giao 2% phí bảo trì nhà chung cư cho ban quản trị chung cư.

Nhiều chung cư bị xuống cấp nhưng không còn quỹ bảo trì để sửa chữa
ẢNH: NGỌC DƯƠNG

Tại chung cư Phú Thạnh (Q.Tân Phú, TP.HCM) tình trạng tranh chấp quỹ bảo trì chung cư giữa cư dân và chủ đầu tư cũng diễn ra mấy năm nay khi số tiền ước tính hơn 23 tỉ đồng vẫn đang được chủ đầu tư “mượn” để đầu tư xây dựng dự án.

Trước đó, tại chung cư 4S Riverside do Công ty Thành Trường Lộc làm chủ đầu tư ở Q.Thủ Đức (TP.HCM), cũng xảy ra cuộc chiến giữa cư dân mà đại diện là ban quản trị chung cư và chủ đầu tư xoay quanh câu chuyện quỹ bảo trì với số tiền hơn 3,1 tỉ đồng. Trong khi người dân liên tục yêu cầu chủ đầu tư bàn giao quỹ bảo trì, thậm chí kiện ra tòa đòi tiền thì chủ đầu tư lại trì hoãn không bàn giao với lý do, một số người trong ban quản trị không phải là chủ sở hữu căn hộ mà chỉ là người đi thuê nhà.

Ban quản trị đã trở thành “nghề”

Tại một cuộc làm việc giữa đại diện chủ đầu tư chung cư Phú Hoàng Anh (H.Nhà Bè, TP.HCM), do Công ty Hoàng Anh Gia Lai làm chủ đầu tư, với các thành viên trong ban quản trị chung cư, giới phóng viên nhận ra một thành viên trong ban quản trị chung cư Phú Hoàng Anh, đồng thời cũng có chân trong ban quản trị chung cư Hoàng Anh Gold House (H.Nhà Bè) và nhiều chung cư khác theo lời ông nói.
Ông này cho biết, mình nhắm đến việc mua căn hộ tại một số chung cư với mục đích “chạy đua” tìm kiếm một chân trong ban quản trị chung cư. Theo tính toán của ông này, ngoài việc khai thác giá trị gia tăng từ căn hộ như tăng giá, cho thuê, nếu có chân trong ban quản trị ông còn nhận được lương và rất nhiều quyền lợi khác, nhất là việc quản lý số tiền hàng chục tỉ đồng từ quỹ bảo trì căn hộ.

Tại chung cư Hoàng Anh Gold House, cư dân đã tố cáo ban quản trị chung cư có dấu hiệu lộng quyền, gây ảnh hưởng quyền lợi của cư dân, nhất là việc không minh bạch trong thu chi số tiền quỹ bảo trì chung cư. Ban quản trị tự cho mình các quyền quyết định thanh toán các giao dịch không lớn hơn 1 tỉ đồng cho mỗi hoạt động bảo trì mà không cần hỏi ý kiến cư dân một lời.

Mới đây, các cư dân tại chung cư An Lạc (Q.Bình Tân, TP.HCM) đã cầu cứu và tố cáo khắp nơi việc trưởng ban quản trị chung cư này “rút ruột” quỹ bảo trì chung cư, khiến chung cư xuống cấp. Cụ thể, năm 2011 ban quản trị chung cư này được bầu ra do ông Trần Văn Hùng làm trưởng ban và ông Phạm Công Dũng làm thư ký. Tiền phí bảo trì là 1,9 tỉ đồng đứng tên đồng sở hữu ông Hùng và ông Dũng. Khoảng 2 tháng sau, ông Hùng từ nhiệm và ông Dũng được lên thay làm trưởng ban. Từ đó, ông này tự đứng tên toàn bộ số tiền phí bảo trì kiêm luôn vai trò thủ quỹ.

Trong suốt quá trình điều hành ban quản trị, ông Dũng không công khai các khoản thu chi cho cư dân và các thành viên ban quản trị khác biết. Đến năm 2013 số tiền này chỉ còn lại 455 triệu đồng và đến tháng 7.2017 số tiền này còn hơn 51 triệu đồng mà không biết dùng vào đâu. Các khoản chi không có hóa đơn chứng từ trong khi chung cư xuống cấp trầm trọng. Người dân yêu cầu ông Dũng từ nhiệm nhưng ông này không rút lui.

