Top

Chưa xác định nguồn vốn để kéo dài metro số 1 về Bình Dương

Cập nhật 24/05/2017 16:05

Ban Quản lý đường sắt đô thị TPHCM cho biết, việc kéo dài tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) về Bình Dương và Đồng Nai mới chỉ hoàn thành phần nghiên cứu, nguồn vốn để thực hiện dự án vẫn chưa xác định được.


Đoạn đi trên cao tuyến metro số 1, một số đoạn đã hoàn thành phần cầu cạn - Ảnh: Thành Hoa

Hôm nay, 24-5, Ban Quản lý đường sắt đô thị TPHCM đã thông tin về tình hình thực hiện các tuyến metro tại TPHCM. Trong đó, tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) là dự án đang được thực hiện đồng loạt các gói thầu.

Cụ thể, gói thầu 1A (đoạn đi ngầm từ ga Bến Thành đến ga Nhà hát thành phố) khối lượng thực hiện đạt 5%; gói thầu 1B (đoạn đi ngầm từ ga Nhà hát thành phố đến ga Ba Son) khối lượng đạt 45%; gói thầu số 2 (đoạn đi trên cao từ Ba Son đến Suối Tiên) khối lượng đạt 67%. Riêng gói thầu số 3 (mua sắm đầu máy, toa xe, đường ray) đã thực hiện được 12%. Hiện tại, nhà thầu đang nhập khẩu đường ray, dự kiến đến tháng 8-2017 nhà thầu sẽ bắt đầu lắp đường ray đoạn đi trên cao. Đến tháng 6-2018 sẽ vận chuyển đoàn tàu đầu tiên về Việt Nam.

Liên quan đến tiến độ của tuyến metro số 1, trả lời câu hỏi của TBKTSG Online, ông Lê Nguyễn Minh Quang, Trưởng ban quản lý đường sắt đô thị TPHCM cho biết, do việc cấp vốn ODA từ Trung ương chậm nên thành phố đang nợ tiền các nhà thầu.

"Năm 2017, thành phố cần 5.400 tỉ đồng chi cho thi công tuyến metro số 1, tuy nhiên phần vốn ODA mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình phân bổ chỉ được 2.100 tỉ đồng. Số tiền này khi nhận được sẽ trả nợ 600 tỉ đồng và trả nhà thầu gần 1.400 tỉ đồng là gần hết số vốn được cấp năm 2017", ông Quang thông tin.

Theo ông Quang, việc phân bổ vốn theo kế hoạch từng năm mà không theo tiến độ dự án đã khiến dự án gặp khó. Khi vốn cấp cho dự án chậm sẽ dẫn đến nhà thầu giãn tiến độ, thậm chí dừng thi công, khi đó nhà thầu sẽ đòi thanh toán tiền lãi dẫn đến phải đàm phán rồi dự án có thể kéo dài hơn. Để tránh dự án chậm tiến độ, Ban Quản lý đường sắt đô thị và chính quyền TPHCM đã kiến nghị Chính phủ cấp tiếp vốn để thực hiện dự án.

"Nếu không giải quyết được vấn đề vốn, dự án sẽ phá vỡ tiến độ vì hiện nay thành phố không còn khả năng ứng trước vốn nữa. Phía Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) cũng rất lo ngại về vấn đề này", ông Quang nói.

Liên quan đến phần vốn để kéo dài tuyến metro số 1 về Bình Dương và Đồng Nai, trả lời TBKTSG Online, ông Phan Nhật Linh, Trưởng phòng Kế hoạch Đầu tư của Ban Quản lý đường sắt đô thị TPHCM cho biết, qua quá trình làm việc giữa tỉnh Bình Dương và Đồng Nai, các bên đã thống nhất sẽ kéo dài tuyến số 1 thêm 2 km, tức là từ ga Suối Tiên tới ga nút giao trên địa bàn tỉnh Bình Dương. Sau đó, từ nhà ga nút giao này sẽ chia làm 2 nhánh một nhánh về Bình Dương, một nhánh về Đồng Nai.  Việc nghiên cứu kéo dài thêm 2 km đến Bình Dương đã được nhóm tư vấn của Nhật Bản hoàn tất vào tháng 2-2017.

Ước tính chi phí kéo dài thêm 2 km đến Bình Dương khoảng 100 triệu đô la Mỹ. Trong đó, Đồng Nai và Bình Dương đã có văn bản gửi TPHCM, đề nghị xem xét xây dựng đoạn 2 km này, trong đó 2 tỉnh này đồng ý chịu tất cả chi phí giải phóng mặt bằng.

Ông Linh cho biết, vấn đề này đã được Ban Quản lý đường sắt đô thị báo cáo lãnh đạo thành phố, tuy nhiên hiện dự án vẫn còn ở giai đoạn chuẩn bị. Do chưa tổ chức cuộc họp giữa 3 địa phương nên chưa xác định được nguồn vốn kéo dài đoạn 2 km này sẽ do địa phương nào chi trả. Tuy nhiên, phía JICA đã hứa sẽ xem xét tài trợ phần vốn này để đầu tư kéo dài tuyến metro số 1.

Trả lời câu hỏi của TBKTSG Online, ông Linh cho biết, khi tuyến metro số 1 được kéo dài đến Bình Dương sẽ giúp tăng lượng khách đi tuyến metro số 1. Đồng thời, giảm áp lượng xe cá nhân vào thành phố, giảm áp lực giao thông, giúp giãn dân về phía Đông.


DiaOcOnline.vn - Theo TBKTSG