Top

Chủ tịch TPHCM sẽ gặp lại người dân Thủ Thiêm vào đầu tháng 11

Cập nhật 19/10/2018 14:55

- “Chúng tôi rất cầu thị, đề ra các chính sách giải quyết cho bà con theo hướng có lợi nhất. Lần này, chúng tôi muốn có sự đồng thuận của người dân thông qua các chính sách cụ thể. Tôi sẽ tiếp xúc đợt 2 vào tuần đầu của tháng 11 tới để tiếp tục lắng nghe ý kiến bà con”, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong cho hay.

Chủ tịch Nguyễn Thành Phong trao đổi với người dân Thủ Thiêm sau buổi tiếp xúc

Bị cưỡng bức rời khỏi nơi ở, bàn giao nhà đất ngoài ranh giới dự án mà trong tay không có bất kỳ một quyết định nào của chính quyền, người sống không biết đi đâu về đâu; cán bộ trung kiên dám đấu tranh bảo vệ sự thật thì bị trù dập… Sau khi nghe nỗi niềm của dân Thủ Thiêm, lãnh đạo TPHCM đã xin lỗi về những sai sót mà các cấp chính quyền gây ra.

Bị trù dập vì bảo vệ sự thật

Sáng 18/10, tiếp xúc với Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong, nhiều cán bộ đã ngậm ngùi kể lại nỗi đau dai dẳng hơn 10 năm qua khi họ dám nói lên tiếng nói lương tri để bảo vệ sự thật tại dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm.

Ông Nguyễn Văn Thạch, nguyên trưởng ấp 2 xã Bình Khánh (nay là hai phường Bình An và An Khánh) là cán bộ tiếp quản Sài Gòn sau giải phóng nói rằng, ông nắm rõ bán đảo Thủ Thiêm như lòng bàn tay. Khu phố 1 chính là khu 4,3 ha, trước kia vốn là khu giãn dân, cư xá công nhân. Bà con hồi ấy rất nghèo. Cư xá có 49 dãy, gồm hai khu A, B.

Ông Thạch lấy trong túi xách ra một sơ đồ và cho biết, khu A ngày trước có 5 dãy nhà, trong đó 3 dãy dành cho cán bộ phường, 2 dãy dành cho giáo viên trường tiểu học. Cả khu cư xá nguồn gốc đất không phải đất công. “Từ những ngày đầu, chi bộ ấp tôi đã đấu tranh bảo vệ sự thật. Họ đo vẽ nhà tôi... Tôi là bí thư chi bộ, Trưởng Ban điều hành dân phố mà còn bị đối xử như vậy, với dân còn tệ đến mức nào. Sau này, tôi bị cách chức, ra ngoài đạp xích lô kiếm sống”, ông Thạch nói.

Ông Toản, nguyên Chủ tịch HĐND phường ngậm ngùi: Chi bộ kiểm tra, xác định khu phố 4 nằm ngoài ranh. Chị Vân, Bí thư Chi bộ ấp có văn bản gửi lên phường, lên quận thì sau đó bị điều chuyển công tác rồi cho nghỉ hưu. Anh Dũng về cũng vậy, gửi văn bản lên trên thì bị điều đi rồi cho nghỉ hưu. Không ai trả lời trả vốn gì. Sau đó chính quyền bắt chúng tôi phải giao nhà đất. Gia đình có 164 m2, có hợp đồng thuê đất công, chỉ được bồi thường 100 m2. Anh Thạch, Trưởng Ban điều hành khu phố lúc đó suýt bị khai trừ Đảng.

Bà Lê Thị Cẩm Vân xót xa: “Chồng tôi là thượng tá công an. Cả gia đình là đảng viên. Biết mình bị giải tỏa oan nhưng vì là Đảng viên nên năm 2013, gia đình chấp hành giao nhà đất rồi khiếu nại sau. Khi nhận tiền bồi thường, chồng tôi ghi vào quyết định vẫn bảo lưu quan điểm. Vì chuyện này, Đảng ủy phường liên tục gây sức ép, gửi văn bản cho Đảng ủy Sở Cảnh sát Phòng cháy và Chữa cháy. Chồng tôi phải xin nghỉ hưu sớm rồi mất vì uất ức… Bây giờ trắng đen đã rõ ràng. Nhà tôi trong khu 4,3 ha, ngoài ranh quy hoạch”.

Bà Lê Nguyễn Kim Diệu, Trưởng phòng của Ngân hàng Chính sách quận kể khi đưa người dân Thủ Thiêm vào diện hỗ trợ thì bị lãnh đạo quận, phường phản ứng, gửi công văn cho ban giám đốc. “Tôi cũng bị mất nhà nên hiểu người dân rất cần hỗ trợ. Nhiều người cầm tiền bồi thường không mua được nhà. Vậy mà…”, bà Diệu nói giọng nghẹn lại.

Dân đòi lại nhà

Tại buổi tiếp xúc với Chủ tịch Nguyễn Thành Phong, nhiều người dân khu 4,3 ha đã khước từ đề xuất hoán đổi nền đất khác trong khu vực mà UBND quận 2 đưa ra. Bà Diện kiên quyết: Yêu cầu các ông trả lại nhà cho người dân ngay tại vị trí cũ, hoán đổi chỗ khác không đúng luật đâu.

