Top

Cò, đầu nậu đất gây nhiễu loạn thị trường

Cập nhật 22/09/2018 10:23

Khi cò, công ty môi giới trở thành kẻ lừa đảo, các chiêu trò tinh vi hơn, người mua bất động sản dễ bị sập bẫy hơn. Tình trạng lừa đảo có chiều hướng gia tăng khiến chính quyền nhiều địa phương phải lên tiếng cảnh báo.

Đất lúa ở Long An bị Công ty Nam Phong đem phân lô bán nền
ẢNH: ĐÌNH SƠN

Rao bán đất Q.2, đưa khách qua Đồng Nai

Cách đây 2 năm, qua một người quen, chị Phương đã gặp bà Huệ, môi giới bất động sản cho một dự án tái định cư tại Q.Bình Thạnh (TP.HCM). Tại đây bà Huệ giới thiệu cho chị Phương mua lại 2 suất tái định cư tại dự án tái định cư P.22 (giai đoạn 2), với lời dụ dỗ sẽ được nhận nhà tái định cư tại chung cư số 90 đường Nguyễn Hữu Cảnh (Q.Bình Thạnh), ngay sát chân cầu Thủ Thiêm. Mỗi căn hộ như vậy chị Phương phải trả chênh lệch cho bà Huệ và chủ nhà 600 triệu đồng.

Tuy nhiên, đến nay căn hộ tái định cư chị mua chưa thấy đâu. Sốt ruột, chị Phương bổ đi tìm hiểu tại UBND Q.Bình Thạnh mới tá hỏa vì dự án tái định cư P.22 (giai đoạn 2) không có trường hợp nào được nhận nhà tái định cư tại chung cư 90 Nguyễn Hữu Cảnh. Trong khi đó, dự án tái định cư P.22 (giai đoạn 2) đến nay vẫn chưa thể triển khai, nên sau mấy năm mua suất tái định cư chị Phương vẫn chưa nhận được nhà. “Đến nay nhà không thấy đâu, trong khi đó bà Huệ liên tục né tránh trách nhiệm. Biết mình bị lừa, tôi đã làm đơn tố cáo đến công an”, chị Phương kể.

Thêm một vụ môi giới lừa bán đất nền Chị Phương không phải là trường hợp cá biệt, mà có đến hàng trăm khách hàng cũng đã bị Công ty Kim Phát, Vạn Hưng Phát lừa bán đất nền tại Đồng Nai trong khi rao bán đất nền giá rẻ tại Q.2. Tại đây, dù chỉ là dự án phân lô bán nền, nhưng các công ty này đã tự ý vẽ hàng loạt tiện ích không có thực như bệnh viện, trường học, thậm chí có cả tuyến metro, sân bay quốc tế ở sát bên để lừa khách hàng. Công ty còn tự ý nâng giá bán rất cao so với bảng giá của chủ đầu tư đưa ra để hưởng chênh lệch.

Hiện hàng trăm khách hàng mua đất nền của hai công ty trên đang nộp đơn kiện, kêu cứu khắp nơi, Công an tỉnh Đồng Nai đã vào cuộc nhưng bất chấp tất cả hai công ty này vẫn tiếp tục hoạt động mua bán bình thường. “Đất dự án là có thật, nhưng hai công ty này làm môi giới đã tự vẽ lại quy hoạch. Đường rộng 4 m họ vẽ lên 20 m, tự động vẽ thêm trường học, bệnh viện, trung tâm thương mại... rồi bán với giá chênh lệch có khi gấp đôi so với giá chủ đầu tư đưa ra. Tại các sự kiện bán hàng tập trung, công ty này dùng cò mồi để dụ dỗ khách hàng “xuống tiền”. Khi khách hàng đặt cọc hoặc ký hợp đồng rồi, mới phát hiện bị lừa thì đã muộn. Khách hàng đến công ty đòi lại tiền, không những không trả, công ty này còn cho giang hồ hành hung khách hàng. Mấy năm nay, hàng trăm khách hàng là nạn nhân của hai công ty này đi khắp nơi để tố cáo hành vi lừa đảo nhưng đến nay vẫn chưa thấy bị xử lý”, chị Thanh, một nạn nhân của Công ty Kim Phát, cho biết.

Nhiều chủ đầu tư như Him Lam, Quốc Lộc Phát, Sơnkim Land, Hưng Thịnh, Tập đoàn T&T, Cát Tường... cũng đã liên tục kêu cứu vì bị các công ty môi giới mạo danh để lừa đảo khách hàng.

Bán dự án bất hợp pháp

Trước thực trạng trên, thời gian qua các địa phương như TP.HCM, Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu, Long An, Vân Đồn (Quảng Ninh), Phú Quốc (Kiên Giang)... đã đưa ra các lời cảnh báo về các dự án chưa đủ điều kiện bán hàng, dự án chưa làm hạ tầng, thậm chí cảnh báo lừa đảo. Thậm chí, Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu, Phú Quốc (Kiên Giang), Vân Đồn đã ra văn bản dừng tiếp nhận các hồ sơ liên quan đến tách thửa, cấm phân lô bán nền.