Những hộ dân sinh sống tại lô A chung cư Bàu Cát 2 (Q.Tân Bình, TP.HCM) thì bàng hoàng trước việc một số nhóm cư dân đấu đá nhau, tạo ảnh hưởng để “chạy đua” vào ban quản trị chung cư. Anh Tú, một cư dân ở đây, cho biết sát ngày bầu cử, có ứng viên còn huy động người nhà đến gặp từng cư dân “mua” phiếu bầu. Thậm chí, có người còn hứa hẹn nếu trúng cử sẽ đưa cư dân vào làm việc trong ban quản trị, có thu nhập tốt. Mục đích của những người này là có chân trong ban quản trị để “kiếm ăn”, nhắm đến số tiền quỹ bảo trì chung cư hơn 11 tỉ đồng.

Ông Phạm Công Dũng bị người dân tố "rút ruột" quỹ bảo trì chung cư An Lạc
ẢNH: ĐÌNH SƠN

Miếng “bánh” béo bở

Nếu như trước đây, các khu chung cư đa số nhỏ lẻ, chỉ vài chục đến hàng trăm căn hộ, thì nay có những khu đô thị lên đến hàng chục ngàn căn hộ khiến số tiền quỹ bảo trì chung cư rất lớn. Đây là miếng “bánh” béo bở dẫn đến những tranh chấp quản lý nguồn vốn này.
Một lãnh đạo Công ty Thành Trường Lộc nói rằng nguyên nhân khiến công ty không bàn giao số tiền này vì sợ bị mất. Bởi thành viên trong ban quản trị có thể ôm tiền đi bất cứ lúc nào khi nhà không phải của họ. Ngay cả nhà của họ đi chăng nữa thì giá trị căn hộ còn thấp hơn rất nhiều so với quỹ bảo trì căn hộ. Đây cũng là một trong những lý do không ít cư dân ủng hộ chủ đầu tư nắm quỹ.

Chủ đầu tư một chung cư trên địa bàn Q.5 (TP.HCM) thì cho biết thực tế trong các chung cư hầu hết người dân đều muốn sống một cuộc sống yên bình sau những giờ làm việc căng thẳng. Không ai muốn tranh giành, khiếu kiện hay làm trong ban quản trị chung cư bởi họ đã có việc làm ổn định. Nhiều người còn cho rằng đây là công việc ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng. Tuy nhiên, nhiều người hiện xem việc làm trong ban quản trị chung cư là một nghề, thậm chí là một công việc hết sức béo bở, có rất nhiều quyền lợi. Từ việc thu tiền giữ xe, phí quản lý, việc cho thuê mặt bằng, cho thuê bảng hiệu quảng cáo trên tòa nhà, cho dịch vụ internet, cáp truyền hình, chọn công ty quản lý... tất cả đều phải thông qua ban quản trị.

Đặc biệt là khoản tiền khổng lồ, có khi lên tới vài chục, cả trăm tỉ thu được từ phí quản lý chung cư đã làm bùng nổ tranh chấp. Số tiền này chỉ cần đem gửi ngân hàng nào đó ăn chênh lệch lãi suất hoặc được “lót tay” cũng đã rất lớn.

Khác gì chủ tịch xã

Thử hình dung khu chung cư 1.000 căn hộ, bình quân khoảng 4.000 người dân, vậy ông trưởng ban quản trị chung cư này có khác gì chủ tịch một xã. Nhiều người đã nhìn thấy được miếng bánh béo bở này nên ra sức dùng các mánh lới để chạy đua vào ban quản trị. Bên cạnh một số người muốn hỗ trợ cư dân, đấu tranh với chủ đầu tư thì cũng có nhiều người mục đích muốn vào để kiếm ăn mà việc kiếm ăn này rất dễ dàng vì không ai quản lý và luật pháp hiện nay cũng không có quy định, các chế tài hay quản lý vấn đề này.

Chủ đầu tư một chung cư ở Q.5 (TP.HCM)

DiaOcOnline.vn - Theo Thanh Niên