Bà Nguyễn Thị Kim Phượng (phường Bình An) nhớ lại: Gia đình tôi sinh sống ở Thủ Thiêm từ năm 1985. Thủ Thiêm ngày ấy hoang hóa, dân sống giữa các bô rác hôi thối, sơ sẩy là lọt xuống ruộng. Nhiều hôm, rắn bò cả vào nhà. Muỗi mòng rất nhiều. Cuộc sống tuy cực khổ nhưng êm ấm. Năm 2008, Thanh tra TPHCM đã xác định khu 4,3 ha nằm ngoài ranh dự án vậy mà chính quyền vẫn đưa lực lượng đến nhà đập phá nhà. Chồng chết, tôi không có nhà để làm đám, phải mượn nhà chị. Tôi đi khiếu nại thì bị quy chụp là thuộc nhóm này, thành phần kia…

“Khiếu nại không xong, tôi kiện ra tòa. Tôi yêu cầu cung cấp bản đồ nhưng họ không có. Căn cứ vào cái không có để đập nhà dân, vậy mà tòa xử dân thua kiện. TPHCM cần khu đô thị Thủ Thiêm để phát triển thì người dân sẵn sàng chia sẻ nhưng thực hiện phải đúng pháp luật, phải đảm bảo quyền lợi của người dân. Thu hồi nhà đất của dân sai thì phải trả lại”, bà Phượng nói.

Chủ tịch Nguyễn Thành Phong cho biết, việc triển khai dự án khu đô thị mới Thủ Thiêm là nhằm góp phần phát triển kinh tế xã hội, cải thiện đời sống người dân và mỹ quan đô thị với sự tham gia của chính quyền nhiều nhiệm kỳ và hàng nghìn hộ dân.

Bên cạnh những kết quả đạt được, trong quá trình đầu tư xây dựng khu đô thị mới Thủ Thiêm, TPHCM đã có một số vi phạm, thiếu sót, khuyết điểm, ảnh hưởng đến quyền lợi người dân, nhất là bà con sinh sống trong ranh quy hoạch 4,3 ha. Với tinh thần cầu thị, vai trò quản lý cao nhất, UBND TPHCM đã nhận thấy một số cơ quan thiếu lắng nghe, chưa kịp thời giải quyết khiếu nại, để khiếu nại của người dân kéo dài, gây hoài nghi, hoang mang…

Người đứng đầu chính quyền TPHCM cho biết, sau khi có kết luận của Thanh tra Chính phủ (TTCP), UBND TPHCM đã xây dựng kế hoạch để thực hiện nghiêm kết luận của thanh tra, kiểm điểm, xử lý trách nhiệm các cá nhân sai phạm. UBND TPHCM sẽ gặp gỡ các trường hợp người dân bị giải tỏa trong ranh và ngoài ranh khu 4,3 ha để xin ý kiến về 11 vấn đề người dân đang khiếu nại, xem xét nguyện vọng của một số trường hợp yêu cầu cho quay về nơi ở cũ.

“Chúng tôi rất cầu thị, đề ra các chính sách giải quyết cho bà con theo hướng có lợi nhất. Lần này, chúng tôi muốn có sự đồng thuận của người dân thông qua các chính sách cụ thể. Tôi sẽ tiếp xúc đợt 2 vào tuần đầu của tháng 11 tới để tiếp tục lắng nghe ý kiến bà con”, ông Phong cho hay.

“Chúng tôi luôn chia sẻ với người dân từ trước đến nay. Các vị lãnh đạo ở đây cũng đau khổ lắm. Nhiều sai sót đã xảy ra rất khó khắc phục trở lại như ngày trước. Tôi mong cô bác thông cảm. Đến thời điểm này TPHCM vẫn chưa xác định chính xác ai trong ranh, ngoài ranh khu 4,3 ha và cuộc tiếp dân hôm nay chỉ là bước đầu để lắng nghe bà con. Nhưng dù có lắng nghe nữa và giải quyết thì cũng không có thứ gì bù đắp được thiệt hại của cô bác. Chúng tôi chỉ xin cô bác thôi”, Trưởng Ban Tiếp công dân Trung ương Nguyễn Hồng Điệp.
“Thay mặt chính quyền các thời kỳ, tôi xin lỗi người dân Thủ Thiêm về những sai sót trong quá trình thực hiện dự án và những khốn khó mà bà con đã phải gánh chịu; xin chia sẻ với cả những bà con phải rời bỏ mảnh đất đã gắn bó từ tấm bé. Tôi rất xin lỗi…”.
Chủ tịch Nguyễn Thành Phong nói

“Chúng tôi có lỗi là đã giải quyết quá chậm trễ, để bà con phải khổ. Vụ việc ở Thủ Thiêm sẽ được chỉ đạo bởi tập thể Ban thường vụ Thành ủy và trực tiếp là Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân nên người dân không phải lo ngại sẽ tiếp tục bị áp đặt”.
Bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, Chủ tịch HĐND TPHCM

Hoán đổi đất cho người dân bị giải tỏa oan

Chủ tịch UBND quận 2 Nguyễn Phước Hưng cho hay, Tổ công tác đang tập trung rà soát làm rõ từng trường hợp cụ thể. Phương án đề xuất lấy ý kiến người dân là hoán đổi đất đúng diện tích cho họ. Hiện nay, địa phương đã chọn 3 vị trí đất dùng để hoán đổi với tổng diện tích khoảng 18.000 m2. Đối với đất nông nghiệp sẽ xác định tỷ lệ hoán đổi. Riêng các trường hợp đã di dời và không muốn quay về, địa phương sẽ xác định phần chênh lệch và thuê tư vấn định giá để hoàn trả cho người dân.


DiaOcOnline.vn - Theo Tiền Phong