“Chung cư mini” - Bỏ tiền mua nỗi lo cháy nổ?

Cập nhật 08/04/2018 09:34

Ngoài những yếu tố hạn chế như: Diện tích chật chội, thiếu ánh sáng, bài trí thậm chí là rất tối, không có sổ đỏ, thì việc mua “chung cư mini” để ở, khách hàng còn phải đối mặt thêm nguy cơ hỏa hoạn rất dễ xảy ra, khi điều kiện sinh hoạt, cũng như công tác phòng cháy chữa cháy ở các căn hộ nhỏ này phần đa là thiếu thốn và tiềm ẩn nhiều nguy cơ cháy nổ…

Những rủi ro khách hàng phải đối mặt

Mô hình nhà ở riêng lẻ theo kiểu “chung cư mini” bắt đầu xuất hiện trên thị trường bất động sản vào năm 2005, cho đến thời điểm nay. Với số tiền dao động trên dưới 1 tỷ đồng, thậm chí có nhiều căn hộ giá chỉ tầm 350 triệu đồng đến 500 triệu đồng, người lao động đã có thể sở hữu căn hộ có diện tích khiêm tốn tầm 30m2. Khách hàng mua những căn hộ kiểu nhỏ này chủ yếu là các gia đình lao động, những người có thu nhập thấp không có điều kiện để mua nhà mặt đất hoặc các chung cư có diện tích rộng rãi, thoáng mát có giá trị cao hơn.

Tuy nhiên, việc mua một căn hộ giá rẻ, khách hàng đang phải đối mặt với nhiều rủi ro cho kế hoạch nhà ở của mình. Vào giữa năm 2013, UBND TP Hà Nội đã ban hành Quyết định số 13/2013/QĐ-UBND, về việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất, có nêu các tiêu chí: nhà ở do hộ gia đình, cá nhân xây dựng có từ 2 tầng trở lên. Mỗi tầng có từ hai căn hộ và mỗi căn được thiết kế, xây dựng theo kiểu khép kín (có phòng ở, bếp, nhà vệ sinh với diện tích sàn xây dựng tối thiểu là 30m2 và đáp ứng các quy định về nhà chung cư theo quy định tại điều 70 Luật Nhà ở).

Theo đó, căn hộ của nhà chung cư mini được xây dựng theo giấy phép xây dựng của cơ quan có thẩm quyền cấp, việc xây dựng phải đảm bảo quy chuẩn xây dựng theo quy hoạch 1/500 hoặc quy hoạch xây dựng đô thị với đầy đủ các giấy tờ thủ tục liên quan. Chủ đầu tư chung cư mini sẽ thay mặt các hộ gia đình, cá nhân mua căn hộ chung cư mini làm thủ tục giấy chứng nhận quyền sở hữu các căn hộ.

Tuy nhiên, việc mua bán căn hộ này mang tính rủi ro rất cao, vì khác với các loại hình chung cư thương mại hay nhà ở xã hội, theo Nghị định 71/2010/NĐ-CP và Thông tư 16/2010/TT-BXD quy định việc mua bán các căn hộ của chung cư mini không cần phải qua sàn giao dịch bất động sản mà chỉ cần ra công chứng.

Ngoài ra, diện tích căn hộ thực tế thường không đúng với diện tích được báo trên hồ sơ, chủ đầu tư cố tình xây quá diện tích đất cho phép để tăng số phòng bán ra, xây vượt số tầng được cấp phép xây dựng để nâng cao lợi nhuận... Ví dụ như lô đất 200m2, chủ đầu tư chỉ được xây dựng trên diện tích 140m2 và giấy phép được cấp xây dựng 6 tầng nhưng lại xây thành 8 - 10 tầng. Khi mua căn hộ ở những tầng không phép này, người mua càng dễ bị rủi ro hơn nữa.


Đường vào chung cư mini nhỏ hẹp gây khó cho công tác PCCC khi xảy ra cháy nổ. Ảnh: Gia Hân

Phần lớn chung cư mini nằm sâu trong ngõ

Anh Lê Tuấn Anh (chủ sở hữu một căn chung cư mini nằm trên đường Phùng Khoang, phường Trung Văn, quận Nam Từ Liêm, TP Hà Nội) chia sẻ: Cách đây 3 năm, tôi mua một căn hộ mini 1,15 tỷ, có diện tích 53m2, tại thời điểm ấy đây là khu nhà ở hợp lý, vì gần trường học, gần chợ cho vợ tôi buôn bán.

