Top

Chủ đầu tư khu xử lý rác ở Đa Phước: Chỉ chôn lấp, 'đút túi' gần 100 tỉ/năm

Cập nhật 11/07/2018 13:59

Đây là một trong những nội dung vừa được Thanh tra Chính phủ báo cáo bổ sung việc kiểm tra, xác minh nội dung đơn tố cáo dự án khu liên hợp xử lý chất thải rắn Đa Phước gây ô nhiễm môi trường, thiệt hại ngân sách nhà nước của ông Đoàn Văn Đức.


Xe chở rác ra vào khu xử lý rác Đa Phước (Bình Chánh, TP.HCM) ngày 10-7-2018 - Ảnh: HOÀNG ĐÔNG

Theo báo cáo bổ sung nói trên, kết quả kinh doanh của Công ty TNHH Xử lý chất thải rắn Việt Nam (VWS) từ năm 2006 đến năm 2016 và 9 tháng đầu năm 2017 có tổng doanh thu là 5.334 tỉ đồng.

Trong đó, tổng chi phí là 4.250 tỉ đồng, lợi nhuận trước thuế là 1.097 tỉ đồng. Nếu trừ khoản thuế thu nhập doanh nghiệp 61 tỉ đồng, lợi nhuận sau thuế vẫn còn hơn 1.000 tỉ đồng.

Kết quả kinh doanh này dựa trên báo cáo tài chính của doanh nghiệp được kiểm toán.

Như vậy sau gần 11 năm đi vào hoạt động (tính đến tháng 9-2017), trung bình mỗi năm VWS lãi gần 100 tỉ đồng.

Tỉ suất lợi nhuận trên tổng chi phí vận hành là 25,8% cũng được xác định là cao hơn rất nhiều so với tỉ suất lợi nhuận 3% được Công ty California Waste Soluttins, Inc (CWS) - công ty mẹ VWS căn cứ xây dựng đơn giá.

Từ báo cáo trên, Thanh tra Chính phủ cho rằng việc TP.HCM ứng trước 9 triệu USD cho VWS là không cần thiết, không đúng Luật ngân sách nhà nước, không phù hợp với thực tế và là nguyên nhân quan trọng để VWS đạt được lợi nhuận lớn so với doanh thu và so với vốn chủ sở hữu.

Nếu như trong báo cáo, kiểm tra lần trước, Thanh tra Chính phủ xác định đơn giá xử lý rác ký kết giữa TP và VWS là 16,4 USD/tấn là cao thì nội dung báo cáo bổ sung lần này xác định thêm là đơn giá xử lý rác chưa có căn cứ pháp lý, không được cơ quan tài chính thẩm định...

Thanh tra Chính phủ cũng thống nhất với Bộ Tài chính kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo UBND TP.HCM khẩn trương đàm phán ký kết lại hợp đồng giao, nhận và xử lý rác, khắc phục triệt để các tồn tại như: đơn giá, xác định phương án tài chính theo đúng quy định pháp luật.

Bên cạnh đó, làm rõ trách nhiệm, xử lý theo quy định của pháp luật đối với tổ chức, cá nhân có liên quan (Sở Tài nguyên - môi trường TP, Sở Kế hoạch - đầu tư TP) trong việc đàm phán, báo cáo UBND TP quyết định về việc ký kết hợp đồng xử lý rác, về các nội dung không đúng quy định pháp luật, không đúng quy trình về đơn giá xử lý rác 16,4 USD/tấn và việc ứng trước 9 triệu USD trái quy định cho nhà đầu tư nước ngoài.

Thanh tra Chính phủ còn đề nghị nêu thêm vai trò của lãnh đạo UBND TP và các cá nhân chịu trách nhiệm trong xử lý vụ việc này.


DiaOcOnline.vn - Theo Tuổi trẻ