Một lãnh đạo của H.Hóc Môn (TP.HCM) cho biết thời gian qua rất nhiều đầu nậu, “cò đất” đã đổ về đây phân lô bán nền, thậm chí lừa đảo người dân khi một số đối tượng đã tự phân nền đất nông nghiệp, tự làm bản vẽ phân lô tổng mặt bằng trái quy định, không được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Nhiều đầu nậu, “cò đất” giả đóng vai người nhận chuyển nhượng đất nông nghiệp diện tích lớn, mượn nhiều giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp của các hộ gia đình, cá nhân sau đó tự phân lô trên giấy và rao bán đất nền.

Cụ thể, cò đất đã giới thiệu, quảng cáo, rao bán các “dự án nhà ở không hợp pháp” trên các trang mạng xã hội, qua hình thức phát tờ rơi và thông qua các dịch vụ môi giới bất động sản, “cò đất”... Đồng thời, các đối tượng này hứa hẹn nếu “đặt tiền cọc” từ 50 - 400 triệu đồng thì trong khoảng thời gian từ 6 - 12 tháng sẽ có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để xây dựng nhà ở. Họ đưa ra một số bản sao biên nhận đã nộp hồ sơ để chứng minh. Tuy nhiên, khi kiểm tra các bản sao biên nhận này thì không có trên hệ thống lưu trữ hồ sơ hành chính đã nhận tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả tại huyện.

Nhiều dự án lách luật huy động vốn “Huyện đã thực hiện nhiều giải pháp để tuyên truyền, hướng dẫn, cảnh báo người dân cần tìm hiểu kỹ thông tin khi có nhu cầu về nhà đất; nâng cao tinh thần cảnh giác trước các hình thức tư vấn, lôi kéo của một số cò đất, dịch vụ tư vấn bất động sản có dấu hiệu lừa đảo để không gây thiệt hại về tài sản cho bản thân”, ông Huỳnh Văn Hồng Ngọc, Chủ tịch UBND H.Hóc Môn, cho biết.

Lãnh đạo một công ty bất động sản nhận xét, hiện thị trường bất động sản đang phát triển mạnh ở TP.HCM và các tỉnh thành lân cận như Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa-Vũng Tàu, Long An... Ăn theo đó là sự xuất hiện của hàng loạt công ty bất động sản, nhất là các công ty môi giới. Nhiều công ty có vài ba nhân viên, không được đào tạo, không được quản lý tốt nên đi lừa đảo khắp nơi.

“Để xảy ra tình trạng nở rộ lừa đảo thời gian qua do có quá nhiều sàn môi giới ra đời. Ngay cả công ty tôi, nhiều nhân viên mới làm một vài năm cũng ra mở sàn giao dịch, nhưng chỉ được một thời gian ngắn là giải thể xin về lại. Một số nhân viên khác mở sàn khó khăn thì làm liều làm bậy. Do không có sự giám sát, hậu kiểm trong khâu thực thi pháp luật”, ông này nói.

Lừa đảo nhiều, nhưng không ai bị xử lý

Theo luật sư Nguyễn Văn Trường, để xảy ra tình trạng lừa đảo nở rộ khắp nơi như thời gian vừa qua là do chính quyền các địa phương quản lý không nghiêm, cũng không loại trừ có sự tiếp tay của một số người có chức quyền ở địa phương. Bởi hoạt động mua bán, lừa đảo không phải diễn ra ở một nơi vắng vẻ mà công khai, thậm chí các công ty này còn tổ chức sự kiện bán hàng rầm rộ giữa ban ngày.

Như tại H.Long Điền (Bà Rịa -Vũng Tàu), các ruộng muối, các khu đất nông nghiệp bị đầu nậu, cò đất tự phân lô, tự “xẻ thịt” lừa người dân từ TP.HCM xuống mua. Đến khi báo chí phản ánh, chính quyền mới vào cuộc thì đã muộn, người dân đã bị lừa. Một điều nữa theo ông Trường, lừa đảo có đất sống bởi luật pháp không nghiêm. Rất nhiều vụ đã khá rõ ràng, đất không có vẫn đem bán hay một căn hộ bán cho nhiều người, chủ đầu tư lừa đảo bỏ trốn, người dân khiếu kiện, cầu cứu khắp nơi, thậm chí công an vào cuộc nhưng cuối cùng không ai bị xử lý.

Minh bạch, công khai quy hoạch

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, xác nhận thời gian vừa qua nơi đây đã nhận được rất nhiều đơn tố cáo của khách hàng liên quan đến các vụ lừa đảo bán đất nền ở các tỉnh vùng ven. Ông cũng chỉ ra các thủ đoạn như nhiều công ty môi giới này thường đổi tên, thay đổi tên chủ đầu tư, tự ý vẽ lại quy hoạch 1/500, tự ý tăng thêm những tiện ích không có thật, dùng cò mồi để dụ dỗ khách hàng, tự ý thổi giá bất động sản, thậm chí dùng giang hồ để đe dọa khách hàng, ép họ ký hợp đồng.

“Làm sao cải cách thủ tục hành chính, tạo quỹ đất minh bạch, công khai quy hoạch để có nguồn quỹ nhà đất chính thống đưa ra thị trường phục vụ nhu cầu của người dân và các nhà đầu tư. Bởi khi nguồn hàng chính thống hạn chế thì phân lô trái phép đất nông nghiệp bùng nổ, kéo theo đó là lừa đảo”, ông Châu đề xuất.


DiaOcOnline.vn - Theo Thanh Niên