Đợt vừa rồi gia đình làm ăn được nên đã mua đất trên Cầu Giấy, có rao bán lại 850 triệu, có mấy người đến hỏi những vẫn chưa chốt được, gần đây giảm xuống còn 750 triệu, nhưng gần đây do liên tiếp xảy ra cháy nổ nên không có ai đến xem nữa…

Khảo sát tại một số điểm “chung cư mini” trên địa bàn TP Hà Nội cho thấy nhiều nơi bộc lộ những hạn chế. Để tăng lợi nhuận, các chủ đầu tư đều chọn khu đất có kết cấu “nở hậu” hay còn gọi là nút cổ chai, để giảm giá thành,vì nếu diện tích mặt tiền rộng thì tiền mua đất sẽ đắt hơn.


Không gian nhỏ hẹp trong khu chung cư mini dễ gây hậu quả cao nếu xảy ra hỏa hoạn.

Điều này dẫn tới hệ lụy là khi xảy ra hỏa hoạn sẽ gây khó cho công tác thoát hiểm. Vậy nên phần lớn các “chung cư mini” nằm trong các ngõ nhỏ, gây khó cho lực lượng PCCC và cơ quan chức năng thực hiện nhiệm vụ mỗi khi có hỏa hoạn xảy ra, điều này dẫn đến rủi ro lớn ngay cả với những đám cháy thông thường.

Tại ngõ 80 đường Hoàng Đạo Thành (phường Kim Giang, quận Hoàng Mai), một “chung cư mini” được xây dựng theo mô hình “nút cổ chai”, mặc dù mới được hoàn thiện, nhưng hành lang nhỏ, hẹp và cửa ra vào chưa đến chục mét, trong khi căn nhà thiết kế có đến vài chục căn hộ thì dự báo mức độ rủi ro cao và khó thoát hiểm.

Còn tại tòa nhà số 245 đường Phùng Khoang (phường Trung Văn, quận Nam Từ Liêm) mật độ dân số sinh sống tại đây khá đông, đường vào cũng nhỏ hẹp, còn cầu thang thoát hiểm được thiết kế tầm 1m và các căn hộ có khung cửa kín.

Ông Đặng Quốc Hùng, Phó Chủ tịch UBND phường Trung Văn cho biết: Đấy là những căn nhà ở riêng lẻ của người dân được xây dựng từ lâu, không gian sinh hoạt của người dân ở đấy khá là chật chội và hạn chế. Để phòng chống cháy nổ, chúng tôi cũng hết sức cảnh giác, thường xuyên tuyên truyền công tác PCCC đến người dân.

Tại Hội nghị giao ban báo chí do Ban tuyên giáo Thành ủy Hà Nội mới đây, Thiếu tướng Hoàng Quốc Định (GĐ Sở Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy Hà Nội) đã khuyến cáo mạnh mẽ đến với người dân: Đối với chung cư mini, hệ thống quản lý quy định đang có sơ hở từ khâu thủ tục xây dựng đến khi đưa vào hoạt động cho thuê, bán… hàng loạt văn bản vẫn còn khoảng trống. Các ngành chức năng như tài nguyên môi trường, xây dựng, phòng cháy chữa cháy, quận, huyện, phường đang rà soát để đưa vào siết chặt quản lý.

“Người dân cần hiểu chung cư này điều kiện phòng cháy chữa cháy rất hạn chế, tiềm ẩn nhiều nguy cơ, dân không nên mua và không nên sử dụng; cần tẩy chay chung cư mini”, Thiếu tướng Hoàng Quốc Định nhấn mạnh.

Từ năm 2017 đến nay trên địa bàn TP xảy ra 1.100 vụ cháy, nổ, trong đó có 31 vụ cháy gây thiệt hại nghiêm trọng, 7 vụ cháy lớn, 187 vụ cháy trung bình… Ngoài ra còn có 699 sự cố chập điện, 442 sự cố cháy bãi rác, phế liệu không gây cháy lan. Các vụ cháy làm 24 người chết, 18 người bị thương; thiệt hại về tài sản ước tính 617 tỷ đồng và 6,3 ha rừng. So với năm 2016 giảm 94 vụ cháy, giảm 9 người bị thương; thiệt hại về tải sản tăng hơn 125 tỷ đồng. Đáng chú ý, tình hình cháy, nổ tuy có giảm nhẹ nhưng vẫn diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nhiều nguy cơ có dấu hiệu gia tăng. Địa bàn xảy ra chảy tập trung nhiều ở các quận nội thành (chiếm 67,27%), các huyện ngoại thành chiếm 23,73%. Chủ yếu ở các doanh nghiệp tư nhân và nhà dân (chiếm trên 95%). Số vụ cháy lớn gây hậu quả nghiêm trọng chỉ chiếm từ 2%-3% nhưng thiệt hại chiếm khoảng 90%. Nguyên nhân do sự cố từ điện chiếm tỷ lệ cao (64,1%), Thiếu tướng Hoàng Quốc Định cho biết.


DiaOcOnline.vn - Theo Pháp luật XH