Chuyên gia “mách nước” cho Hà Nội phân làn đường

Cập nhật 04/12/2009 09:05

"Phải thận trọng chọn tuyến đường; đừng ưu tiên ô tô mà phải hạn chế đối tượng gây ùn tắc này; phải “xử lý” được xe buýt thì mới mong phân làn thành công" - các chuyên gia “mách nước” trước thông tin Hà Nội sắp phân làn trên diện rộng.

Sẽ thành công nhờ… 2 lần thất bại!

Theo TS Khuất Việt Hùng, (Phó Viện trưởng Viện Quy hoạch và Quản lý giao thông vận tải) dù đã thất bại hai lần trước nhưng chính qua các thất bại này, Hà Nội có thể rút ra nhiều bài học, để quyết tâm phân làn lần này thành công.
 

Sau  4 năm thất bại, tuyến Kim Mã lạ được đề cử phân làn. Ảnh: CH


Là một chuyên gia nghiên cứu về tổ chức giao thông, và cũng là người từng phối hợp với tư vấn TRAHUD (Dự án phát triển nguồn nhân lực an toàn giao thông tại Hà Nội), ông Hùng nhớ lại: sau thất bại phân làn thử nghiệm đầu tiên, trên đường Kim Mã năm 2005, các đơn vị tổ chức, tư vấn nói nguyên nhân cơ bản dẫn đến thất bại: đường không đủ rộng; lưu lượng xe quá lớn và tóm lại là: đã chọn tuyến quá khó để thử nghiệm!

“Sau đó, tuyến Đại Cồ Việt – Trần Khát Chân được chọn thí điểm tiếp. Đây là tuyến lưu lượng xe ít hơn, nhất là xe buýt, nói chung là tuyến dễ làm hơn, nhưng cũng thất bại” - ông Hùng nói.

"Qua 2 lần đó tôi thấy mấy điểm cần rút kinh nghiệm: Thứ nhất, họ đã quá ưu tiện cho ô tô, hạn chế xe máy. Minh chứng là khi kẻ đường, làn cho ô tô lại kẻ vạch đứt nhiều đoạn dài, nghĩa là cho ô tô chuyển làn sang làn các phương tiện khác, còn xe máy thì kẻ vạch liền, hạn chế chuyển làn. Vậy là đối tượng cần hạn chế (ô tô) đã không được hạn chế. Thứ hai, điểm dừng đỗ xe buýt đã không được giải quyết tốt, khiến khi vào đón, trả khách, xe buýt đã “vô tình” tăng xung đột với phương tiện khác, mà chủ yếu là xe máy”, ông Hùng phân tích.

Trên cơ sở thất bại đó, ông Hùng cho rằng, lần phân làn này phải chọn được đối tượng ưu tiên, mà đó nên là xe buýt.

“Để tránh xung đột xe buýt, nếu không làm được làn đi xe máy vòng qua sau trạm dừng xe buýt (như trên đường Phạm Hùng) thì nên phát huy đường gom như ở phố Kim Mã, rồi cho xe máy tách làn xa điểm dừng xe buýt”, ông Hùng gợi ý.

Ngoài ra, vị này lưu ý thêm, thất bại lần trước còn có nguyên nhân các lực lượng tham gia đã không nỗ lực thường xuyên do trước khi làm đã không tính được chi phí nhân lực, độ bền với các lực lượng hướng dẫn thực hiện này.

Trên cơ sở đó, TS Hùng nói rằng Hà Nội có hy vọng để lần phân làn tới sẽ thành công: “Hà Nội không được thất bại nữa, bởi “quá tam ba bận” thì dân sẽ nhờn thuốc phân làn, sau này khó mà làm thêm”!

Thận trọng chọn tuyến

Tuy nhiên, PGS, Tiến sỹ Bùi Xuân Cậy, Trưởng khoa Công trình, Trưởng Bộ môn Đường bộ (ĐH GTVT Hà Nội) lại cẩn trọng hơn khi cho rằng với hạ tầng giao thông Hà Nội hiện tại, khả năng thành công rất thấp khi tiến hành phân làn phương tiện giao thông trên quy mô lớn.

PGS, TS Cậy nói: "Việc phân làn theo diện rộng lần này có lẽ cũng xuất phát từ tinh thần kiên quyết nhằm giảm ùn tắc giao thông của Hà Nội. Về hiệu quả của các giải pháp phân làn ở Hà Nội thì chúng ta cũng phần nào có thể tự nhận xét thông qua các dự án thí điểm phân làn ở trục đường Kim Mã năm 2005 và trên tuyến Đại Cồ Việt –Trần Khát Chân hiện nay. Với tư cách của người thường xuyên nghiên cứu việc tổ chức giao thông, cá nhân tôi thấy khả năng thành công của phương án phân làn đại trà sắp tới rất thấp".

“Không phải chúng ta cứ đổ lỗi việc thất bại thí điểm phân làn vừa qua là do ý thức người dân tham gia giao thông thấp mà căn nguyên là do hạ tầng kém. Đơn giản đường phân làn quá chật, trong khi dòng giao thông hỗn hợp nhiều phương tiện, với lượng xe máy chiếm tỷ lệ lớn. Các tuyến đường định phân làn đều trong tình trạng quá tải”, ông Cậy thẳng thắn.

Bởi vậy, ông cho rằng, với các tuyến Bắc Thăng Long, Phạm Hùng, Quốc lộ 6 thì có thể được vì đường khá rộng, khoảng cách các nút giao có khi trên 1km/nút.

Thế nhưng, với các tuyến đường đô thị (nội đô), nhiều tuyến chính, khoảng cách giữa các nút giao trên tuyến quá ngắn, chưa đầy 200m, các đường phụ thì dưới 100m, trong khi các chỉ số này, tối thiểu cũng cần phải ở mức gấp đôi.

“Chẳng hạn, nút giao quá ngắn ở tuyến Đại Cồ Việt, khi ôtô rẽ làn đường sẽ cản, chặn dòng phương tiện khác, lúc đấy người ta không muốn vi phạm cũng phải vi phạm. Hoặc việc phân làn tuyến Kim Mã thất bại, đơn giản vì ở đây tần suất xe buýt ra, vào trạm dừng nhiều, nó ảnh hưởng nghiêm trọng tới dòng xe máy, nó chiếm hết làn đường phương tiện khác nên dẫn đến lộn xộn, ùn tắc”, ông Cậy dẫn thực tế.

Cuối cùng, ông Cậy này kết luận: Nếu không thận trọng chọn tuyến, có chỉ số, dữ liệu khoa học mà phân làn tràn lan thì khả năng thành công là rất thấp.

DiaOcOnline.vn - Theo Vietnamnet